- Thông tin chung
Tên chương trình: Chương trình hỗ trợ người khuyết tật
Hoạt động: Tập huấn “Hỗ trợ áp dụng TEACCH – Trị liệu và giáo dục trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về ngôn ngữ – giao tiếp”.
- Giới thiệu
Từ năm 2014, MCNV bắt đầu các hoạt động hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại tỉnh Điện Biên. Từ năm 2016, MCNV và Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác trong việc thành lập và vận động nguồn vốn đầu tư xây dựng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên.
Tháng 10/2019, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên chính thức đi vào hoạt động. Với nguồn hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Dự án của MCNV, đội ngũ nhân sự của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên đã được hỗ trợ và tiếp tục tham gia thêm một số hoạt động nâng cao năng lực. Tháng 12/2019, Trung tâm bắt đầu nhận trẻ khuyết tật vào học.
Chương trình TEACCH (Treatment and Education Autistic Children Communication Handicap – Trị liệu và giáo dục trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về giao tiếp) là một chương trình tiếp cận theo suốt cuộc đời nhằm giúp những trẻ bị hội chứng tự kỷ mà mục tiêu của nó là trang bị cho trẻ một cuộc sống hữu ích trong gia đình và cộng đồng. Chương trình TEACH cơ bản được xây dựng theo hướng hỗ trợ trẻ sau khi các lĩnh vực phát triển của trẻ được đánh giá bằng công cụ PEP. Cách tiếp cận này chú trọng hỗ trợ trẻ bằng cách cung cấp các thông tin thị giác và có cấu trúc. Sau khi đánh giá trẻ bằng công cụ PEP và trong quá trình áp dụng chương trình TEACCH, người giáo viên, người hỗ trợ của trẻ tự kỷ sẽ cần phải chú ý điều chỉnh môi trường trở nên thích ứng với trẻ tự kỷ; tập trung vào cá nhân trẻ và xây dựng chương trình hỗ trợ cho trẻ dựa trên những kỹ năng và sở thích có sẵn của trẻ. Chương trình này có 9 lĩnh vực can thiệp và chia theo từng giai đoạn tuổi từ 1 đến 6, bao gồm: 1. Bắt chước (Imitation) ; 2. Nhận thức (Perception) ; 3. Vận động thô (Gross motor); 4. Vận động tinh (Fine Motor); 5. Phối hợp mắt và tay (Eye-hand intergration); 6. Kỹ năng hiểu biết (Cognitive performance); 7. Kỹ năng ngôn ngữ (Verbal performance); 8. Kỹ năng tự lập (Self-help); và 9. Kỹ năng bắt chước xã hội (Social performance).
Nhận thấy việc áp dụng Chương trình TEACCH có thể giúp giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ Điện Biên và các giáo viên dạy trẻ khuyết tật thực hiện các hoạt động hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ và trẻ có khó khăn về ngôn ngữ – giao tiếp được hiệu quả hơn nên MCNV và đối tác đã thống nhất tổ chức một lớp tập huấn áp dụng “TEACCH – Trị liệu và giáo dục trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về giao tiếp” với mục đích tiếp tục tăng cường năng lực của cán bộ, giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ Điện Biên về kỹ năng kết hợp các kỹ thuật, phương pháp khác nhau trong chương trình can thiệp cho trẻ khuyết tật. Đây cũng là một hoạt động trong khuôn khổ hợp đồng PWC-MCNV/CBR/DB/20/01, hợp tác giữa MCNV và Sở GD&ĐT Điện Biên trong năm 2020.
Giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ Điện Biên đã có kiến thức cơ bản về sàng lọc, đánh giá trẻ khuyết tật nhưng chưa có kinh nghiệm về xây dựng chương trình can thiệp và thực hiện chương trình can thiệp cho trẻ khuyết tật nên MCNV cùng với đối tác đã thảo luận và thống nhất kế hoạch thực hiện lớp tập huấn nêu trên theo hướng tiếp cận dựa vào nhu cầu và mức năng lực thực tế của giáo viên và theo phương pháp hướng dẫn thực hành trực tiếp.
Điều khoản tham chiếu này mô tả các thông tin liên quan đến việc tổ chức thực hiện hoạt động tập huấn “Áp dụng TEACCH – Trị liệu và giáo dục trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về giao tiếp” tại tỉnh Điện Biên trong năm 2020 như đã nói trên.
- Học viên
Tổng số học viên dự kiến là 20 người, bao gồm:
- 12 cán bộ, giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ Điện Biên;
- 02 người từ Phòng MN và Tiểu học của Sở GD & ĐT;
- 06 hiệu trưởng/hiệu phó chuyên môn và giáo viên chủ chốt của một số trường Mầm non có đông trẻ khuyết tật.
- Mục tiêu và kết quả mong đợi của hoạt động
Mục tiêu: Sau tập huấn, học viên có kỹ năng áp dụng chương trình “TEACCH – Trị liệu và giáo dục trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về giao tiếp” để can thiệp hiệu quả cho trẻ tự kỷ và trẻ có khuyết tật về ngôn ngữ – giao tiếp.
Kết quả mong đợi: Sau khóa tập huấn, học viên sẽ:
- Hiểu rõ về cách tiếp cận và phương pháp TEACCH trong trị liệu và giáo dục cho trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về giao tiếp;
- Biết cách vận dụng, kết hợp và thực hành tốt các phương pháp trị liệu khác nhau theo cách tiếp cận của TEACCH để can thiệp có hiệu quả trên từng lĩnh vực phát triển cho trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật về ngôn ngữ – giao tiếp;
- Thực hành tốt các kỹ thuật can thiệp cho trẻ nhỏ có khuyết tật ngôn ngữ.
- Thời gian
Thời gian: Tổng thời gian cho hoạt động là 3,5 ngày, tại Điện Biên. Dự kiến thời gian từ 27 – 30/7/2020.
- Mô tả nhiệm vụ của tư vấn
Để đảm bảo chất lượng và đạt được mục tiêu của hoạt động, MCNV thống nhất với Sở GD&ĐT Điện Biên tìm chuyên gia tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm chuyên môn để thực hiện hoạt động này.
5.1. Nhiệm vụ của chuyên gia: Nhiệm vụ chung của chuyên gia là thực hiện các hoạt động tập huấn, hướng dẫn giáo viên theo nội dung và yêu cầu được xác định của MCNV và Sở GDĐT Điện Biên. Các nhiệm vụ cụ thể là:
- Tư vấn cho MCNV và Sở GD&ĐT Điện Biên để xác định nội dung cụ thể, phương pháp và các công việc chuẩn bị cần thiết cho hoạt động.
- Chuẩn bị trước chương trình tập huấn chi tiết, sau đó thảo luận với cán bộ dự án của MCNV và Trung tâm hỗ trợ Điện Biên để thống nhất chương trình tập huấn chính thức
- Chuẩn bị tài liệu, bài tập, bộ công cụ, băng hình,… phục vụ nội dung và hoạt động tập huấn.
- Thực hiện hoạt động tại thực địa theo nội dung, phương pháp, cách làm như mong đợi và được mô tả trên đây.
- Báo cáo cho MCNV và Sở GD&ĐT Điện Biên về việc tổ chức thực hiện hoạt động (theo mẫu của MCNV) và có đề xuất cụ thể cho việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho giáo viên và thực hiện hỗ trợ trẻ KT tốt nhất trong thời gian tiếp theo.
- Đề xuất cho MCNV và Sở GD&ĐT Điện Biên về những hoạt động hỗ trợ tiếp theo cho trẻ và cho cán bộ, giáo viên hỗ trợ trẻ.
- Trong quá trình hợp tác, chuyên gia cần chủ động thông báo và thảo luận cởi mở với MCNV cũng như Sở GD&ĐT Điện Biên về những vấn đề phát sinh để cùng thảo luận biện pháp giải quyết kịp thời.
5.2. Hoạt động và thời gian cụ thể của chuyên gia
TT | Hoạt động của chuyên gia | Đầu ra mong đợi | Thời gian | Số ngày làm việc/tư vấn |
1 | Nghiên cứu tài liệu tham chiếu, thống nhất với MCNV về phương pháp thực hiện nhiệm vụ, chuẩn bị chương trình, tài liệu, thiết bị cho hoạt động tập huấn. | MCNV và chuyên gia thống nhất được nội dung, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ. | Tuần 2 tháng 7 | 1,0 |
3 | Trực tiếp tập huấn, hướng dẫn giáo viên tại Điện Biên. | Đạt được những mục tiêu của hoạt động như đề cập trên đây. | Tuần 4 tháng 7 | 3,5 |
4 | Viết báo cáo cho MCNV về hoạt động và đề xuất về hướng hỗ trợ tiếp theo cho trẻ và gv của trẻ tại Điện Biên. | Báo cáo về hoạt động và gợi ý về hướng hỗ trợ tiếp theo. | Trong vòng 10 ngày sau khi hoàn thành hoạt động. | 0,5 |
Tổng | 05 ngày |
5.3. Các sản phẩm mong đợi từ hợp tác giữa MCNV và chuyên gia
- Bộ tài liệu, học liệu phục vụ cho hoạt động tập huấn
- Chương trình/kế hoạch tập huấn
- Báo cáo của chuyên gia (phân tích chi tiết về tình hình của trẻ và đưa ra được các khuyến nghị sát với thực tế cho MCNV và các đối tác của MCNV tại tỉnh trong việc hỗ trợ trẻ).
- Yêu cầu về năng lực của chuyên gia
- Có kiến thức chuyên sâu về tâm lý phát triển của trẻ khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật ngôn ngữ – giao tiếp nói riêng;
- Ít nhất 10 năm kinh nghiệm thực hiện và hỗ trợ thực hiện các hoạt động can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật ngôn ngữ – giao tiếp;
- Có kinh nghiệm thực tế trong hoạt động hướng dẫn giáo viên áp dụng TEACCH trong chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật ngôn ngữ – giao tiếp;
- Có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về hướng dẫn, tập huấn giáo viên dạy trẻ khuyết tật;
- Có khả năng viết báo cáo tốt.