Nghiên cứu viên: Võ Thị Thu Thuỷ – Học viên Thạc sĩ NNTL – ĐH Y Dược Tp. HCM;
Người hướng dẫn: TS. Hà Thị Như Xuân – ĐH Y Dược Tp. HCM và TS. Sarah Verdon – ĐH Charles Sturrt, Australia.
TÓM TẮT
Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, hiện nay việc sàng lọc cho trẻ có vấn đề ngôn ngữ thường rất hạn chế. Bộ công cụ sàng lọc ngôn ngữ Tiếng Việt (The Vietnamese Language Screening Tools – VLS) do tác giả Ivey, Verdon & Pham xây dựng năm 2018 trên một nhóm gồm 127 trẻ em trong độ tuổi 3 – 7 tuổi ở miền Bắc Việt Nam. Để VLS trở thành bộ công cụ sàng lọc phù hợp về mặt văn hóa và ngôn ngữ, cần thu thập dữ liệu chuẩn để so sánh và đánh giá những trẻ cùng lứa tuổi trên khắp Việt Nam.
Mục tiêu
Nghiên cứu này tìm ra dữ liệu chuẩn về ngôn ngữ nhằm xây dựng hoàn thiện bộ công cụ đánh giá những trẻ có dấu hiệu khó khăn trong việc tiếp thu ngôn ngữ và có thể có nguy cơ bị rối loạn ngôn ngữ phát triển (Development language disorder- DLD).
Phương pháp
Nghiên cứu này được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021 sử dụng bộ công cụ VLS để đánh giá cho 100 trẻ 3 tuổi tại các trường mầm non trên địa bàn quận Liên Chiểu và quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Tiến trình nghiên cứu bao gồm lấy phiếu đánh giá về sự phát triển điển hình thông qua bộ câu hỏi PEDS do giáo viên và phụ huynh thực hiện. Những trẻ có sự phát triển bình thường sau đó sẽ được đánh giá bằng công cụ VLS trực tiếp trên mỗi trẻ với 12 hình ảnh, thời gian 10 đến 20 phút do nghiên cứu viên thực hiện.
Kết quả
Kết quả nghiên cứu đã đưa ra được dữ liệu chuẩn của công cụ VLS trên trẻ em từ 36-47 tháng tuổi tại Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam về từ vựng, ngữ pháp, ngôn ngữ hiểu cấp độ 1, ngôn ngữ hiểu cấp độ 2, ngôn ngữ hiểu cấp độ 3 và ngôn ngữ hiểu cấp độ 4. Đồng thời nghiên cứu này cũng cho thấy được sự khác biệt của mỗi mục về văn hoá và phương ngữ cho từng bài kiểm tra của VLS.
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy VLS là một bộ công cụ có giá trị giúp sàng lọc những trẻ có nguy cơ rối loạn ngôn ngữ tại khu vực miền Trung Việt Nam.
Ghi chú: Nghiên cứu viên Võ Thị Thu Thủy là học viên lớp Thạc sĩ Kỹ thuật Phục Hồi Chức Năng chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu tại ĐH Y Dược Tp. HCM, thuộc Dự án Phát triển đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) với nguồn tài trợ từ tổ chức USAID thông qua Dự án DISTINCT của Tổ chức VietHealth.