Riley, E. A., Brookshire, C. E., & Kendell, D.L
Các từ viết tắt
MNN= mất ngôn ngữ
OIL= kho chính tả từ vựng đầu vào
POL= kho âm vị đầu ra
RLĐ= rối loạn đọc
SS= hệ ngữ nghĩa
Do bệnh lý mắc phải ở hệ thần kinh trung ương như đột quị hoặc chấn thương sọ não, Rối loạn đọc (RLĐ) mắc phải xảy ra sau tổn thương hệ thống đọc đã trưởng thành hoàn chỉnh và biểu hiện như là khiếm khuyết khả năng hiểu ngôn ngữ viết. Mặc dù có một vài loại RLĐ mắc phải đã được thảo luận trong y văn, RLĐ mắc phải có thể được chia thành RLĐ ngoại biên và RLĐ trung ương, trong đó mỗi loại đại diện cho khiếm khuyết ở từng giai đoạn khác nhau của tiến trình đọc. Các phân nhóm ngoại biên ảnh hưởng các giai đoạn đầu của tiến trình đọc và liên quan khó khăn tiếp nhận chữ viết. Các RLĐ ngoại biên bao gồm RLĐ đơn thuần, RLĐ thờ ơ, RLĐ chú ý, và RLĐ thị giác (Ellis & Young, 1988). Các phân nhóm trung ương ảnh hưởng các giai đoạn sau của tiến trình đọc và liên quan khiếm khuyết trong tiến trình xử lý từ vựng hoặc dưới từ vựng (sublexical). RLĐ trung ương bao gồm RLĐ bề mặt, RLĐ sâu, và RLĐ âm vị (Ellis & Young, 1988).
Các phân nhóm Rối loạn đọc Ngoại biên
Rối loạn đọc đơn thuần
RLĐ đơn thuần liên quan khiếm khuyết trong con đường tiếp nhận và phân tích chữ viết, biểu hiện riêng biệt như là một khiếm khuyết trong sự nhận dạng cùng lúc, song hành với xử lý các chữ cái của từ ở dạng chữ viết (Patterson & Kay, 1982; Warrington & Shallice, 1980). Trong một hệ thống không bị khiếm khuyết, sự tiếp nhận và xử lý các chữ cái trong hầu hết các từ có thể xảy ra đồng thời (vd từ dog, với chữ cái đầu tiên d có thể được tiếp nhận và xử lý trong khoảng thời gian gần như cùng lúc với chữ cái cuối g ). Tuy nhiên, trong RLĐ đơn thuần, các chữ cái được tiếp nhận và xử lý theo trình tự (vd từ dog, với chữ cái đầu tiên d phải được tiếp nhận, xử lý và nhận diện trước khi xử lý chữ cái thứ hai o, và chữ cái này phải được tiếp nhận, xử lý và xác định trước chữ cái cuối cùng g ). Tiến trình này, được gọi là đọc từng chữ cái, thì rất chậm do bệnh nhân phải xác định mỗi chữ cái riêng lẻ để biết được nguyên từ một cách chậm chạp. Nói cách khác, bệnh nhân nhất thiết phải đánh vần toàn bộ từ trước khi có thể đọc.
RLĐ đơn thuần có thể được lý giải trong mô hình hai con đường là khiếm khuyết ở giai đoạn đầu của phân tích hình ảnh chính tả, có lẽ nằm ở giữa hai mức phân tích đặc điểm thị giác và phân tích chữ cái. Mặc dù hầu hết chữ cái được tiếp nhận và xác định chính xác, sự trao đổi thông tin giữa các mức xử lý này bị hạn chế, với các nguồn lực hạn chế trong xử lý một chữ cái mỗi lần. Trong khi các mô hình hai con đường trình bày sự lý giải có vẻ hợp lý về RLĐ đơn thuần, mô hình về các liên kết không thật sự trình bày lời giải thích cụ thể cho dạng RL này cũng như các phân nhóm ngoại biên khác. Mô hình về các liên kết gộp tất cả phân tích chính tả vào một giai đoạn xử lý đơn lẻ và không phân biệt giữa phân tích từng chữ cái và kiểu mẫu chính tả toàn thể. Mặc dù mô hình có chứa giai đoạn xử lý chính tả, có thể có sự tranh luận rằng RLĐ đơn thuần cũng như các phân nhóm RL ngoại biên khác xảy ra vì khiếm khuyết ở trước giai đoạn xử lý chính tả được thể hiện trong mô hình và do đó không liên quan để thảo luận trong mô hình về các liên kết.
Rối loạn đọc Thờ ơ
RLĐ thờ ơ liên quan đến khiếm khuyết ở cách tiếp cận và phân tích chữ viết trong lúc đọc, biểu hiện riêng biệt như là một khiếm khuyết trong việc xác định chính xác chữ cái đầu tiên hoặc cuối cùng của từ (Ellis, Flude & Young, 1987). Điều quan trọng cần lưu ý là khiếm khuyết này có tính riêng biệt đối với tiếp nhận hình thái chữ viết và không đồng nhất với thờ ơ thị giác thông thường. Trong RLĐ thờ ơ, các cá nhân có lỗi nhất quán về không gian ở đầu hoặc cuối của từ. Ví dụ, nếu người có biểu hiện RLĐ thờ ơ bên trái, thì các lỗi sai xuất hiện ở phần khởi đầu của từ trong lúc thực hiện các bài đọc từ đơn thành tiếng, trong khi đọc phần cuối của từ thì không bị khiếm khuyết (vd từ cat được nói thành bat; từ book được đọc thành look ). Ngược lại, nếu một người có biểu hiện RLĐ thờ ơ bên phải, người này đọc đúng phần đầu của từ nhưng mắc lỗi sai hoặc bỏ qua phần cuối của từ (vd từ cat được nói thành car; book được nói thành boot).
RL đọc thờ ơ có thể được lý giải theo con đường hai chiều như là khiếm khuyết ở mức phân tích hình ảnh chữ viết, có khả năng xảy ra riêng biệt ở mức phân tích chữ cái. Trong trường hợp này, kể cả phần trước hoặc sau của điểm bị thờ ơ, thì người bị RLĐ không thể chỉnh sửa đúng biểu tượng chính tả (vd với RLĐ thờ ơ bên trái, chữ cái c trong từ cat có thể được nhận diện là b ), kết quả là kích hoạt một mục tiêu không chính xác trong kho OIL (vd hình thái chính tả của bat sẽ được kích hoạt), hệ thống ngữ nghĩa (vd thông tin mang ý nghĩa của từ bat sẽ được kích hoạt), và kho POL (vd hình thái âm vị /bæt/ sẽ được kích hoạt), dẫn đến tiến trình xử lý âm vị không chính xác ở mức tập hợp âm vị. Mặc dù các phần của mô hình ở khâu phân tích chữ cái còn nguyên vẹn, bởi vì sự xử lý chữ cái bị khiếm khuyết, thông tin không chính xác được truyền đi đến tất cả mô-đun tiếp theo sau trong tiến trình xử lý, dẫn đến sự tạo ra kết quả không chính xác. Cũng như RLĐ đơn thuần, mặc dù mô hình hai con đường trình bày cách lý giải có vẻ hợp lý cho RLĐ thờ ơ, mô hình về các liên kết không thật sự trình bày về một sự giải thích cụ thể cho các phân nhóm RLĐ.
Rối loạn đọc chú ý
RLĐ chú ý liên quan đến khiếm khuyết về cách tiếp nhận và phân tích chữ viết trong lúc đọc, biểu hiện riêng biệt với các lỗi sai chữ cái do ảnh hưởng của các chữ cái khác trong từ (Shallice & Warrington, 1977). Các cá nhân biểu hiện RLĐ chú ý tạo ra lỗi sai do ảnh hưởng của các chữ cái khác xảy ra trong bối cảnh chữ viết (vd riverbank được đọc thành biverbank; hot meal được đọc thành hot heal; butterfly được đọc thành flutterfly; bare được đọc thành rare).
RLĐ chú ý có thể được lý giải theo mô hình hai con đường như là một khiếm khuyết ở mức phân tích hình ảnh chữ viết, có khả năng xảy ra chuyên biệt ở mức phân tích chữ cái. Trong trường hợp này, cá nhân không thể xác định đúng định hướng không gian của một số chữ cái tương ứng với các chữ cái khác (vd từ bad có chữ cái d có thể ảnh hưởng sự tiếp nhận các chữ cái khác, dẫn đến cá nhân tiếp nhận từ này là dad), kết quả là kích hoạt mục tiêu không chính xác trong kho từ vựng chính tả đầu vào (vd hình thái chữ viết của dad sẽ được kích hoạt), hệ ngữ nghĩa (vd ý nghĩa của thông tin về từ dad sẽ được kích hoạt), và kho âm vị đầu ra (vd hình thái âm vị /dæd/ sẽ được kích hoạt), dẫn đến sự xử lý không chính xác các âm vị ở mức tập hợp âm vị. Cũng như RLĐ đơn thuần và thờ ơ, mặc dù mô hình hai con đường trình bày một sự lý giải hợp lý cho RLĐ chú ý, mô hình các liên kết không thật sự trình bày về sự lý giải chuyên biệt cho phân nhóm RLĐ này.
Rối loạn đọc thị giác
RLĐ thị giác liên quan đến khiếm khuyết trong việc tiếp nhận và phân tích chữ viết, biểu hiện riêng biệt với các từ có hình ảnh tương tự như từ mục tiêu (Marshall & Newcombe, 1973). Các kiểu lỗi sai biểu hiện trong RLĐ thị giác thì tương tự như RLĐ thờ ơ ngoại trừ các lỗi trong RLĐ thị giác không thể hiện một kiểu mẫu không gian nhất định, và các lỗi hầu như luôn thể hiện như sự thay thế bằng một từ có thật. Các lỗi sai trong RLĐ thị giác không chuyên biệt cho phụ âm hoặc nguyên âm mà có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong từ hoặc bất kỳ dạng chữ cái nào và dẫn đến sự thay thế, thêm vào hoặc bỏ bớt chữ cái hoặc âm tiết (vd butter được đọc thành better; applause được đọc thành applesauce; prince được đọc thành price).
RLĐ chú ý có thể được lý giải theo mô hình hai con đường như là một khiếm khuyết ở mức phân tích chữ cái hoặc ở kho OIL. Nếu khiếm khuyết xuất phát từ phân tích chữ cái, cá nhân không thể tiếp nhận đúng tất cả chữ cái trong từ (vd trong từ butter, sự tiếp nhận sai nguyên âm đầu tiên có thể dẫn đến đọc thành better), kết quả là kích hoạt sai mục tiêu trong kho OIL (vd hình thái chữ viết của better sẽ được kích hoạt), hệ ngữ nghĩa (vd thông tin ý nghĩa của từ better sẽ được kích hoạt), và kho POL ( vd hình thái âm vị sẽ được kích hoạt), dẫn đến sự xử lý không chính xác các âm ở mức tập hợp âm vị. Nếu khiếm khuyết xuất phát từ kho OIL, người mắc RL đọc thị giác tiếp nhận từ chính xác, nhưng khi các từ tương tự được kích hoạt trong OIL thì lại chọn một từ có hình ảnh tương tự, dẫn đến sự kích hoạt không chính xác trong các phần còn lại của tiến trình.
Cũng như các RLĐ ngoại biên khác, mặc dù mô hình hai con đường trình bày một lời giải thích có vẻ hợp lý cho RLĐ thị giác, nếu được xem như một vấn đề về tiếp nhận mẫu hình thái của từ, mô hình các liên kết không thực sự trình bày lời giải thích chuyên biệt cho phân nhóm RLĐ này. Tuy nhiên, nếu RLĐ thị giác được nhìn nhận theo khái niệm khiếm khuyết ở khâu lựa chọn hình thái chính tả, mô hình các liên kết có thể lý giải theo sự giảm khả năng kích hoạt hình thái đúng hoặc ức chế các hình thái không đúng ở mức xử lý chính tả.
(còn tiếp)
Nguồn: Riley, E. A., Brookshire, C. E., & Kendell, D.L. The acquired disorders of Reading. Aphasia and Related Neurogenic Communication Disorders (2nd Edition). Jones & Bartlett Learning. Pp 198-199.
Bản quyền bản dịch thuộc Dự án “Phát triển Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam” của tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV)