Nghiên cứu viên: Nguyễn Thị Hằng – Học viên Thạc sĩ NNTL – ĐH Y Dược Tp. HCM;
Người hướng dẫn: TS. Phạm Thị Bền – ĐH Sư Phạm Hà Nội; PGS. TS. Đỗ Văn Dũng – ĐH Y Dược TP HCM; và GS.TS. Sharynne McLeod – ĐH Charles Sturrt, Australia.
Đặt vấn đề
Tính dễ hiểu của lời nói thường được các chuyên viên ngôn ngữ trị liệu sử dụng để xác định một trẻ có rối loạn âm lời nói (RLALN), nhu cầu và khả năng can thiệp thành công. Thang đo tính dễ hiểu theo ngữ cảnh (Intelligibility in Context Scale, ICS) là một công cụ được sử dụng phổ biến hiện nay để đo lường tính dễ hiểu lời nói ở trẻ ( với hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới). ICS đã được sử dụng đánh giá cho các trẻ phát triển điển hình nói phương ngữ Bắc và Nam, trẻ RLALN nói phương ngữ Nam. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào đánh giá về tính dễ hiểu lời nói ở trẻ có RLALN ở miền Bắc Việt Nam.
Mục tiêu
Nghiên cứu này khảo sát tính dễ hiểu lời nói của trẻ (4;0-5;11 tuổi) có RLALN ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam thông qua thang đo tính dễ hiểu theo ngữ cảnh tiếng Việt (ICS-VN).
Phương pháp
Nghiên cứu này được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021, đã thu thập được dữ liệu về lời nói của 51 trẻ đủ tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu. Trẻ đến từ một số tỉnh ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Quảng Ninh. Tiến trình nghiên cứu bao gồm lấy thông tin bảng hỏi gián tiếp từ người giám hộ; bố và (hoặc) mẹ của trẻ đánh giá tính dễ hiểu lời nói của trẻ bằng thang đo ICS-VN. Trẻ được đánh giá trực tiếp thông qua sàng lọc thính lực, đánh giá cấu trúc và chức năng vùng miệng (Oromotor Assessment, OMA ), đánh giá lời nói Việt (Vietnamese Speech Assessment ,VSA).
Kết quả
Kết quả nghiên cứu đã xác định được điểm trung bình của thang đo ICS-VN trên trẻ 4 tuổi tròn đến 5 tuổi 11 tháng tuổi có RLALN là M = 3,6; SD = 0,6. Những đối tượng giao tiếp quen thuộc như bố mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên đạt điểm số trung bình thang đo ICS-VN cao hơn các đối tượng ít quen thuộc như họ hàng của gia đình, những người quen khác và người lạ. Bố và mẹ có sự đồng thuận cao trong câu trả lời thang đo ICS-VN. Điểm số trung bình của thang đo ICS-VN không có tương quan với các yếu tố như giới, tuổi của trẻ; tình trạng kinh tế xã hội của gia đình và các yếu tố tiền sử phát triển nhưng có tương quan với tuổi của trẻ khi nói từ đầu tiên có nghĩa (r= -0,49, p < 0,001).
Kết luận
Nghiên cứu đã góp phần bổ sung xác định tính giá trị và phù hợp khi sử dụng thang đo ICS-VN cho trẻ có RLALN.
Ghi chú: Nghiên cứu là đề tài luận văn tốt nghiệp Ths. Kỹ thuật PHCN chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu tại ĐH Y Dược Tp. HCM của học viên Nguyễn Thị Hằng.