Tính giá trị và độ tin cậy của VFI phiên bản tiếng Việt trong việc xác định sự mệt mỏi giọng nói của giáo viên tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nhóm nghiên cứu: Nguyễn Thị Minh châu (Học viên khoá đào tạo ThS. chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu, khoá 2022 – 2024, Đt: 0983017375; email: minhchau0405@gmail.com); PGS.TS. Debbie Phyland (Đại học Monash, Australia); PGS.TS. Thái Thanh Trúc (Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh).

ĐẶT VẤN ĐỀ: Mệt mỏi giọng nói (MMGN) là một điềm báo trước của bệnh lý về giọng nói. Thang đo mệt mỏi giọng nói (VFI) là một công cụ dùng để xác định và đánh giá MMGN. Trong những năm qua, thang đo VFI đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau. Tại Việt Nam, MMGN vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ và cũng chưa có công cụ nào có thể xác định MMGN. Vì vậy, nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu tạo ra phiên bản tiếng Việt của thang đo VFI. Đồng thời, tiến hành đánh giá tính tin cậy và tính giá trị của thang đo VFI trong việc xác định MMGN trên giáo viên tiểu học (GVTH) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của nghiên cứu: chuyển ngữ thang đo VFI sang tiếng Việt, đánh giá tính tin cậy (tính tin cậy nội bộ, tính tin cậy lặp lại) và tính giá trị (tính giá trị cấu trúc, tính giá trị theo điều kiện) của thang đo VFI phiên bản tiếng Việt.

PHƯƠNG PHÁP VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU: Thang đo VFI được chuyển ngữ sang tiếng Việt theo quy trình dịch ngược – dịch xuôi đúng chuẩn quốc tế. Sau đó, thang đo VFI phiên bản tiếng Việt cuối cùng được khảo sát trên 339 GVTH tại Thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá tính tin cậy nội bộ (thông qua hệ số Alpha Cronbach), tính giá trị cấu trúc (thông qua phân tích nhân tố khẳng định) và tính giá trị có điều kiện (thông qua phân tích đường cong ROC dựa vào khoản tham chiếu là sự tự cảm nhận mắc các bệnh lý về giọng của GVTH). Trong đó, có 242 GVTH tự cảm nhận mắc các bệnh lý về giọng và 97 GVTH tự cảm nhận không mắc các bệnh lý về giọng. Sau 1 tuần, 50 GVTH trong số 339 GVTH tham gia khảo sát lần 1 đã thực hiện khảo sát lần 2 để đánh giá tính tin cậy lặp lại thông qua hệ số ICC.

KẾT QUẢ: Nghiên cứu thực hiện trên 339 GVTH, tuổi trung bình của GVTH là 39,9 (độ lệch chuẩn là 10,4). Đa số GVTH tham gia nghiên cứu là giáo viên nữ (84,7%). Tính tin cậy nội bộ của thang đo VFI ở mức tốt với hệ số alpha Cronbach cho toàn thang đo là 0,93. Tính tin cậy lặp lại được thể hiện qua hệ số ICC của toàn thang đo đạt mức tốt là 0,77. Tính giá trị cấu trúc thể hiện thông qua phân tích nhân tố khẳng định cho thấy rằng thang đo VFI phù hợp với mô hình 3 yếu tố [χ2(171) = 4255,8; SRMR = 0,05; RMSEA = 0,07; CFI = 0,93; TLI = 0,91]. Tính giá trị có điều kiện dựa trên khoản tham chiếu là sự tự cảm nhận của GVTH, thang đo VFI phiên bản tiếng Việt đã cho thấy khả năng phân biệt người có MMGN và không có MMGN ở mức tốt thể hiện qua diện tích dưới đường cong AUC = 0,8. Tại điểm cắt 33 thì độ nhạy và độ đặc hiệu của thang đo VFI phiên bản tiếng Việt lần lượt là 77,7% và 69,1%.

KẾT LUẬN: Thang đo VFI phiên bản tiếng Việt đạt được độ tin cậy và tính giá trị cao trong việc xác định MMGN trên GVTH tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thang đo VFI được khuyến nghị sử dụng trong nghiên cứu và thực hành lâm sàng để sàng lọc những cá nhân có MMGN. Tuy nhiên, trong tương lai cần tiến hành nghiên cứu thang đo VFI trên nhiều đối tượng khác nhau ở những khu vực khác nhau của Việt Nam để xác nhận và so sánh với kết quả tìm được trong nghiên cứu này.

TỪ KHÓA: Mệt mỏi giọng nói; Thang đo/chỉ số mệt mỏi giọng nói (VFI)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan