Sách “Rối loạn nuốt ở người lớn: chẩn đoán và phục hồi chức năng”

LỜI NÓI ĐẦU

Chứng khó nuốt (rối loạn nuốt) là phải cố gắng và kéo dài thời gian để đưa thức ăn hoặc nước từ miệng xuống dạ dày, có thể kèm theo đau, một số trường hợp người bệnh không thể nuốt được. Nguyên nhân có thể do bệnh lý của thực quản, vùng hầu họng, khoang miệng, cũng có thể là rối loạn chức năng liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau của hệ thần kinh như đột quỵ, parkinson, sa sút trí tuệ; tuổi cao hoặc mắc các bệnh lý về tim mạch, hô hấp; hậu quả của dùng một số loại thuốc, xạ trị, hay can thiệp vào vùng hầu họng như mở khí quản, đặt nội khí quản hay các phẫu thuật ở vùng này.

Uớc tính chứng khó nuốt có thể chiếm khoảng 22% ở người trên 50 tuổi (Lindgren & Janzon, 1991); con số này chiếm tới 30% ở những người cao tuổi được điều trị nội trú (Layne, Losinski, Zenner, & Ament, 1989); một đánh giá có hệ thống của Martino và cộng sự (2005) cho thấy tỷ lệ mắc chứng khó nuốt ở cộng đồng người đột quỵ khi được sàng lọc lâm sàng là 37% và khi được xác định bằng công cụ cao tới 78%. Garcia-Peris và cộng sự (2007) cho thấy 50% bệnh nhân mắc ung thư đầu và cổ gặp chứng khó nuốt ở vùng hầu họng, con số này tăng lên sau khi điều trị bằng hóa chất hay xạ trị. Tỷ lệ mắc chứng khó nuốt liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản là khoảng 14% (Mold et al., 1991; Spechler, 1999), và tần suất bị rối loạn nuốt dao động từ 3% đến 64% sau khi đặt ống nội khí quản (Skoretz, Hoa, Skoretz & Martino, 2010) và từ 5% đến 8% cho người lớn bị thiểu năng trí tuệ (Chadwick, Jolliffe, Goldbart, & Burton, 2006).

Chẩn đoán và phục hồi chức năng rối loạn nuốt là lĩnh vực phong phú và cần có sự tham gia của nhiều chuyên gia như bác sĩ Phục hồi chức năng, bác sĩ Tai mũi họng, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật viên và chuyên gia ngôn ngữ. Bên cạnh đó cần phải có cả các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng tham gia tư vấn về thức ăn, chế biến các loại thức ăn cung cấp cho người bệnh.

Cuốn sách “Rối loạn nuốt ở người lớn: chẩn đoán và phục hồi chức năng” cung cấp một số kiến thức cơ bản về dịch tễ học, sinh lý nuốt, nguyên nhân rối loạn nuốt, cách thức sàng lọc lâm sàng, thủ thuật cận lâm sàng và một số biện pháp can thiệp phục hồi chức năng rối loạn nuốt cho những người làm trong lĩnh vực phục hồi chức năng.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Tác giả Cầm Bá Thức

5 2 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan