Ngày 25/11/2019, trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh đã chính thức bắt đầu đào tạo khoá Thạc sĩ Kỹ thuật phục hồi chức năng. Chương trình đào tạo được thực hiện trong hai năm. Đây là chương trình đào tạo thạc sĩ Kỹ thuật phục hồi chức năng đầu tiên của Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh và cũng là đầu tiên của Việt Nam.Với khóa đầu tiên này, trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh đã chọn chuyên ngành đào tạo là Ngôn ngữ trị liệu, và đây cũng là khoá đào tạo chính quy đầu tiên về Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam. 14 học viên của khóa đào tạo này đều đang là giảng viên của các Khoa/Bộ môn Phục hồi chức năng, Chấn thương chỉnh hình của các trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại học Y Dược Huế, trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh và trường Trung cấp Y tế Tây Ninh. Khóa đào tạo này là một hợp phần trong dự án “Phát triển đào tạo ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam” của MCNV, với nguồn tài trợ từ tổ chức USAID thông qua dự án DISTINCT của tổ chức VietHealth trong giai đoạn từ 2017 – 2022.
Việc triển khai chương trình đào tạo này được ghi nhận như là kết quả của một quá trình với rất nhiều nỗ lực lớn của rất nhiều các bên liên quan, thể hiện sự thành công của mối quan hệ hợp tác nhiều bên gồm các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước, các cơ quan, đơn vị nhà nước, cùng hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chủ chốt trình độ thạc sĩ cho chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu trong ngành kỹ thuật Phục hồi chức năng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các học viên sẽ trở thành những giảng viên nguồn đầu tiên có đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu về trình độ để thực hiện chương trình đào tạo cử nhân ngôn ngữ trị liệu chính quy và bền vững tại Việt Nam, góp phần vào việc cung cấp đội ngũ nhân lực kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu có bằng cấp, có chất lượng để thực hiện các dịch vụ phục hồi chức năng cho nhóm dân số có nhu cầu tại Việt Nam.
Ngôn ngữ trị liệu là một lĩnh vực chuyên môn gồm các dịch vụ về đánh giá, chẩn đoán, tạo chức năng, phục hồi chức năng, tư vấn và phòng ngừa cho người có rối loạn về âm ngữ, ngôn ngữ, giọng nói, độ lưu loát trong giao tiếp, nhận thức, và nuốt do sự chậm trễ trong phát triển hoặc do chấn thương, ung thư, đột quỵ hoặc bệnh thần kinh tiến triển. Ngôn ngữ trị liệu nhằm mục đích giúp mọi người giao tiếp và nuốt có hiệu quả để họ có thể học tập và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, qua đó tạo điều kiện cho họ tăng trình độ học vấn, năng lực làm việc và hòa nhập xã hội, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một số nguyên nhân dẫn đến rối loạn ngôn ngữ gồm có mất thính lực, rối loạn thần kinh như bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng, đột quỵ, chấn thương sọ não, khuyết tật trí tuệ, chứng loạn thần/sa sút trí tuệ, lạm dụng chất kích thích, bại não, dị tật vùng xương sọ gồm có sứt môi hoặc hở hàm ếch, ung thư đầu và cổ và lạm dụng hoặc sử dụng giọng nói không đúng cách. Tuy nhiên, thường thì nguyên nhân là không rõ ràng.
Ở Việt Nam, theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra NKT toàn quốc năm 2016, có hơn 6,2 triệu người trên 2 tuổi, tương đương với 7,09% dân số bị ít nhất một trong số các dạng khuyết tật là khuyết tật nhìn, khuyết tật nghe nói, khuyết tật vận động và khuyết tật tâm thần, thần kinh. Cũng giống với nhiều nước, Việt Nam không có số liệu nào cho biết có bao nhiêu người cần trị liệu ngôn ngữ, tuy nhiên trích dẫn dữ liệu từ các báo cáo cho thấy rằng 15% trong tổng số người khuyết tật tại Việt Nam có vấn đề về “ngôn ngữ”. Với nhóm trẻ em, các báo cáo cũng cho thấy rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng đến 25% trẻ em ở độ tuổi tiền học đường./.