Ở những người trên 65 tuổi, một số thay đổi về khả năng nuốt có thể giải thích được của họ có thể đơn thuần quy về lý do tuổi tác. Những thay đổi này có thể có tác động làm mất bù nuốt. Một vài trong số những thay đổi này có thể xuất hiện sớm ở khoảng 45 tuổi. Những thay đổi này có thể được quy cho là do những thay đổi ngoại biên trong tri giác cảm giác, chẳng hạn như mùi và vị, và giảm sức mạnh cơ thứ phát do những thay đổi về khối cơ và tính co cơ. Sự mất đi sức mạnh cơ (lực) và tốc độ cơ ở những người già dẫn đến sự tăng lên, nhưng bình thường, về các khoảng thời gian nuốt so với nhóm những người trẻ hơn. Sự tăng thời gian của quy trình nuốt cũng được tìm thấy ở những người lớn tuổi khỏe mạnh có các tổn thương chất trắng cạnh não thất (periventricular white matter) so với những người lớn tuổi khỏe mạnh không có các tổn thương này. Các cấu trúc khác có liên quan trong quy trình nuốt có thể cho thấy những thay đổi về khối và khả năng co cơ bao gồm lưỡi, môi, hàm, ngạc mềm và phổi. Sự mất đi tính chất đàn hồi trong mô phổi đi kèm với khả năng và sự kiểm soát hô hấp giảm xuống có thể gián tiếp tác động đến quy trình nuốt vì các tương tác đã biết giữa quy trình thở và quy trình nuốt. Brodsky và cộng sự đã tìm thấy những khác biệt trong các kiểu mẫu hô hấp trước và sau khi nuốt ở những người lớn tuổi, khỏe mạnh so với những người trẻ hơn. Họ đã phát biểu rằng điều này có thể là kết quả của một sự giảm xuống trong các áp lực co khít hầu. Mặc dù những thay đổi này có thể không trực tiếp gây ra tình trạng rối loạn nuốt, chúng có thể làm cho các tình trạng vốn là tác nhân gây khó khăn chính trở nên ngày càng xấu đi (chẳng hạn, bệnh lý thần kinh). Sẽ là an toàn khi cho rằng một số phương diện của quy trình nuốt bị mất bù do tiến trình lão hóa thông thường và rằng mức độ bù trừ có thể làm tăng những ảnh hưởng này trong điều kiện bệnh lý. Robbins và cộng sự đã tìm thấy rằng khả năng duy trì các hoạt động co cơ đẳng trường (isometric) liên quan đến lưỡi ở những người lớn tuổi có thể khác hơn so với nhóm những người trẻ tuổi hơn. Những khám phá này ngụ ý rằng cơ chế sinh cơ học của quy trình nuốt bình thường có thể thay đổi trong các điều kiện căng thẳng, chẳng hạn có thể bị tác động mạnh bởi quá trình nằm viện. Việc tách biệt các tác động của tiến trình lão hóa bình thường lên nuốt khỏi những tác động mà trong đó bệnh tật là tác nhân chính đặt ra một thách thức lâm sàng khó khăn.
Giai đoạn miệng và sự lão hóa
Sự phì đại (hypertrophy) lưỡi do mỡ tích tụ và một sự tăng lên về mô liên kết dẫn đến một sự giảm xuống trong khả năng cử động của lưỡi và lực của lưỡi như được đo lường bằng phương pháp đo áp suất. Một số nhà nghiên cứu đã không tìm ra được một sự khác biệt đáng kể nào trong sự tạo thành áp lực lưỡi giữa những người lớn tuổi, khỏe mạnh và nhóm những người trẻ hơn, mặc dù thời gian để đạt đến áp lực nuốt tối đa trong suốt quy trình nuốt là chậm hơn (dài hơn) ở những người lớn tuổi. Những khác biệt đáng kể được quan sát thấy khi so sánh các nhóm những người trẻ hơn và những người lớn tuổi hơn về khà năng tạo thành các áp lực lưỡi tối đa lên các hoạt động không phải nuốt. Youmans và cộng sự đã tìm ra rằng những phụ nữ lớn tuổi tạo ra áp lực trong các lần nuốt nhiều hơn so với nam giới, và cả hai giới có một sự giảm tương tự về sức mạnh dự trữ, phụ nữ giảm nhiều hơn so với nam giới. Sự khác nhau giữa áp lực đẳng trương tối đa và áp lực tối đa cần thiết để hoàn thành một lần nuốt bình thường được nhìn thấy ở những người lớn tuổi, mà không thấy ở các nhóm trẻ hơn, đã được Logemann và cộng sự bàn luận. Họ chú ý thấy rằng sự khác biệt giữa hai đo lường này ở những người lớn tuổi tượng trưng cho một sự thiếu hụt về dự trữ áp lực và đã phát biểu rằng sự khác biệt có thể chỉ quan trọng khi những người lớn tuổi cần phải phụ thuộc vào dự trữ áp lực, chẳng hạn như trong suốt thời gian bệnh tật. Fei và cộng sự đã so sánh 40 người trẻ tuổi khỏe mạnh dưới 40 tuổi với 38 người khỏe mạnh trên 60 tuổi. Họ xác nhận rằng những người lớn tuổi đã tạo ra các áp suất đẳng trường tối đa thấp hơn, và rằng những khác biệt này đã ảnh hưởng đến các áp suất được tạo trong quy trình nuốt do dạng viên thức ăn và những khác biệt này đã không được nhìn thấy ở nhóm những người trẻ hơn. Bằng cách sử dụng khả năng tạo áp lực tối đa như một hiệp biến khi so sánh hai nhóm, họ đã kết luận rằng sự tác động của riêng yếu tố tuổi tác lên việc nuốt nước và nước bọt không phải là lời giải đáp cho những khác biệt này.
Tanaka và cộng sự đã so sánh tần suất nuốt trong một khung thời gian cố định giữa những người trẻ và những người già khỏe mạnh và bán-liệt giường (những người không đi lại được nhưng không nằm liệt giường tại nhà họ). Có những khác biệt đáng kể về tần suất nuốt giữa những người lớn tuổi và những người trẻ hơn. Những người lớn tuổi bán-liệt giường có số lần nuốt ít hơn đáng kể so với những người già cùng độ tuổi không có khuyết tật. Bởi vì rối loạn nuốt xảy ra ngày càng thường xuyên ở những người lớn tuổi, một số nhà nghiên cứu đã đưa thành định đề rằng đo lường tần suất nuốt có thể là một công cụ hữu ích để dự đoán rối loạn nuốt và nguy cơ hít sặc (xem Chương 7 và 8).
Những thay đổi về cảm giác liên quan đến tiến trình lão hóa bao gồm sự giảm xuống về khả năng khứu giác và vị giác, mặc dù không biết rõ rằng liệu những thay đổi này là do sự mất đi rõ rệt các thụ thể cảm giác, vệ sinh miệng kém, sức khỏe kém, thuốc làm giảm dòng nước bọt, tình trạng dinh dưỡng bị sút kém, hay một sự kết hợp của những yếu tố này. Những thay đổi về khả năng phân biệt giữa các vật liệu với độ nhớt khác nhau đã được báo cáo lại, mặc dù liệu rằng điều này là kết quả của những thay đổi rõ ràng về cảm giác hay là do một sự mất đi tính tượng trưng vỏ não về khả năng phân biệt độ nhớt vẫn chưa được biết rõ.
Những thay đổi về tình trạng răng miệng dẫn đến nhu cầu cần dùng răng giả có thể ảnh hướng đến các cơ chế của giai đoạn miệng. Răng giả không vừa khít hay vừa khít kém ảnh hưởng đến giai đoạn chuẩn bị ở miệng và cũng có thể làm cản trở sự tiếp cận đến các thụ thể cảm giác nằm trên khẩu cái cứng. Đối với vật liệu viên thức ăn đòi hỏi cần đến hoạt động nhai, những người lớn tuổi cần nhiều thời gian hơn do lực cắn của hàm giảm.
Giai đoạn hầu và sự lão hóa
Kỹ thuật chụp x-quang động (Cinefluorography) đã cho thấy rằng một sự giảm xuống ở mô liên kết trong hệ cơ của xương móng vốn đóng vai trò hỗ trợ cử động đưa ra trước của thanh quản có thể dẫn đến cử động đưa ra trước của thanh quản không đủ, đây là nguyên nhân thứ phát làm giảm độ mở của phân đoạn hầu – thực quản. Các nghiên cứu hình ảnh x-quang trên những người già khỏe mạnh cho thấy rằng sự co khít hầu là bình thường so với nhóm những người trẻ hơn. Sự hạn chế của cử động mở của phân đoạn hầu – thực quản cũng được nhìn thấy rõ trên các nghiên cứu đo áp lực, như đã được ghi nhận thông qua áp lực trong viên thức ăn và hầu dưới cao hơn bên cạnh sự các tăng áp lực co thắt hầu. Trong các kết quả ghi nhận trong khảo sát nuốt qua video cản quang trên những người đàn ông bình thường lớn tuổi và trẻ hơn, những người đàn ông lớn tuổi đã cho thấy sự giảm đáng kể trong cử động đưa xương móng ra trước, dẫn đến phân đoạn hầu – thực quản phồng ra ít hơn. Sự thất bại không phồng ra đủ lớn của phân đoạn hầu – thực quản dẫn đến thời gian thả lỏng phân đoạn này ngắn hơn và có thể giải thích cho sự tăng trong áp lực co khít hầu lên cao hơn như một phương thức bù trừ cho thời gian mở ra ngắn. Các áp lực cao bên trong viên thức ăn có thể nhất quán với một sự hạn chế về dòng chảy (của viên thức ăn) đi qua phân đoạn hầu – thực quản và trên những bệnh nhân lớn tuổi được chọn, có thể giải thích cho các báo cáo về rối loạn nuốt ở cổ (của phân đoạn hầu – thực quản) (xem Chương 5). Áp lực khi ở trạng thái nghỉ bên trong phân đoạn hầu – thực quản thì thấp hơn trên các nhóm lớn tuổi hơn và có thể ảnh hưởng đến khả năng làm rào chắn các thực phẩm được nuốt vốn có thể đi ngược lên từ thực quản vào sau hầu.
Các nghiên cứu nuốt bằng kỹ thuật quay video cản quang so sánh giữa các nhóm nam giới lớn tuổi với nhóm nam giới trẻ hơn đã tiết lộ nhiều trường hợp về xâm nhập đường thở sau 50 tuổi. Mặc dù những mối đe dọa này lên khả năng bảo vệ đường thở là rõ ràng, không có người tham gia nghiên cứu nào cho thấy bằng chứng về tình trạng hít sặc như một hệ quả của vật liệu nuốt đi vào đường hô hấp trên.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng độ dài thời gian đóng đường thở ở những người lớn tuổi thì dài hơn so với nhóm những người trẻ hơn. Sự khác biệt này có thể liên quan đến thời gian di chuyển tiếp dài hơn (đi chậm hơn) của viên thức ăn trong giai đoạn miệng và giai đoạn hầu đã được ghi nhận lại trên những nhóm bệnh nhân lớn tuổi, dẫn đến một sự bù trừ về sinh lý để duy trì đường đóng đường thở và tính an toàn nuốt. Những thay đổi về tính nhạy của các phản xạ bảo vệ ở đường hô hấp trên có thể xuất hiện cùng quá trình lão hóa. Khi những luồng không khí đã qua hiệu chỉnh được đưa vào khu vực thanh quản trên thanh môn của những người lớn tuổi và những người trẻ hơn, các đáp ứng phản xạ thanh quản (khép/đóng) không được nhìn thấy rõ ràng ở những người lớn tuổi cho đến khi những luồng không khí này đạt được mức áp lực cao hơn. Aviv và cộng sự đề xuất rằng sự đáp ứng yếu đi này có thể ngụ ý rằng các cơ chế cảm giác liên quan đến công tác bảo bệ đường hô hấp trên có thể mất bù cùng với quá trình lão hóa bình thường.
Thực quản và sự lão hóa
Nhìn chung, các nghiên cứu hình ảnh x-quang và nghiên cứu về áp suất đã ghi nhận rằng hoạt động cử động thực quản giảm đi theo độ tuổi, nhưng chỉ riêng yếu tố tuổi tác không phải lúc nào cũng giải thích được những than phiền về rối loạn nuốt. Sự giảm xuống trong biên độ của sự co thắt thực quản do sự dày cơ trơn gây ra đã được báo cáo lại, cũng như sự chậm trễ trong quá trình làm rỗng thực quản và một sự tăng về các cử động co thắt không thuộc nhu động dẫn đến tăng tình trạng giãn ra và ứ đọng ở thực quản (xem lại Góc lâm sàng 2-3).
Nguồn tiếng Anh: Groher, M. And Crary, M. (2016), Chapter 2: Normal Swallowing in Adults. in book Dysphagia: Clinical Management in Adults and Children (2nd Edition). Elsevier. St Louis: Missouri. Pp 24-30.
Bản quyền bản dịch thuộc Dự án “Phát triển Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam” của tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV)