Khảo sát việc khắc phục và tìm kiếm hỗ trợ của gia đình có trẻ có khuyết tật giao tiếp tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nghiên cứu viên: Nguyễn Đức Sinh – Học viên khóa ThS Ngôn ngữ trị liệu, ĐH Y Dược TP HCM

Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Văn Chinh – ĐH Y Dược TP HCM; GS Lindy McAllister – ĐH Sydney, Australia; TS Karen Wylie – ĐH Sydney, Australia.

TÓM TẮT:

Đặt vấn đề:

Ở Việt Nam, số lượng trẻ có có khuyết tật về giao tiếp khá phổ biến. Lĩnh vực ngôn ngữ trị liệu còn mới mẻ, số lượng trị liệu viên có trình độ còn hạn chế. Vì thế việc tìm hiều về trải nghiệm của cha mẹ trong quá trình nhận diện khuyết tật giao tiếp cũng như các hoạt động tự khắc phục, tự tìm kiếm sự hỗ trợ của cha mẹ là rất cần thiết để giúp trẻ có khó khăn giao tiếp nhận được các dịch vụ can thiệp sớm cũng như cung cấp, củng cố các thông tin, hoạt động mà cha mẹ đã làm hay đã tìm kiếm.

Mục tiêu:

Nghiên cứu của chúng tôi đã mô tả và khám phá trải nghiệm của các cha mẹ có trẻ mắc khuyết tật giao tiếp (KTGT) về các mục tiêu là: (1) khám phá các vấn đề của trẻ mà làm cha mẹ bắt đầu lo lắng về sự phát triển giao tiếp; (2) hiểu những gì cha mẹ đã làm để cố gắng tự khắc phục khả năng giao tiếp cho trẻ; (3) những nơi họ tìm kiếm sự giúp đỡ để ứng phó với tình trạng KTGT; và (4) các loại thông tin mà họ đã nhận được khi họ tìm kiếm sự trợ giúp.

Phương pháp:

Thiết kế nghiên cứu này là nghiên cứu định tính mô tả, sử dụng phỏng vấn bán cấu trúc để thu thập dữ liệu, được thực hiện từ năm 2020 – 2021 tại 1 cơ sở khám và điều trị cho các trẻ có KTGT tại Tp HCM, thông qua 11 cuộc phỏng vấn trực tiếp với các phụ huynh có trẻ KTGT, sau đó thực hiện văn bản hóa các nội dung phỏng vấn để xác định các nhóm và phân nhóm mã hóa, thời gian một cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 22 đến 40 phút.

Kết quả:

Dựa trên kết quả nghiên cứu, chúng tôi tìm ra vấn đề chính mà cha mẹ bắt đầu lo lắng bao gồm các vấn đề về phát triển lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp, những hành vi bất thường, vấn đề về học tập và nhận thức và chậm đạt các mốc vận động tinh và thô hay rối loạn mức độ hoạt động ở trẻ như tăng động hay giảm động. Từ đó cha mẹ bắt đầu lên kế hoạch tự khắc phục bằng các cách khác nhau như: gia tăng sự chăm sóc; phát triển kỹ năng cho trẻ; thay đổi môi trường giao tiếp xung quanh trẻ, thay đổi thái độ với trẻ và tìm kiếm các nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó người tham gia còn tìm kiếm sự tư vấn và giúp đỡ từ các lĩnh vực như: lĩnh vực y học tây y, lĩnh vực cổ truyền, lĩnh vực giáo dục và nhóm người trong cộng đồng. Cuối cùng là các thông tin họ nhận được trong quá trình tìm kiếm sự giúp đỡ. Thông tin này có thể tạo ra các tác động tích cực như sự trấn an và các lời khuyên, hoặc tác động tiêu cực như sự phán xét đối với cha mẹ trẻ. Một số thông tin dường như chỉ được cung cấp hạn chế cho cha mẹ khi họ đi tìm kiếm và điều này được cha mẹ báo cáo là thiếu thông tin và không có phản hồi.

Kết luận: Kết quả nghiên cứu định tính này giúp các nhà ngôn ngữ trị liệu có cái nhìn đa dạng về hành trình nhận diện khuyết tật giao tiếp và tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho trẻ để từ đó có thể xây dựng các kế hoạch cho việc phổ biến các thông tin và kiến thức về KTGT kịp thời và chính xác trong cộng đồng nhằm giúp các trẻ nhận được các dịch vụ can thiệp sớm, phù hợp tại TP Hồ Chí Minh.

Ghi chú: Nghiên cứu viên Nguyễn Đức Sinh là học viên lớp Thạc sĩ Kỹ thuật Phục Hồi Chức Năng chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu tại ĐH Y Dược Tp. HCM, thuộc Dự án Phát triển đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) với nguồn tài trợ từ tổ chức USAID thông qua Dự án DISTINCT của Tổ chức VietHealth.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan