Nguồn tài liệu nghiên cứu hiếm hoi về lĩnh vực ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam đã được bổ sung một cách có ý nghĩa sau khi thông tin về kết quả nghiên cứu của 14 học viên lớp ThS. Kỹ thuật Phục hồi chức năng chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu đầu tiên tại Việt Nam được chính thức công bố tại Hội thảo Chia sẻ kết quả từ một số nghiên cứu về Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam.
Hội thảo diễn ra vào sáng ngày 28/04/2022 tại Tp.HCM do MCNV và ĐH Y Dược Tp.HCM phối hợp tổ chức, với khoảng 140 đại biểu tham dự thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Các đại biểu dự Hội thảo trực tiếp tại Tp.HCM sáng 28/4/2022.
Hội thảo có sự tham dự của ThS. BS. Nguyễn Phương Hiền – Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo; bà Ritu Tariyal – Giám đốc Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Giáo sư Lindy McAllister – ĐH Sydney, Australia, đại diện Ban giám đốc tổ chức Trinh Foundation Australia (TFA); PGS.TS. Nguyễn Văn Chinh – Trưởng Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, ĐH Y Dược Tp.HCM; PGS.TS.Nguyễn Ngọc Dung, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Ths.Bs. Lê Quang Dương, Giám đốc tổ chức VietHealth, Ths.Bs.Phạm Dũng, Giám đốc MCNV Việt Nam; các chuyên gia quốc tế, giảng viên, tình nguyện viên, cố vấn và giám sát viên lâm sàng, phiên dịch viên, chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, học viên ngôn ngữ trị liệu, giáo viên và các nhà chuyên môn khác…tham gia trực tuyến qua nền tảng Zoom từ Australia, New Zealand, Canada, Việt Nam…
Bà Ritu Tariyal – Giám đốc Phòng Hàn gắn và Phát triển hòa nhập, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) – tham dự và phát biểu chào mừng Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ tóm lược các kết quả nghiên cứu từ luận văn tốt nghiệp của khóa 1 chương trình Thạc sỹ Kỹ thuật Phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) tại ĐH Y Dược TP.HCM trong khuôn khổ dự án “Phát triển Đào tạo NNTL tại Việt Nam”. Dự án được tài trợ bởi USAID thông qua tổ chức VietHealth và được thực hiện bởi MCNV với tư vấn kỹ thuật từ tổ chức Trinh Foundation Australia (TFA). Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, chuyên ngành NNTL được đào tạo chính quy ở bậc Thạc sĩ. Dự án được khởi động vào cuối năm 2017.
PGS.TS. Nguyễn Văn Chinh – Trưởng Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, ĐH Y Dược Tp.HCM – phát biểu khai mạc Hội thảo.
Sau quá trình chuẩn bị khẩn trương và với sự tham gia của nhiều bên, với sự hỗ trợ tích cực của 2 Bộ liên quan là Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, khóa ThS. NNTL chính thức bắt đầu vào tháng 11/2019. Tháng 11/2021, khóa đào tạo đã hoàn thành khi tất cả 14 học viên bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp, với những đề tài nghiên cứu về NNTL trên nhiều khía cạnh như mất ngôn ngữ, trải nghiệm của gia đình có trẻ khuyết tật ngôn ngữ, trải nghiệm và năng lực về ngôn ngữ trị liệu của người làm PHCN dựa vào cộng đồng, công cụ sàng lọc ngôn ngữ cho trẻ 3 – 4 tuổi, đặc điểm lời nói của trẻ có rối loạn âm lời nói, người lớn nói lắp,…
ThS.Bs.Phạm Dũng – Giám đốc MCNV Việt Nam – điều hành Hội thảo.
Những đề tài nghiên cứu kể trên đã được các Hội đồng phản biện luận văn của các học viên đánh giá cao về tính mới mẻ, hàm lượng khoa học cũng như ý nghĩa ứng dụng. Với Hội thảo lần này, các nhóm nghiên cứu cùng các đối tác có liên quan đã nỗ lực để chia sẻ, phổ biến thông tin từ các nghiên cứu đến với cộng đồng, với những người có chung mối quan tâm về lĩnh vực ngôn ngữ trị liệu, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu nghiên cứu về NNTL còn khan hiếm tại Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu Thạc sĩ Nguyễn Đức Sinh và Thạc sĩ Nguyễn Văn Duân báo cáo kết quả đề tài Nghiên cứu: Trải nghiệm của gia đình có trẻ mắc khuyết tật giao tiếp tại Tp. HCM và tỉnh Quảng Nam.
Thạc sĩ Lương Thị Cẩm Vân, thạc sĩ Hoàng Thị Huyền Trang với Nghiên cứu: Sự sẵn sàng, kiến thức và trải nghiệm của nhân viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng khi làm việc với người khuyết tật giao tiếp và nuốt.
Bên cạnh các đề tài luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ, Hội thảo cũng là cầu nối để các nhà chuyên môn NNTL trao đổi, giới thiệu các nghiên cứu chuyên sâu và cập nhật nhất như “Bộ lượng giá Mất ngôn ngữ tiếng Việt” (TS.Lê Khánh Điền – Phó Chủ tịch Hội NNTL Châu Á – Thái Bình Dương), “Ảnh hưởng của phương ngữ trong nhận diện và xác định mức độ nghiêm trọng của rối loạn âm lời nói ở trẻ em VN” (TS.Phạm Thị Bền, trường ĐH Sư phạm Hà Nội)… Cùng với đó, các đại biểu tham gia Hội thảo đã thảo luận về những vấn đề như xây dựng các khóa đào tạo NNTL tiếp theo, tầm quan trọng của việc thành lập Hội NNTL Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển chuyên ngành NNTL một cách sâu rộng, chính thống, chính quy, đáp ứng một cách thiết thực nhu cầu của người bệnh, người khuyết tật, những khách hàng cần tới dịch vụ hỗ trợ NNTL tại Việt Nam.
*Sáng ngày 29/4/2022, 14 học viên khóa 1 chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật PHCN chuyên ngành NNTL đã dự lễ nhận bằng tốt nghiệp tại ĐH Y Dược TP.HCM và chính thức trở thành những Thạc sĩ NNTL đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam.
14 tân Thạc sĩ NNTL tại Lễ tốt nghiệp sáng 29/4/2022 tại ĐH Y Dược Tp. HCM.
Hàng 1, từ phải qua: Bà Nguyễn Thị Hoa Lê (USAID), bà Ngô Y Sa (phiên dịch viên dự án NNTL), GS.Lindy McAllister (ĐH Sydney, đại diện TFA), ông Phạm Dũng (giám đốc MCNV Việt Nam), ông Lê Quang Dương (giám đốc VietHealth), bà Nguyễn Phương Hiền (Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Các đại biểu dự lễ và chúc hoàn thành khóa Thạc sĩ NNTL đầu tiên tại Việt Nam.
Nguồn: https://mcnv.org/vi/goc-thong-tin/tin-tuc/them-nguon-tai-lieu-nghien-cuu-ngon-ngu-tri-lieu-tai-viet-nam/