Khảo sát Đặc điểm âm lời nói của trẻ có rối loạn âm lời nói ở một số tỉnh phía Bắc Việt Nam

Nghiên cứu viên: Phạm Thị Vấn – Học viên Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu – ĐH Y Dược Tp. HCM

Người hướng dẫn: PGS. TS. Võ Nguyên Trung – ĐH Y Dược Tp. HCM; TS. Phạm Thị Bền – ĐH Sư phạm Hà Nội; GS. Sharynne McLeod – ĐH Charles Sturrt, Australia.

TÓM TẮT

Đặt vấn đề

Rối loạn âm lời nói (RLALN) là một dạng rối loạn giao tiếp thường gặp ở trẻ em. Trẻ có rối loạn âm lời nói sẽ gặp phải những khó khăn trong giao tiếp và cũng như trong học tập. Can thiệp cho trẻ có rối loạn âm lời nói giúp giảm thiểu ảnh hưởng của khiếm khuyết đến trẻ. Tuy nhiên biểu hiện của rối loạn âm lời nói ở mỗi trẻ là khác nhau, do đó để chẩn đoán được chính xác tình trạng của các trẻ cần phải dựa trên các đặc điểm về âm lời nói. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định đặc điểm âm lời nói của trẻ có rối loạn âm lời nói từ đủ 4 tuổi đến 5 tuổi 11 tháng ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần giúp các nhà lâm sàng trong đánh giá, can thiệp lời nói cho trẻ có rối loạn âm lời nói tại Việt Nam.

Mục tiêu

Nghiên cứu này nhằm mô tả đặc điểm âm lời nói của trẻ em từ đủ 4 tuổi đến 5 tuổi 11 tháng nói tiếng Việt phương ngữ Bắc có RLALN ở một số tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Phương pháp

Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021. Thông qua việc sử dụng các công cụ thu thập dữ liệu nhóm nghiên cứu đã đánh giá cho gần 80 trẻ ở Hà Nội và một số tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam, với 51 trẻ đáp ứng các tiêu chuẩn đã được lựa chọn vào nghiên cứu. Tiến trình đánh giá gồm hai phần chính : đánh giá gián tiếp và đánh giá trực tiếp. Bước thứ nhất của giai đoạn đánh giá gián tiếp, nhóm nghiên cứu đã thu thập các thông tin từ cha mẹ/ người giám hộ hợp pháp các thông tin liên quan tới đặc điểm chung của trẻ (tuổi, giới, nghề nghiệp và trình độ học vấn của cha mẹ..), tiền sử phát triển/can thiệp ngôn ngữ – lời nói, lo lắng cũng như đánh giá của cha mẹ về tính dễ hiểu lời nói của trẻ. Những trẻ mà cha mẹ có lo lắng về lời nói sẽ tham gia đánh giá trực tiếp gồm sàng lọc thính lực và đánh giá cấu trúc- chức năng vận động vùng miệng và đánh giá lời nói. Nếu trẻ đạt tiêu chuẩn với sàng lọc thính lực và đánh giá cấu trúc vận động vùng miệng, trẻ sẽ được đánh giá lời nói bằng bộ trắc nghiệm đánh giá lời nói Việt VSA.Tổng thời gian đánh giá cho mỗi trẻ trung bình từ 30 -45 phút.

Kết quả

Nghiên cứu đã đưa ra các kết quả về đặc điểm âm lời nói của trẻ em nói tiếng Việt phương ngữ Bắc có rối loạn âm lời ở một số tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam bao gồm phần trăm âm vị đúng, số lượng và tần suất các quy trình âm vị, vốn âm vị. Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên quan của các yếu tố nhân khẩu học bao gồm tuổi và giới tính của trẻ cũng như ảnh hưởng của tình trạng kinh tế -xã hội đến tỉ lệ phần trăm phụ âm, nguyên âm, bán nguyên âm và thanh điệu đúng của trẻ có rối loạn âm lời nói.

Kết luận

  Các dữ liệu từ nghiên cứu đã góp phần vào thực tế lâm sàng cho lượng giá và chẩn đoán trẻ rối loạn âm lời nói một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu tham khảo về rối loạn âm lời nói ở trẻ em Việt Nam trong tình trạng Việt Nam đang thiếu các dữ liệu tham khảo liên quan đến đối tượng này.

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan