Ngữ dụng học (Pragmatics) là gì và ứng dụng trong giao tiếp tiếng Anh

Để có thành thể thành công truyền đạt những nhận định, ý kiến của bản thân về những vẫn đề trong cuộc sống, mỗi người cần sử dụng hai yếu tố cấu thành trong ngôn ngữ giao tiếp: ngữ nghĩa học (semantics) và ngữ dụng học (pragmatics).

pragmatic là gì

Nếu như ngữ nghĩa học là công cụ xác định nghiên cứu ý nghĩa của câu từ trong ngôn ngữ, đề cập đến ý nghĩa ở cấp độ từ, cụm từ, câu hoặc các đơn vị lớn hơn (Wikipedia), ngữ dụng học đề cập đến vai trò của ngữ cảnh trong việc làm thay đổi ý nghĩa của lời nói, đặc biệt là trong giao tiếp tiếng Anh.

Trước khi đi vào nội dung của ngữ dụng học (Pragmatics), chúng ta đến với ví dụ sau: cùng một câu “Con của mẹ giỏi nhỉ” nhưng mang những ý nghĩa khác nhau trong các trường hợp khác nhau sau đây:

Trường hợp 1: Cậu học sinh đi học đạt điểm cao, cậu hãnh diện về khoe mẹ:

  • “Mẹ ơi, hôm nay cô giáo cho con 10 điểm”
  • “Đưa mẹ xem nào. Con của mẹ giỏi nhỉ”

Trường hợp 2: Cậu học sinh trốn học đi chơi, về đến nhà cậu bị mẹ phát hiện:

  • “Hôm nay con dám trốn học đi chơi à? Con của mẹ giỏi nhỉ?”

Rõ ràng trong cả hai trường hợp này người đọc đã cảm nhận được sự khác nhau rõ rệt trong sắc thái của hai câu nói trên. Nếu như trường hợp 1 người mẹ nói câu “Con của mẹ giỏi nhỉ” với hàm ý khen ngợi con trai mình đã xuất sắc đạt kết quả tốt, câu nói này trong trường hợp 2 mang nghĩa không hài lòng, thậm chí là tức giận khi con trai của mình trốn học đi chơi, trong trường hợp này người đọc có thể hiểu là: “Con của mẹ giỏi nhỉ, dám bỏ học đi chơi cơ đấy.”

Nhận thấy tầm quan trọng của ngữ cảnh và sắc thái câu từ trong việc truyền đạt ý chí của người nói, bài viết này đưa ta khái niệm cụ thể về ngữ dụng học (Pragmatics), nguồn gốc, tầm quan trọng và ứng dụng của phương pháp này trong giao tiếp thông thường.

Ngữ dụng học (Pragmatics) là gì?

Định nghĩa

Có rất nhiều định nghĩa về ngữ dụng học được đưa ra và chia sẻ từ nhiều học giả khác nhau, theo Karen Leigh (2018) ngôn ngữ ngữ dụng là những kĩ năng ngôn ngữ xã hội được sử dụng khi chúng ta tương tác với nhau. Bao gồm những gì chúng ta nói ra, cách biểu đạt lời nói, những cử chỉ khi nói (tương tác bằng mắt, cử chỉ khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể) và sự phản ứng đúng mực của chúng ta trong những tình huống giao tiếp cụ thể).

Theo đó, ngữ dụng học được hiểu như một lĩnh vực nghiên cứu rộng không chỉ bản thân lời nói – công cụ cần thiết nhất của giao tiếp – mà còn những cử chỉ, hành động và cảm xúc được biểu lộ không bằng lời nhưng vẫn giúp người nói biểu lộ ý chí, cảm xúc hoặc suy nghĩ về vấn đề nhất định. Theo Morris – người đã đưa ra định nghĩa đầu tiên cho khái niệm pragmatics – Ngữ dụng học là nghiên cứu về mối qua quan hệ giữa ngôn ngữ và ngữ cảnh tạo nên cấu trúc của ngôn ngữ đó.

Rõ ràng khái niệm ngữ dụng học đã ngày càng cụ thể và chi tiết khi đưa ra giải thích chính xác những nhân tố cấu thành nên ‘context’ (ngữ cảnh của lời nói) bao gồm những nhân tố về kĩ năng giao tiếp cũng như điều chỉnh cảm xúc của người nói phù hợp với hoàn cảnh.

Nguồn gốc

Ngữ dụng học đã được phát hiện và nghiên cứu trong nhiều năm, theo Qian Guanlian, các chuyên gia ban đầu chỉ có ý định nghiên cứu về ngôn ngữ và cho rằng những yếu tố khác hỗ trợ giao tiếp đều xoay quanh ngôn ngữ. Tuy nhiên càng qua quá trình tìm hiểu, họ càng thấy rằng ngữ dụng học là một ngành riêng tách rời khỏi ngôn ngữ học và bắt đầu để tâm đến ngành khoa học này. Theo Dan Sperber và Deirdre Wilson, nghiên cứu về ngữ dụng học bắt nguồn từ giả thuyết lần đầu tiên được đưa ra bởi nhà triết học Paul Grice: ‘Những đặc điểm thiết yếu nhất của giao tiếp con người, cả giao tiếp bằng lời hay không bằng lời, đều là sự biểu hiện của ý chí. Do đó, ngữ dụng học xoay quanh cách người nghe luận giải ngụ ý thực sự của người nói từ những bằng chứng người nói đã để lộ – một đặc điểm khá riêng biệt không tìm thấy ở những lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ khác.

Mối tương quan giữa Pragmatics và Idiomatic Expressions

Thành ngữ (Idiom) và phương thức biểu đạt sử dụng thành ngữ (Idiomatic Expressions) là một cụm từ được dùng với ý nghĩa mang tính biểu tượng thay vì theo nghĩa đen tạo ra bởi các từ cấu thành trong thành ngữ đó. Do vậy, ý nghĩa của thành ngữ thường mang tính tách rời và khác với nghĩa trên mặt chữ của thành ngữ. Một điểm tương đồng giữa khái niệm ngữ dụng học và thành ngữ chính là sự luận giải ý nghĩa dựa theo hoàn cảnh xác định. Để làm được điều này, người nghe phải vận dụng những kĩ năng phân tích ngữ cảnh câu được cho trước để có thể biết được ngụ ý riêng của người nói.

Một ví dụ về cụm thành ngữ trong tiếng Anh: “a piece of cake” (một miếng bánh) trong câu “This task is a piece of cake” không mang nghĩa: “Công việc này là một miếng bánh” mà được hiểu rằng: “Công việc này rất dễ dàng” cũng giống như cụm từ: “Dễ như ăn bánh” trong tiếng Việt. Để hiểu được cụm từ này, người nghe cần phải có sự liên tưởng nhất định cũng như đặt trong tình huống giao tiếp thông thường.

Tuy nhiên, để luận giải được các tình huống ngữ dụng học, người nghe cần có cái nhìn sâu sắc hơn về ngữ cảnh trong câu.

Ví dụ với câu cảm thán: “You look good in that dress” (Bạn mặc chiếc váy này trông đẹp lắm!)

Nếu được xuất hiện trong cuộc hội thoại giữa những người đồng nghiệp khi họ chào hỏi nhau, câu nói trên có ý nghĩa khen ngợi xã giao cho thấy người nói và người nghe có sự thân thiết hoặc người nói muốn làm quen, trở nên gần gũi hơn với đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên trong cuộc đối thoại giữa hai người đi mua quần áo, câu nói này có thể mang ý nghĩa giúp người bạn đưa ra quyết định khi lựa chọn trang phục.

Có thể nói rằng theo một phạm vi nào đó, ngữ dụng học là khái niệm bao hàm nhiều khía cạnh hơn trong ngôn ngữ cũng như yêu cầu người nghe cân nhắc sự phù hợp về ngữ cảnh xung quanh để hiểu được ngụ ý của người nói hơn.

Ứng dụng Pragmatics trong giao tiếp thông thường

Do ngữ dụng học yêu cầu người nói và người nghe tính đến những yếu tố hỗ trợ giao tiếp (biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể, giọng nói, cử chỉ,…), lĩnh vực nghiên cứu này có rất nhiều ứng dụng hữu ích trong việc hỗ trợ mục đích giao tiếp xã hội. Một số ứng dụng của ngữ dụng học có thể kể đến như:

Giúp người nói sử dụng ngôn ngữ với những mục đích khác nhau

Ngữ dụng học giúp con người sử dụng ngôn ngữ với câu từ đa dạng đáp ứng những mục đích khác nhau của giao tiếp.

Ví dụ những mục đích khác nhau trong giao tiếp với cùng nội dung câu hỏi:

  • “I’m going to get a cup of coffee” = tôi sẽ đi lấy một cốc cà phê. Câu được sử dụng với mục đích thông báo cho người nghe dự định của mình, mang ý nghĩa chắc chắn.
  • “Give me a cup of coffee” = đưa tôi một cốc cà phê. Câu được sử dụng với ý nghĩa yêu cầu người nghe làm theo lời người nói.
  • “I would like a cup of coffee, please” = làm ơn hãy cho tôi một cốc cà phê. Câu vẫn mang hàm ý người nghe làm theo lời người nói nhưng nhẹ nhàng hơn, thể hiện người nói có thể khiêm tốn và lịch sự hơn khi giao tiếp.
  • “I’m going to get you a cup of coffee” = tôi sẽ lấy cho bạn một cốc cà phê. Đây không còn là câu mang ý nghĩa thông báo nữa mà còn mang nghĩa hứa hẹn của người nói đến người nghe.

Giúp người nói thay đổi ngôn ngữ theo ngữ cảnh hoặc theo đối tượng người nghe

Tùy theo những tình huống giao tiếp nhất định, người nói buộc phải thay đổi cách biểu đạt bằng cách thay đổi xưng hô, thêm bớt thông tin một cách phù hợp.

Ví dụ, hai cách dẫn vào cùng một nội dung trình bày có sự khác nhau theo hoàn cảnh giao tiếp như sau:

Khi nói chuyện với bạn cùng lớp có thể bắt đầu bằng: “Này, mình có chuyện muốn kể…” nhưng khi thuyết trình trước đám đông hoặc những buổi hội thảo lớn, người nói hoặc các diễn giả thường bắt đầu chủ đề bằng câu dẫn: “Bài thuyết trình/bài diễn văn hôm nay nói về vấn đề sau…”

Dựa vào đối tượng người nghe khác nhau, người nói phải điều chỉnh ngôn từ và biểu đạt đúng cách và hợp lý.

Một ví dụ về cách người nói thay đổi câu từ với mục đích truyền đạt cùng một nội dung (một lời xin lỗi) đối với hai đối tượng khác nhau:

  • Trong vai trò là một người mẹ muốn xin lỗi con khi đã hiểu lầm chúng: “Sorry, Sweetie, I didn’t mean to snap at you.” (Xin lỗi con, mẹ không có ý mắng con)
  • Trong vai trò là nhân viên của cửa hàng muốn xin lỗi khách hàng của mình khi xảy ra vấn đề khiến khách hàng không hài lòng và nhận trách nhiệm đồng thời đề xuất cách giải quyết: “We’re deeply sorry about the issue. Let me speak with my supervisor to see how we can correct this for you.” (Chúng tôi rất xin lỗi về vấn đề này. Tôi sẽ nói chuyện với giám sát của mình để tìm cách giải quyết cho bạn)

Hỗ trợ trong quá trình giao tiếp 

Đối với một số người, khả năng ngôn ngữ tốt là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tài ăn nói. Tuy nhiên, để hiểu và truyền đạt lời nói một cách hiệu quả hơn, họ vẫn cần hiểu được những ngôn ngữ khác – những công cụ hỗ trợ giao tiếp như: biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể, tương tác bằng mắt,… do vậy, hiểu biết về ngữ dụng học giúp con người nắm vững những kĩ năng cần thiết trong quá trình tương tác cụ thể. Từ việc luận giải và hiểu được những hoàn cảnh giao tiếp nhất định, họ cũng có thể điều chỉnh câu từ và lời nói của bản thân phù hợp với những tình huống cụ thể như sau:

Luận giải ngôn ngữ cơ thể khéo léo: Ngôn ngữ cơ thể là một trong những tín hiệu vô hình thể hiện ý chí của người nói.

Ví dụ, khi đang trong cuộc trò chuyện với người quen và nhận ra họ liên tục nhìn đồng hồ và nói rằng đã muộn rồi, đó là dấu hiệu cho thấy họ đang vội làm một việc khác và không muốn tiếp tục câu chuyện. Nhận thấy điều này, người còn lại nên sớm kết thúc câu chuyện bằng một câu gợi ý khéo léo: “Tôi cũng có việc bận rồi, ta gặp lại sau nhé” hoặc “Muộn rồi, hôm nào chúng ta nói chuyện tiếp nhé” và rời đi ngay khi có thể.

Thể hiện sự tinh tế trong giao tiếp, biết lúc nào nên tiếp chuyện, lúc nào nên chú ý lắng nghe, lúc nào nên ngắt lời người khác (take turn in conversation: nghệ thuật nói chuyện theo lượt trong giao tiếp):

Theo Career Builder, lắng nghe khi người khác nói, tóm tắt những ý chính nếu cần thiết là một dấu hiệu chứng tỏ người nghe đã thật sự đặt tâm vào câu chuyện. Những câu nói đơn giản: “Bạn nói đi, tôi đang nghe đây” hoặc “Tôi hiểu rồi, ý của bạn là…” không chỉ là dấu hiệu của một người biết lắng nghe mà còn thể hiện người đó thực sự quan tâm đến những gì họ nghe, tạo sự tin tưởng từ những người xung quanh.

Tổng kết

Ngữ dụng học là một khía cạnh khác của ngôn ngữ học, là yếu tố quan trọng cần được hiểu biết và áp dụng một cách đúng đắn không chỉ trong bối cảnh giao tiếp tiếng Anh gần gũi thường ngày mà còn trong những tình huống trang trọng. Khác với ngữ nghĩa học – nghiên cứu về ý nghĩa của câu từ trong giao tiếp, ngữ dụng học mở rộng khái niệm ngôn ngữ giao tiếp vượt ra khỏi câu từ thông thường, đó là những phương pháp sử dụng công cụ vô hình giúp truyền đạt ý nghĩa trong giao tiếp và ngụ ý của người nói như: ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ, điệu bộ khi giao tiếp. Do vậy, yếu tố ngữ cảnh (context) sẽ được cân nhắc, giúp quá trình giao tiếp diễn ra sinh động và hiệu quả.

Mai Minh

Nguồn: https://zim.vn/ngu-dung-hoc-pragmatics-la-gi-va-ung-dung-trong-giao-tiep-tieng-anh

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan