Mốc phát triển kỹ năng chơi của trẻ từ 0 – 7 tuổi
Mỗi trẻ có một cách phát triển riêng của mình, không thể đánh giá theo 1 cách chính xác nhất. Dưới đây là những mốc phát triển mà đa số trẻ em đều đạt được trong độ tuổi (phát triển điển hình hay bình thường). Các mốc phát triển này có thể nhanh hoặc chậm hơn một vài tháng ở một số trẻ.
Cha mẹ nên sử dụng bảng liệt kê này như là kiến thức tổng quan để hỗ trợ quá trình quan sát và đánh giá sự phát triển của con. Hãy quan sát, ghi chép lại quá trình trưởng thành của con, nếu thấy có vấn đề bất thường nào so với phát triển chung, cụ thể là kỹ năng chậm hơn 30%- 50% so với tuổi thật của con. Ví dụ: Hầu hết trẻ nhỏ có thể chơi ú òa (gỡ tay ba mẹ hoặc kéo khăn ra) khi được 9 tháng tuổi và tiếp tục phát triển thành trò chơi phức tạp hơn như trốn tìm. Nếu qua tháng thứ 12 trẻ vẫn chưa có khả năng này thì đây là một điểm cần được lưu ý. Đừng hoảng sợ khi thấy trẻ có quá nhiều mốc phát triển bị chậm trễ, cha mẹ nên tìm đến đến các nhà chuyên môn để được tư vấn và hỗ trợ một cách tốt nhất.
Từ 0-2 tuổi là giai đoạn chơi cảm giác và vận động. Giai đoạn này có đặc tính là luyện tập các hành động cảm như sờ chạm, gặm, cắn, mút, nhìn, nghe, gửi… và vận động như lật, trườn, bò, leo trèo…
Lứa tuổi | Các kỹ năng chơi |
0 – 6 tháng tuổi | – Khám phá đồ vật, thế giới xung quanh chủ yếu thông qua sờ nắn. -Thích đồ chơi và với lấy, cắn hoặc nhai đồ chơi trong khi chơi |
6 – 12 tháng tuổi | – Sờ nắn và khám phá đồ vật – Chơi ú oà – Chơi đa dạng đồ chơi, thực hiện các hoạt động khác nhau với mỗi đồ chơi – Bắt chước hành động của người lớn – Chủ động đặt 1 con búp bê với đầu thẳng và thẳng với mặt đất. |
1 – 2 tuổi | – Nhận ra mình trong gương. – Chủ động tìm kiếm các vật bị giấu. – Bắt chước 1 hành động chơi giả vờ (uống nước) hoặc thể hiện trò chơi liên quan đến bản thân của mình (ăn, ngủ). – Chơi những trò chơi nhóm đơn giản như là hát và nắm tay thành vòng tròn – Giả bộ các hành động đơn giản đã thấy trước đây. – Bắt đầu chơi bên cạnh bạn khác với sự giám sát của người lớn |
2 – 3 tuổi: | Từ 2 đến 7 tuổi là giai đoạn trẻ khám phá, thao tác và kết hợp nhiều hơn. Đây là giai đoạn đánh dấu khả năng biểu tượng hoá của trẻ (hình dung các đồ vật, tình huống không hiện diện, không tri giác được ngay lúc đó). Chơi và chăm sóc búp bê hoặc gấu bông như thể chúng là một sinh vật sống. – Thường xuyên chơi bên cạnh những trẻ khác (chơi song song). – Sử dụng các vật thay thế cho vật thật trong trò chơi như dùng 1 cây gậy để làm cần câu, tờ giấy làm cái đĩa đựng thức ăn… – Tham gia vào các chủ đề chơi phản ánh các sự kiện cuộc sống ít trải nghiệm hơn như đi khám bác sĩ hay đi mua sắm (với trẻ ít trải nghiệm này). |
3 – 4 tuổi: | – Chơi với đồ chơi cơ khí. – Chơi luân phiên với những đứa trẻ khác, chơi với 2 hoặc 3 trẻ trong nhóm. – Tham gia vào các chủ đề chơi mở rộng ra ngoài kinh nghiệm cá nhân (lính cứu hoả cứu người bị cháy). – Sử dụng các hình khối, đồ vật khác nhau để xây dụng các mô hình phức tạp như nhà, hàng rào, siêu thị, ô tô… |
4 – 5 tuổi | – Thường chơi theo những thỏa thuận bằng lời trước khi chơi. – Chơi với những đứa trẻ khác với mục đích chung trong trò chơi. – Chơi tưởng tượng phức tạp với những hoạt động nối tiếp nhau cho khởi đầu và kết thúc rất rõ ràng. Ví dụ: Chơi sinh hoạt gia đình, mặc quần áo và nấu ăn. – Tham gia vào các trò chơi với quy tắc đơn giản như chới trốn tìm. – Chơi luân phiên, không cần giám sát từ người lớn |
5 – 6 tuổi | – Tham gia vào trò chơi bao gồm các chủ đề không bao giờ có kinh nghiệm như bay lên vũ trụ/ cung trăng. – Đàm phán/ thương lượng với bạn trong khi chơi. – Tham gia vào trò chơi được tổ chức tốt. – Thường chơi hợp tác với 1 hoặc 2 bạn khoảng thời gian hơn 10 phút |
6 – 7 tuổi | – Chơi các trò chơi hợp tác nhưng thường không ứng phó được khi thua cuộc. – Các trò chơi thường là chơi vận động, tạo hình hoặc tưởng tượng phức tạp theo luật lệ. – Chơi hợp tác với 1 hoặc 2 bạn với thời gian dài trên 20 phút |
Chuyên viên Tâm lý: Lê Thị Thu Tiên
Chuyên viên Tâm lý- Âm ngữ trị liệu: Nguyễn Thị Thu
Nguồn: https://trungtamnhanhoa.vn/moc-phat-trien-cua-tre/