Nhiều nghiên cứu đã xem xét các khía cạnh bình thường của chuỗi nuốt miệng hầu. Cơ sở lý luận thường được sử dụng cho các nghiên cứu này đó là các nhà lâm sàng phải có khả năng so sánh các dữ liệu quy chuẩn với dữ liệu của bệnh nhân để quyết định liệu có tồn tại sự bất thường nào không. Mặc dù cách tiếp cận trong việc phát hiện này chỉ có giá trị tổng thể nói chung (heuristic appeal), các nghiên cứu về quá trình nuốt bình thường đã tiết lộ một sự biến thiên đa dạng rất lớn giữa các cá thể bình thường (khỏe mạnh), đặc biệt trong các giai đoạn chuẩn bị ở miệng và giai đoạn miệng trong quá trình nuốt. Một phần của sự đa dạng này có thể quy cho việc lựa chọn cá thể nghiên cứu, dạng viên thức ăn, và các công cụ được sử dụng để đo lường hoạt động nuốt. Sự biến thiên khác dường gắn liền với quá trình nuốt. Có vẻ rằng cơ chế của quá trình nuốt phải biến đổi để điều chỉnh phù hợp với sự đa dạng của các loại viên thức ăn và lượng thức ăn để cho sự ăn vào thành công trong những tình huống ăn uống khác nhau, chẳng hạn như ăn trong khi đang nói, trong những môi trường khác nhau, và ở những tốc độ khác nhau. Một nhà lâm sàng sắc sảo sẽ không phớt lờ những khía cạnh đó của quá trình nuốt bình thường vốn đã được đánh giá dựa trên kinh nghiệm mà cũng đồng thời nên hiểu biết rất rõ về việc đặt vấn đề nuốt chức năng của một bệnh nhân vào trong hoàn cảnh của bệnh nhân đó dựa trên than phiền của họ, tiền sử y khoa của họ, và các kết quả thăm khám thực thể và các xét nghiệm. Các nhà lâm sàng bận rộn thường đưa ra những so sánh liên quan đến sự tính toán thời gian đối với các giá trị bình thường dựa trên các quan sát theo thời gian thực (real-time observations) với sự lưu ý cụ thể đến những thay đổi về mặt thời gian vì nó có thể ảnh hưởng đến sự xâm lấn trực tiếp hoặc rủi ro tiềm tàng đến đường thở.
Việc thực hiện nuốt bình thường tùy thuộc vào sự dịch chuyển nhanh của viên thức ăn từ khoang miệng vào trong dạ dày. Một viên thức ăn dạng lỏng có thể đi qua hầu trong 2 giây và đi vào trong dạ dày trong thời gian ít hơn 5 giây. Việc cử động với năng suất cao có thể đạt được nhờ vào sức mạnh của sự co thần kinh cơ tác dụng lên viên thức ăn và lên các lực của trọng lực. Sự chuyển động viên thức ăn hiệu quả được hoàn thành khi các cử động co và thả lỏng thần kinh cơ có tình điều hợp tạo nên các khu vực có áp suất cao lên viên thức ăn và các khu vực với áp suất âm dưới mức áp suất của viên thức ăn. Một số phần của chuỗi nuốt, chẳng hạn như thực quản, duy trì dưới áp suất âm vì vị trí của nó. Việc tạo ra các vùng có áp suất cao và thấp phần lớn đạt được thông qua sự điều hợp và sức mạnh của các van nuốt: hai môi, vòm mềm, sự đóng đường thở, và sự mở và đóng của đoạn vực hầu – thực quản (PES). Một đường thông khí mũi mở cũng có thể quan trọng (Lưu ý thực hành 2-2). Lưỡi cung cấp một động lực tích cực ban đầu. Cử động uốn ra sau của lưỡi làm nền tảng cho sự nâng lên của thanh quản bằng cách tạo một lực kéo đến xương móng. Sự nâng thanh quản hiệu quả (ví dụ, đúng lúc và mạnh) giúp tạo nên một vùng áp suất âm trong hầu, cụ thể là tại khu vực hầu – thực quản. Điều này cho phép viên thức ăn chuyển động một cách nhanh chóng, và do đó, an toàn, từ một vùng có áp suất dương vào trong một vùng có áp suất âm. Di chuyển từ một vùng có áp suất cao sang một vùng khác có áp suất cao do một tình trạng bệnh lý gây ra (chẳng hạn: sự yếu hay không điều hợp các cơ) làm cản trở dòng chảy của viên thức ăn và dẫn đến tình trạng ứ lại (stasis) và tồn đọng mà có thể bị hít sặc vào trong đường thở.
LƯU Ý THỰC HÀNH 2-2
Thử trải nghiệm những ảnh hưởng của một van mở (hai môi) và một đường mũi đóng (bịt kín) trong hoạt động nuốt của chính bạn. Đầu tiên, nuốt nước bọt của bạn như bình thường. Sau đó, cố gắng nuốt nước bọt của bạn trong khi môi/miệng đang mở, chú ý những khác biệt trong nỗ lực được dùng. Thực hiện tương tự với mũi mở rồi sau đó bịt hai lỗ mũi lại và nuốt.
Sự chuẩn bị ở miệng
Thức ăn hay chất lỏng trong miệng kích thích các thụ thể vị giác, thụ thể cảm giác nhiệt độ, và thụ thể cảm nhận áp lực (chạm) trong miệng. Các thụ thể vị giác chính được phân bố trên lưỡi, trên khẩu cái cứng và mềm, trong hầu, và tại khu vực trên thanh quản. Các thụ thể này được hoạt hóa bởi nước bọt. Nước bọt được sản xuất bởi sự hoạt hóa của các tuyến nước bọt dưới hàm dưới (submandibular gland), tuyến nước bọt dưới hàm trên (submaxillary gland) (các khía cạnh tự chủ của dây thần kinh sọ VII), và tuyến mang tai (parotid gland) (các khía cạnh tự chủ của dây thần kinh so IX). Sự hoạt hóa của các tuyến này đạt được nhờ vào các hoạt động của hàm, lưỡi, và xương móng trong suốt quá trình chuẩn bị viên thức ăn và mùi vị sẵn có của viên thức ăn. Các thụ thể cảm giác chính trên mặt lưng của lưỡi chịu trách nhiệm cho sự cảm nhận của các vị mặn, ngọt, chua, và đắng được hoạt hóa bởi nước bọt. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nếm và tạo thành viên thức ăn, nước bọt còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì miệng đủ vệ sinh bằng cách kiểm soát các vi sinh vật, trong việc điều tiết các mức axit trong dạ dày và thực quản do thành phần ion âm bicarbonate của nó, và trong việc bẻ gãy các thành phần chứa carbonhydrate. Số lần mà một người nuốt nước bọt trong 1 giờ đồng hồ dao động từ 18 đến 400 lần và phần lớn tùy thuộc vào tốc độ tiết của dòng nước bọt.
Các cảm giác vị giác chịu sự chi phối của nhánh thừng nhĩ của dây thần kinh sọ VII nằm ở hai phần ba trước của lưỡi và thông qua nhánh thần kinh đá lớn (greater petrosal branch) nằm trên khẩu cái cứng và mềm. Vị giác trên một phần ba sau của lưỡi được điều hòa bởi dây thần kinh sọ IX. Các cảm giác vị giác được gửi đến các nhân bó đơn độc (NTS) nằm trong hành tủy của thân não (xem phần các kiểm soát thần kinh), nơi chúng được truyền đến vỏ não cảm giác – vận động bởi đồi thị (thalamus). Các thụ thể vị giác nằm trong khu vực của đường vào thanh quản (larygngeal aditus) được truyền đến các nhân bó đơn độc (NTS) bởi nhánh thần kinh thanh quản trên của dây thần kinh sọ X. Sự cảm nhận các vị phụ thuộc phần lớn vào mùi. Các cảm giác mùi được mang đến bởi sự kích thích trực tiếp đến khoang mũi và bởi những mũi được gợi ra khi nhai, trong suốt giai đoạn mà các mùi bốc lên và bay về phía sau vào trong khu vực hầu mũi. Sự diễn giải về mùi cơ bản đạt được đi qua vùng đồi thị đến các vùng vỏ trán và vỏ thái dương nhờ các thông tin do dây thần kinh sọ I truyền đến. Thông tin (trí nhớ) liên quan đến mùi có thể được lưu trữ trong vùng hồi hải mã (hippocampus). Mặc dù rõ ràng rằng các cơ chế thần kinh ngoại biên nhất định là quan trọng trong việc khơi gợi nuốt, vai trò chính xác của chúng ở những cá thể bình thường và các các thể có rối loạn nuốt vẫn chưa được biết rõ. Ví dụ, những gián đoạn do các mũi tiêm gây tê tại chỗ (anesthetic injections) tại một số kênh quan trọng nhận thông tin đầu vào cảm giác ngoại biên không gây cản trở đáp ứng vận động nuốt.
Cử động điều hợp của lưỡi và hàm dịch chuyển một viên thức ăn sang bên vào trong mặt nghiến của răng hàm để làm biến dạng viên thức ăn. Quá trình làm biến dạng viên thức ăn sau đó được thực hiện bởi nhiều tiếp xúc đa dạng của lưỡi với khẩu cái cứng. Mặc dù lưỡi có thể đóng một vai trò lớn trong việc chứa viên thức ăn trong khoang miệng trước khi nuốt, các bằng chứng chỉ ra rằng trong suốt quá trình nhai viên thức ăn ở thể rắn, thức ăn được tập hợp lại tại hai hốc thung lũng tại gốc lưỡi trước khi khởi sự nuốt. Vai trò cơ bản của lưỡi là thao tác, tạo hình dạng, giữ, rồi sau đó chuyển viên thức ăn vào trong hầu miệng, báo hiệu sự khởi phát của giai đoạn nuốt ở miệng như các chuyển tiếp chuỗi nuốt vào trong giai đoạn hầu với chuyển động trôi xuống của viên thức ăn đi qua cửa hầu miệng. Bản chất chính xác của những gợi ý cảm giác báo hiệu rằng một viên thức ăn đã sẵn sàng được nuốt vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ; tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy rằng nhánh thần kinh thanh quản trên (superior laryngeal nerve (SLN) branch) của dây thần kinh lang thang có vai trò quan trọng trong quá trình khởi sự nuốt và trong các cơ chế bảo vệ cảm giác của đường hô hấp trên. Sau khi nghiên cứu 266 cá thể bình thường, những người này được cho nuốt nhiều dạng viên thức ăn khác nhau từ bánh mì bơ đến bánh ngọt đến cà rốt, và đậu phộng, Engelen và cộng sự đã kết luận rằng khả năng nhai khi đang chuẩn bị một viên thức ăn thì phụ thuộc vào các đặc điểm của viên thức ăn nhiều hơn là phụ thuộc vào sinh lý học của miệng. Cơ học của quá trình chuẩn bị viên thức ăn có thể được quan sát rõ thông qua thử nghiệm nuốt có quay video cản quang. Những hình ảnh đầu tiên được chụp khi bệnh nhân nhìn trực diện vào máy quay và nhai một mẩu bánh quy (Video 2-1). Các cử động đa dạng và uốn lượn của lưỡi và hàm được nhìn thấy rõ ràng. Khi nhìn từ một bên, lưỡi có thể được nhìn thấy là đang chạm vào khẩu cái cứng khi vật liệu thử được đẩy về phía gốc lưỡi, làm đầy thung lũng trước khi nuốt (Video 2-2).
Giai đoạn miệng
Một khi viên thức ăn đã được chuẩn bị, đầu lưỡi được nâng lên để bít phần phía trước của khoang miệng lại tại mỏm huyệt răng hàm dưới, và viên thức ăn được giữ tựa vào khẩu cái cứng. Hai bên mặt lưng (mặt dưới) của lưỡi chứa thức ăn ở hai bên rìa của nó. Trong hoạt động chứa thức ăn, phần đầu lưỡi và mặt dưới của lưỡi dường như làm việc trong thời gian dài hơn so với phần sau của lưỡi sau khi giai đoạn miệng được bắt đầu; tuy nhiên, phần sau của lưỡi chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc đưa viên thức ăn vào trong hầu. Trước – mà hầu như là đồng thời với – cử động phần sau đầu tiên của lưỡi, quá trình hô hấp ngưng lại (xem phần tiếp theo về hô hấp), tiếp sau bởi sự khép sụn phễu thúc giục sự khép nếp thanh âm. Sự co rụt lại của lưỡi chủ yếu được thực hiện bởi các cơ ngoại lai của lưỡi: cơ nhị thân (DTK sọ V), cơ hàm – móng (DTK sọ V), và cơ cằm – móng (DTK sọ VII). Gốc lưỡi tạo một áp lực dương vào phần đuôi của viên thức ăn bằng thông qua sự tiếp xúc của nó với khẩu cái mềm và thành sau hầu, điều này cho phép viên thức ăn di chuyển một cách nhanh chóng qua hầu đi vào khu vực hầu – thực quản đang mở. Khi lưỡi đẩy viên thức ăn ra phía sau, các nếp khẩu cái – hầu được kéo vào khu vực trung tâm để tạo thành một khe cho viên thức ăn đi qua. Các cơ nâng màn hầu – khẩu cái giúp nâng ngạc mềm lên để dán kín chỗ mở mũi – hầu. Cử động kết hợp bao gồm sự tiếp xúc của lưỡi vào ngạc mềm và thành hầu sau và sự dán kín khoang mũi – hầu góp phần duy trì áp lực dương đặt lên viên thức ăn khi nó di chuyển hướng đến các vùng áp lực âm ở hầu dưới. Nhờ vào các kết nối của lưỡi với xương móng, và các kết nối của xương móng với sụn giáp và sụn phễu, thanh quản được kéo lên trên và đưa ra trước, nằm dưới gốc lưỡi mà lúc bấy giờ đang bao trùm một phần lên lỗ mở đường thở. Bằng cách sử dụng các phần của xác được ướp giữ bằng formalin, Pearson và cộng sự đã kết luận rằng cơ cằm – móng là cơ kích hoạt nhiều nhất trong chuyển động di lệch ra trước của xương móng, trong khi cơ hàm – móng chịu trách nhiệm nhiều nhất cho cử động đưa lên trên. Khi thanh quản được nâng lên, sụn nắp thanh môn hạ xuống choàng lên phần trên của đường thở, hoàn tất một hệ thống bảo vệ đường thở tinh vi cho phép viên thức ăn di chuyển hướng đến thực quản hơn là đi vào khí quản. Mức độ hạ xuống của nắp thanh môn phụ thuộc vào khả năng di lệch ra trước của xướng móng, lực co gốc lưỡi, và kích thước viên thức ăn. Cử động nâng thanh quản hoàn toàn và nhanh chóng (trung bình 2 đến 3cm) hỗ trợ trong việc tạo ra áp lực âm lên vùng dưới hầu. Khi viên thức ăn đi vào trong hầu, nó được chia ra bởi các khoảng thung lũng ở mức ngang gốc lưỡi, giúp làm trệch hướng của nó khỏi đường thở như một thành phần bổ sung trong quá trình bảo vệ đường thở.
Hô hấp và nuốt
Sự bảo vệ đường hô hấp trên qua giai đoạn miệng hầu trong quá trình nuốt là tối quan trọng đối với tính an toàn khi nuốt. Quá trình hô hấp và nuốt được liên kết bởi đặc điểm giải phẫu của chúng (các kênh chung của miệng và hầu) và mối quan hệ về mặt giải phẫu thần kinh tại vùng hành não của thân não. Mối quan hệ này được thể hiện về mặt chức năng bởi vì hô hấp bị ức chế bởi nuốt, và các rối loạn về hô hấp thường ảnh hưởng đến tính an toàn khi nuốt (xem Chương 6). Giai đoạn ức chế dòng khí (ngưng thở khi nuốt) ở hầu hết những người trường thành bắt đầu trước thời điểm khởi phát giai đoạn miệng của quá trình nuốt. Trong lúc nhai, các khuôn mẫu hô hấp được điều chỉnh từ các kiểu dòng khí lưu thông bình thường; tuy nhiên, sự ngưng thở không diễn ra cho đến khi viên thức ăn tập hợp tại khu vực thung lũng. Một chu kỳ thở ra ngắn diễn tra trước hoạt động ngưng thở lúc nuốt. Khi phần cuối của viên thức ăn đi qua khỏi đoạn hầu – thực quản, thanh quản hạ xuống và quá trình hô hấp tiếp tục trong chu kỳ thở ra nhẹ nhàng trước khi đoạn hầu – thực quản đóng lại. Hoạt động thở ra thực hiện được là nhờ vào một sự tích lũy áp lực dưới thanh môn làm tách biệt các nếp thanh âm. Sự giải phóng áp lực này được nghe thấy như một tiếng bật/tiếng nổ có thể nghe thấy được khi đặt ống nghe ở ngang mức thanh quản. Tiếng bật của cử động thở ra này được xem như là một đặc điểm bảo vệ trong trường hợp có bất cứ vật liệu được nuốt nào bị kẹt lại ở đường hô hấp trên. Tiếng nổ của khí thở ra được khuyến khích tạo ra bằng nghiệm pháp Heimlich. Khuôn mẫu thở – nuốt – thở có thể thay đổi trong quá trình lão hóa bình thường và trong bệnh lý (Góc lâm sàng 2-1). Thời gian ngưng thở khi nuốt ở những người bình thường dao động từ 0.75 đến 1.25 giây tùy vào độ tuổi của người đó và kích thước viên thức ăn. Nhìn chung, viên thức ăn có kích thước càng to, thời gian ngưng thở khi nuốt càng dài. Trong thời gian ngưng thở khi nuốt vào, các nếp thanh âm thật dịch chuyển vào trục giữa nhưng không khép hoàn toàn. Có khả năng rằng sự ngưng thở trong suốt quá trình nuốt không có gắn kết với cử động của nếp thanh âm về mặt sinh lý học bởi vì các bệnh nhân sau phẫu thuật cắt thanh quản cho thấy những khoảng thời gian ngưng thở tương tự so với những người bình thường.
Giai đoạn hầu
Giai đoạn hầu bắt đầu khi viên thức ăn đi đến tầm độ ngang thung lũng và phần cuối của đoạn hầu – thực quản đóng lại. Khi viên thức ăn đi vào hầu, xương móng tiếp tục cử động lên trên và ra trước của nó hướng về gờ xương hàm dưới, làm nghiêng thanh quản bên dưới gốc lưỡi đang co rụt lại để bảo vệ không cho viên thức ăn đi vào trong đường hô hấp trên. Các nếp thanh âm giả cung cấp thêm sự bảo vệ liên kết với sự khép kín của đường vào thanh quản bởi các nếp phễu – thanh thiệt. Như một kết quả của sự co lại của dây chằng giáp – thanh thiệt và cử động co ở phần sau của lưỡi, sụn thanh môn hạ xuống từ tư thế thẳng đứng của nó đi qua đường vào thanh quản. Do đó, nhiều cơ chế được kích hoạt trong việc ngăn không cho viên thức ăn đi vào đường hô hấp trên. Các cơ chế này bao gồm (1) sự ngừng hô hấp chủ động, (2) sự khép lại của các nếp thanh âm thật và giả, (3) sự khép lại của đường vào thanh quản, (4) sự làm trệch hướng của vật liệu tạo thành viên thức ăn bởi gốc lưỡi trên thanh quản đang nâng lên, và (5) sự phân chia của viên thức ăn qua các thung lũng dẫn đường cho viên thức ăn đi xung quanh mặt trên của lối vào đường thở.
Khi viên thức ăn đi vào hầu, các cơ khít hầu trên, giữa, và dưới được kích hoạt theo chuỗi để làm cho hầu hẹp lại và ngắn đi, góp phần vào các cử động giống nhu động ỡ thành hầu sau, hỗ trợ trong quá trình đẩy viên thức ăn vào trong thực quản. Thời gian co của các cơ hầu chịu ảnh hưởng bởi kích thước viên thức ăn.
Cử động đi trệch lên trên của xương móng đóng vai trò quan trọng trong việc đặt các lực kéo lên đoạn hầu – thực quản để có được sự mở tối đa. Trước khi viên thức ăn đi vào trong hầu, các cơ tại khu vực phân đoạn hầu – thực quản mà đã đóng lại trước khi nuốt được thả lỏng bởi các tín hiệu phó giao cảm được truyền từ dây thần kinh sọ IX đến thân não. Sauk hi thả lỏng, phân đoạn hầu – thực quản được kéo mở thông trong suốt các cử động móng – thanh quản. Khi viên thức ăn tiếp tục hành trình đi xuống của nó hướng đến khu vực phân đoạn hầu – thực quản, nó vẫn được phân chia khi nó đi qua hai bên thanh quản vào trong các xoang lê của vùng hầu dưới, nơi mà viên thức ăn được hợp lại khi nó đi vào thực quản. Khuynh hướng của dòng chảy viên thức ăn đi qua hầu đã được quan sát triên những bệnh nhân khỏe mạnh bình thường. Seta và cộng sự đã nghiên cứu khuynh hướng dòng chảy của viên thức ăn trên 167 bệnh nhân bình thường. Mặc dù tất cả các bệnh nhân có dòng chảy viên thức ăn ở cả hai nửa của hầu, 58% không cho thấy có sự khác biệt, 35% thuận dùng bên trái, và 7% cho thấy ưu thế bên Cùng với sự thả lỏng của phân đoạn hầu – thực quản và cử động kéo cơ học, phân đoạn hầu – thực quản được làm phồng lên bằng lực đẩy của viên thức ăn. Các quá trình thần kinh và sinh cơ học cần cho sự làm phồng và đóng lại của phân đoạn hầu – thực quản được tóm tắt trong HÌnh 2-6.
Khi đoạn cuối của viên thức ăn đi qua khu vực phân đoạn hầu – thực quản, nhu động sơ cấp của thực quản bắt đầu khi phân đoạn hầu – thực quản đóng lại. Đường thở mở trở lại và xương móng trở về tư thế nghỉ của nó. Các hoạt động này phát tín hiệu về sự kết thúc của giai đoạn nuốt ở hầu. Thời gian của các cử động diễn ra trong quá trình nuốt ở giai đoạn miệng hầu từ lúc bắt đầu bằng sự khép nếp thanh âm đến sự mở trở lại của các nếp thanh âm vào cuối chuỗi nuốt được mô tả trong Hình 2-7. (Để biết chi tiết hơn về hoạt động của phân đoạn hầu – thực quản trong suốt quá trình nuốt, xem Chương 5). Các phương diện về mặt cấu trúc và sinh cơ học của các giai đoạn miệng và hầu của quy trình nuốt nhìn từ mặt bên và các mặt trước – sau có thể được đáng giá rõ ràng trong một phiên bản thuật lại của một thử nghiệm khám nuốt có quay video cản quang (Video 2-3). Video 2-4 cung cấp một phiên bản thuật lại của quy trình nuốt bình thường được nhìn thấy qua nội soi.
Giai đoạn thực quản
Trước khi viên thức ăn đi vào thực quản, lòng ống thực quản vẫn đang đóng kín trong khoang ngực dưới áp lực âm. Các áp lực được tạo ra khi cơ vòng thực quản trên đóng thay đổi từ 30 đến 110 mm Hg tùy thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân và kiểu ống đo áp kế được sử dụng để thu thập dữ liệu. Các hoạt động nuốt ở thực quản đòi hỏi một khuỗi mẫu chức năng theo thứ tự tùy thuộc vào các hoạt động điều hợp tại ba khu vực khác nhau: vùng gần thân, vùng cơ vân; cơ thể; và cơ trơn chuyên biệt của vùng xa thân. Chuyển động của viên thức ăn đi qua những vùng này được đặc trưng bởi một tiến triển co thắt có dạng vòng nhẫn, theo trình tự cho đến khi viên thức ăn đi vào cơ vòng thực quản dưới và dạ dày. Những viên thức ăn có trộn dịch lỏng, tùy thuộc vào độ nhớt/độ dính, thường đi trước đợt sóng co thắt này. Phần cổ của thực quản làm việc cùng với hầu dưới, cho phép phân đoạn hầu – thực quản thả lỏng hoàn toàn và phồng lên để có chỗ phù hợp với kích thước viên thức ăn. Khi viên thức ăn đi vào thực quản, một làn sóng co thắt sơ khởi (nhu động ban đầu) được khởi sự trong vùng cơ vân, gần thân bởi hoạt động ly tâm của dây thần kinh mê tẩu (DTK sọ X). Hoạt động này có thể bị ức chế bởi nhiều nỗ lực nuốt nếu hầu không thể làm sạch được thức ăn trong nó. Hoạt động vận động ở phần cổ của thực quản diễn ra nhanh chóng và chậm dần khi nó đi đến gần các khu vực giữa (ngang mức cung động mạch chủ) và phần xa của thực quản. Thông thường, lực co trong đoạn cổ của thực quản là mạnh nhất và được kết hợp đúng lúc bằng một sự giảm xuống về áp lực (sự thả lỏng) tại cơ vòng thực quản dưới để cho phép viên thức ăn đi vào dạ dày. Sự co cơ trơn thực quản (đoạn hai phần ba xa thân) có một kiểu hành vi theo chuỗi mà trong đó hoạt động gần thân liên tiếp ức chế phần kế tiếp xa nhất của thực quản. Các áp suất truyền viên thức ăn được tạo ra tại thực quản thường được đo lường bằng các kỹ thuật đo áp suất. Một hình ảnh minh họa về nhu động sơ khai được trình bày trong Hình 2-8. Hình ảnh x-quang về nhu động thực quản được trình bày trong Video 2-5. Bệnh nhân đang đứng trong khi nuốt một viên thức ăn dạng lỏng hoặc bán lỏng. Những làn sóng co thắt dạng vòng nhẫn của ống thực quản có thể được nhìn rõ, cũng như khi viên thức ăn đi vào dạ dày thông qua khỏi cơ vòng thực quản dưới. Làn sóng nhu động ban đầu trên viên thức ăn dạng dịch lỏng được theo sau bằng một làn sóng thứ hai. Rõ ràng rằng viên thức ăn bán lỏng chảy ở một tốc độ chậm hơn.
Nhu động sơ cấp được theo sau bằng nhu động thứ cấp. Làn sóng nhu động thứ cấp theo sau làn sóng sơ cấp và được truyền bởi viên thức ăn làm thực quản phồng lên. Sự dẫn truyền của nó có thể bắt đầu tại bất cứ thời điểm nào trên phần thân của thực quản và thường hỗ trợ trong quá trình vận chuyển chính của các viên thức ăn dạng rắn bởi vì làn sóng sơ cấp có thể không thành công trong việc đẩy viên thức ăn đến mức của cơ vòng thực quản dưới. Nhu động sơ cấp và thứ cấp được đi kèm bởi sự co cơ theo chiều dọc, dẫn đến sự co ngắn của thực quản bởi sự gắn kết lân cận của nó với hầu dưới và những gắn kết xa với dạ dày (xem Chương 5 để biết thêm bàn luận về Bệnh túi thừa Zenker và tình trạng rút ngắn của thực quản).
Những co cơ cấp ba của thực quản là những co thắt ngẫu nhiên không thuộc về nhu động (theo trật tự) về bản chất và không hiệu quả trong việc hỗ trợ vận chuyển viên thức ăn. Nhìn chung, chúng diễn ra độc lập với hoạt động nuốt nhưng đã được báo cáo là diễn ra thường xuyên hơn ở những người lớn tuổi. Các co cơ bậc ba có thể là kết quả của không khí bị bẫy trong thực quản, hoặc chúng có thể do một sự kích ứng trong lòng thực quản chẳng hạn như từ tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản.
Nguồn tiếng Anh: Groher, M. And Crary, M. (2016), Chapter 2: Normal Swallowing in Adults. in book Dysphagia: Clinical Management in Adults and Children (2nd Edition). Elsevier. St Louis: Missouri. Pp 24-30.
Bản quyền bản dịch thuộc Dự án “Phát triển Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam” của tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV)
Related posts:
Website: https://burtonbeyond.com/
Website: https://sofymajor.com/
Website: https://dealfisher.com/
Website: https://civusa.com/