Rối loạn nuốt là một di chứng tai biến mạch máu não rất thường gặp, ngoài việc làm bệnh nhân khó khăn trong ăn uống, rối loạn nuốt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như hít sặc, viêm phổi, khó thở và có thể dẫn đến tử vong. Phát hiện sớm rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não và điều trị kịp thời giúp bệnh nhân hạn chế các biến chứng, chức năng nuốt và việc ăn uống được sớm phục hồi.
- Rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não
1.1. Rối loạn nuốt là gì?
Nuốt là một quá trình vừa chủ động vừa tự động, trong đó có sự phối hợp nhiều nhóm cơ để đẩy thức ăn từ miệng xuống dạ dày, sinh lý nuốt được chia làm bốn giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn chuẩn bị, gồm các hoạt động cắn, nhai, nghiền thức ăn, nhào trộn thức ăn với nước bọt để thức ăn mềm, nhuyễn.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn miệng, thức ăn sẽ kích thích vùng cảm nhận nuốt quanh vòm họng, trên các cột hạnh nhân, xung động sẽ theo các sợi cảm giác của dây thần kinh số V và IX truyền về trung tâm nuốt ở hành não. Lưỡi sẽ đẩy thức ăn, nước uống ra sau để đưa vào vùng hầu.
Ở giai đoạn hầu, vòm khẩu cái mềm được kéo lên trên để đóng lỗ mũi sau giúp ngăn sự trào thức ăn vào khoang mũi, các cột hạnh nhân được kéo vào giữa để tại thành một khe dọc để thức ăn vào họng sau và ngăn không cho các thức ăn quá lớn đi qua. Các dây thanh âm được khép sát vào nhau, thanh quản được kéo lên trên ra trước các cơ cổ, đây là động tác giúp mở rộng lỗ thực quản và làm các dây chằng kéo nắp thanh quản ra dau đậy kín thanh môn, không cho thức ăn hoặc nước uống lọt vào khí quản. Thành họng co lại đẩy thức ăn từ họng vào thực quản. Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn thực quản, các sóng nhu động được chi phối bởi các dây thần kinh IX, X, đám rối Auerbach sẽ đưa thức ăn từ họng vào dạ dày.
Nếu xảy ra rối loạn ở bất kỳ một giai đoạn nào trong quá trình nuốt đều dẫn đến rối loạn nuốt. Rối loạn nuốt sẽ làm thức ăn, nước uống khó xuống dạ dày và (hoặc) một phần thức ăn sẽ bị lọt ra ngoài thực quản vào mũi, khí quản gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.
1.2. Biến chứng của rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não
Rối loạn nuốt là một di chứng tai biến mạch máu não thường gặp, có đến 52% bệnh nhân bị rối loạn nuốt sau đột quỵ não cấp. Sau đột quỵ não một tuần, rối loạn nuốt xảy ra ở 25-30% bệnh nhân và sau 6 tháng xảy ra ở 11-50% bệnh nhân.
Tai biến thường gặp khi thức ăn hoặc nước uống bị lọt vào khí quản là tình trạng hít sặc, bệnh nhân sẽ bị ho sặc sụa, co thắt phế quản, khó thở, có thể dẫn đến tử vong. Có đến 43-54% số bệnh nhân sau đột quỵ não cấp bị tình trạng hít sặc, 30% bệnh nhân hít sặc sẽ dẫn đến viêm phổi. Viêm phổi do hít sặc làm tử vong 3-6% bệnh nhân trong năm đầu tiên. Các tai biến khác của rối loạn nuốt là gây sụt cân, mất nước, suy dinh dưỡng, làm thay đổi thói quen ăn uống, gây trầm cảm và giảm khả năng hòa nhập xã hội.
- Các dấu hiệu giúp phát hiện rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não
Nếu bệnh nhân đang nằm viện, rối loạn nuốt sẽ được bác sĩ phát hiện bằng kiểm tra vận động cơ hầu họng, lưỡi, thực hiện nghiệm pháp GUSS, thang điểm MASA, các biện pháp chẩn đoán can thiệp như nội soi ống mềm, chiếu X-quang uống Barit quay video hoặc đánh giá độ bão hòa oxy mao mạch…
Nếu bệnh nhân đang được chăm sóc ở nhà, bệnh nhân có thể đang bị rối loạn nuốt là di chứng tai biến mạch máu não nếu xuất hiện các dấu hiệu sau đây:
- Khi đang ăn uống thì thức ăn, nước uống trong miệng chảy ra ngoài, rơi vãi thức ăn. Bệnh nhân thường xuyên bị chảy nước bọt, nước bọt bị đọng nhiều trong miệng.
- Khó khăn trong việc cắn, nhai, dùng lưỡi di chuyển thức ăn, ngậm thức ăn lâu, phải gắng sức khi nuốt, khi nuốt rồi vẫn thấy thức ăn vướng trong họng.
- Bệnh nhân bị ho hoặc sặc khi nuốt. Thường xuyên ho khi đang nhai chưa nuốt, khi mới nuốt và một thời gian lâu sau khi nuốt.
- Bệnh nhân bị thay đổi giọng nói, tốc độ nói sau ăn.
- Bị viêm phổi tái phát nhiều lần, sụt cân không rõ nguyên nhân, thay đổi thói quen ăn uống.
Do các biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng nên nếu rối nghi ngờ bệnh nhân đang bị rối loạn nuốt sau tai biến mạch máu não, người nhà nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để khám và điều trị giúp phục hồi sớm chức năng nuốt.
Khi bị rối loạn nuốt, bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc cắn, nhai, dùng lưỡi di chuyển thức ăn
- Các phương pháp điều trị phục hồi rối loạn nuốt trong tai biến mạch máu não
Để phục hồi chức năng nuốt cho bệnh nhân sau tai biến, tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp như kỹ thuật bù trừ, thực hiện các bài tập giúp phục hồi chức năng, điều trị bằng thủ thuật xâm nhập hoặc điều trị bằng thuốc.
3.1. Kỹ thuật bù trừ
Đây là những kỹ thuật giúp cải thiện ngay lập tức và tạo sự an toàn khi bệnh nhân nuốt, tuy nhiên hiệu quả chỉ mang tính nhất thời, không lâu dài. Kỹ thuật bù trừ gồm các động tác cần thực hiện khi nuốt như:
- Gập cằm ra trước khi nuốt, bệnh nhân ở tư thế ngồi hoặc nửa ngồi. Động tác này giúp giảm khoảng cách giữa nắp thanh môn và vách hầu làm nắp thanh môn đóng kín hơn
- Thực hiện xoay mặt về bên liệt khi nuốt, động tác giúp dồn thức ăn sang bên không bị di chứng tai biến mạch máu não, tạo lực ép lên thành bên của thanh quản.
- Nghiêng đầu sang bên lành, giúp dùng trọng lực của thức ăn để dồn thức ăn sang bên miệng, hầu không bị tai biến.
Ngoài ra, kỹ thuật bù trừ còn có các bài tập giúp gia tăng nhận thức về cảm giác mặn, ngọt, nóng, lạnh để kích thích phản xạ nuốt. Các kỹ thuật này mang lại nhiều lợi ích nếu rối loạn nuốt của bệnh nhân xảy ra ở giai đoạn miệng.
3.2. Các bài tập giúp phục hồi chức năng nuốt
Bệnh nhân sẽ được tập các bài tập vận động lưỡi, tập phát âm để giúp làm tăng độ mạnh, độ bền của các cơ môi, lưỡi hàm. Các bài tập nuốt gắng sức, tập đẩy hàm, tập nuốt với kích thích nuốt, tập nhóm cơ hỗ trợ nuốt,…giúp làm sạch họng và giảm tồn đọng thức ăn, nước bọt ở miệng. Các bài tập này nếu được thực hiện trong một thời gian giúp cải thiện, phục hồi khả năng nuốt một cách hiệu quả, bệnh nhân có thể chuyển từ ăn bằng sonde dạ dày sang ăn được bằng miệng hoàn toàn.
3.3. Thủ thuật điều trị xâm nhập
Nếu di chứng tai biến mạch máu não làm bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt nghiêm trọng, hầu họng bị liệt và không thể ăn uống được, bệnh nhân sẽ được chỉ định cho ăn qua ruột bằng cách đặt sonde miệng- dạ dày, sonde mũi- dạ dày hoặc mở dạ dày qua da bằng nội soi,… Khi bệnh nhân ăn qua sonde, người nhà cần lưu ý xay nhuyễn thức ăn dạng lỏng, điều chỉnh tốc độ bơm thức ăn phù hợp và sau mỗi lần cho người bệnh ăn, cần bơm nước ấm vào sonde để vệ sinh sonde, tránh vi khuẩn.
Khi hít phải dị vật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng các thủ thuật ngoại khoa như cắt cơ nhẫn hầu, đưa nếp thanh âm vào giữa, tạo vạt đóng nắp thanh môn, chuyển hướng khí quản- thực quản,…
3.4. Điều trị bằng thuốc
Bệnh nhân có thể được chỉ định Atropin để giảm chảy nước bọt, tuy nhiên thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng khó nuốt của bệnh nhân.
Có thể cho bệnh nhân dùng thuốc để giảm chảy nước bọt
- Các lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt do di chứng tai biến mạch máu não
Thức ăn của người bệnh cần được nấu mềm, cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn nếu người bệnh khó nhai, khó nuốt. Tránh các thức ăn xơ cứng, khô, kích thước lớn, thức ăn dễ dính vào răng, nướu. Chỉ nên cho người bệnh ăn uống khi tỉnh táo, ăn từng muỗng nhỏ ăn chậm, hỗ trợ nếu người bệnh khó mở miệng, nhắc nhở nếu người bệnh ngậm thức ăn lâu.
Khi ăn, người bệnh ngồi thẳng, vuông góc ở hông, đầu gối và cổ chân, bàn chân chạm sàn hoặc kê trên bục, không để chân lơ lửng. Nếu người bệnh không ngồi được nên điều chỉnh đầu giường lên cao hoặc đỡ người bệnh ngồi, chêm gối để người bệnh ngồi ăn được thoải mái, đúng tư thế. Sau khi ăn nên ngồi hoặc đi lại khoảng 30 phút để tránh trào ngược thức ăn. Chú ý vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân, nếu không thể đánh răng được có thể dùng gạc rơ lưỡi và nước muối sinh lý để làm sạch.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.