Cơ sở Thần kinh của Vận động tạo lời nói và Bệnh lý liên quan (Lược dịch)

Lược dịch Chương 2: Neurologic Bases of Motor Speech and Its Pathologies, in Joseph R. Duffy.  (2012). Motor Speech Disorders. Substrates, Differential Diagnosis, and Management. (3rd Ed) St Louis: Missouri.

“Khi nhìn vào sơ đồ của não trong quyển sách này, chúng ta có thể không bao giờ quên được sự phức tạp khó diễn đạt thành lời của các phản ứng mà từ đó được biểu tượng hóa một cách thô sơ và diễn đạt theo vị trí không gian.”84  C.S.SHERINGTON

SƠ LƯỢC CHƯƠNG

Kiến thức về giải phẫu thần kinh và sinh lý thần kinh là nền tảng cho chẩn đoán phân biệt và quản lý các rối loạn vận động tạo lời nói (MSD). Mục đích của chương này là xem xét nền tảng này cùng với việc giới thiệu các phân loại nhóm rộng cho bệnh thần kinh.

Chương này không có ý định bàn luận sâu về giải phẫu thần kinh, sinh lý thần kinh hoặc khoa học thần kinh của lời nói. Thay vào đó, phần tổng quan này hướng về lâm sàng và cung cấp nền tảng để hiểu thông tin trong các chương tiếp theo về các loại MSD cụ thể. Các cấu trúc và chức năng được nhấn mạnh là những gì (1) liên quan trực tiếp đến lời nói, (2) liên quan đến việc hiểu các cơ chế mà có thể gây ra các MSD, và (3) liên quan đến những khiếm khuyết có thể quan sát được mà có xu hướng đi kèm với các MSD và có thể hỗ trợ chẩn đoán chắc chắn về vận động TẠO lời nói.

Trước khi người đọc thực sự nghiên cứu nội dung của chương này, cần biết một lời cảnh báo và tiếp theo là sự trấn an. Lời cảnh báo dành cho những ai không quen thuộc với các cơ sở thần kinh của lời nói hoặc những người mới bắt đầu tích hợp các thông tin này vào thực hành lâm sàng. Số lượng lớn các thuật ngữ và sự phức tạp của các khái niệm được giới thiệu ở đây có thể gây ra cảm giác choáng ngợp. Ngay cả khi các kiến thức được nắm bắt, sự liên quan của chúng với MSD Macinsearch có thể không rõ ràng ngay lập tức. Những phản ứng này là tự nhiên khi học cách suy nghĩ về các vấn đề của một người có ít hoặc không có kinh nghiệm. Thực tế người đọc sẽ không thể hiểu được tài liệu này một cách nhanh chóng. Sự tiếp xúc hay đọc lần đầu tiên có thể phần nào giống như một cuộc đấu tranh.

Sự trấn an chính là theo thời gian nhiều thông tin sẽ trở nên có ý nghĩa và có giá trị, tối thiểu là đối với thực hành lâm sàng và nghiên cứu về MSD. Việc hiểu tài liệu trong chương này có thể đạt được cách tốt nhất bằng việc xem lại khi đọc các chương về các loại MSD cụ thể. Tốt hơn, có thể vẫn là tham khảo chương này trong tiến trình lượng giá và làm việc với bệnh nhân có MSD. Tận dụng cơ hội để tích hợp các thông tin có trong sách vở với tiền sử bệnh, xét nghiệm và hình ảnh học thần kinh, và quan trọng nhất là, các âm thanh và hình ảnh của lời nói bị rối loạn của bệnh nhân, có lẽ là cách tốt nhất để đạt được việc hiểu sâu. Thực tế, có thể tranh luận rằng thông tin này không thể được sử dụng tích hợp như là nền tảng lâm sàng cho đến khi bắt đầu thực hành.

TÓM TẮT CHƯƠNG

Chương này đã trình bày bao quát về giải phẫu thần kinh và sinh lý thần kinh và những thông tin cơ bản về bệnh học thần kinh. Mục tiêu là cung cấp kiến thức nền tảng để hiểu hoạt động vận động tạo lời nói và những rối loạn thần kinh học của nó. Sau đây là tóm tắt những ý chính.

  1. Hầu hết những thành phần chính của hệ thống vận động tạo lời nói đều có nguồn gốc nằm trong hộp sọ. Chúng được bao quanh bởi các màng và những khoảng không gian cho dịch não tủy (CSF) và những cấu trúc mạch máu. Chúng được nuôi dưỡng và bảo vệ bởi những hệ thống mạch máu và não thất.
  2. Những tầng mức giải phẫu chính của hệ thần kinh bao gồm các tầng trên lều, hố sau, và tủy sống và ngoại biên, tất cả đều chứa những thành phần của hệ vận động.
  3. Những vùng chức năng của não bao gồm những hệ thống thuộc nội tạng, CSF, mạch máu, ý thức, cảm giác và vận động. Não – tủy và những hệ thống mạch máu hỗ trợ các chức năng thần kinh nhưng không có vai trò trực tiếp trong lời nói bởi vì chúng không phải là tế bào thần kinh. Những hệ thống thuộc nội tạng và ý thức có ảnh hưởng quan trọng nhưng gián tiếp lên hoạt động lời nói, và tổn thương đối với chúng không nhất thiết tạo ra những rối loạn vận động tạo lời nói (MSD) đặc biệt. Hệ thống cảm giác được tích hợp mạnh mẽ và trực tiếp với những hoạt động phản xạ và có chủ ý của hệ vận động, bao gồm lời nói. Hệ vận động liên quan trực tiếp đến việc tạo ra lời nói.
  4. Hệ thần kinh được tạo thành từ các nơ-ron và các tế bào thần kinh đệm hỗ trợ. Những tế bào hỗ trợ tạo thuận lợi cho chức năng nơ-ron, các phản ứng bệnh lý của chúng có thể là nguyên nhân hoặc phản ứng đối với bệnh thần kinh. Nơ-ron là đơn vị chức năng của hệ thần kinh. Chuyển động của các gân, cơ, khớp đòi hỏi hoạt động của nhiều nơ-ron, trong hệ thần kinh ngoại biên (PNS), được nhóm lại với nhau trong các dây thần kinh, và trong hệ thần kinh trung ương (CNS), được nhóm lại với nhau trong những bó và con đường dẫn truyền. Chết, tổn thương, thoái hóa hoặc những trục trặc chức năng khác của nơ-ron chịu trách nhiệm trực tiếp cho các rối loạn thần kinh, bao gồm các MSD.
  5. Bênh thần kinh có thể khu trú, đa trung tâm hoặc lan tỏa. Sự phát triển của nó có thể là cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Sự tiến triển của nó có thể là nhất thời, cải thiện, nặng hơn, kịch phát – tái lại hoặc không đổi. Những nguyên nhân có thể là thoái hóa, viêm, chuyển hóa-độc chất, u tân sinh, chấn thương hoặc mạch máu. Các MSD có thể đi kèm bất kì kiểu định khu, tiến trình theo thời gian, hoặc nguyên nhân nào.
  6. Hệ vận động có mặt ở tất cả các mức độ của hệ thống thần kinh. Những bộ phận chính của nó bao gồm con đường chung cuối cùng, con đường hoạt hóa trực tiếp, con đường hoạt hóa gián tiếp, vòng kiểm soát tiểu não, và kiểm soát hạch nền. Mỗi bộ phận đóng một vai trò cụ thể trong chuyển động, nhưng cấu trúc giải phẫu và chức năng của chúng có sự trùng nhau, và chúng phải hoạt động cùng nhau để tạo nên hành vi vận động bình thường. Tổn thương bất cứ một bộ phận nào có thể tạo nên những khiếm khuyết thần kinh tương đối rõ rệt, sự nhận diện là hữu ích cho việc định khu bệnh lý.
  7. Hệ vận động tạo lời nói là một phần của hệ thống vận động nói chung. Lời nói được thể hiện thông qua những chuyển động được kích hoạt bởi các dây thần kinh sọ và các dây thần kinh tủy (gai) sống chi phối cho những cơ hô hấp, tạo âm, cộng hưởng và cấu âm. Các dây thần kinh sọ V, VII, IX, X, XI và XII, cũng như những dây thần kinh tủy sống từ mức cột sống cổ của tủy sống, là những dây thần kinh của con đường chung cuối cùng quan trọng nhất cho việc tạo ra lời nói.
  8. Con đường hoạt hóa trực tiếp bắt nguồn từ vỏ não và đi trực tiếp, như các bó vỏ–hành não, bó vỏ–gai (tủy sống), để kiểm soát những chuyển động lời nói khéo léo được thực hiện thông qua con đường chung cuối cùng.
  9. Con đường hoạt hóa gián tiêp cũng bắt nguồn từ vỏ não nhưng ảnh hưởng đến các nơ-ron vận động alpha và gamma của hệ LMN chỉ sau khi tiếp hợp tại nhiều vị trí trong CNS, chủ yếu là thân não. Con đường này điều hòa hoạt động phản xạ của các LMN và duy trì tư thế, trương lực cơ và những hoạt động liên quan để cung cấp một khung ổn định mà theo đó những hành động có kĩ năng có thể được thực hiện.
  10. Vòng kiểm soát tiểu não, bao gồm tiểu não và những con đường liên quan, ảnh hưởng các hoạt động vận động chủ yếu thông qua ảnh hưởng của nó lên vỏ não. Nó cũng nhận những thông tin cảm thụ bản thể từ ngoại biên. Vai trò của vòng là điều hợp lời nói thông qua hiểu biết của nó về các mục tiêu được thiết lập bởi vỏ não và thông tin tiếp nhận từ kết quả ở ngoại biên.
  11. Vòng kiểm soát hạch nền, bao gồm hạch nền và những cấu trúc và những con đường liên quan, ảnh hưởng chủ yếu đến chuyển động thông qua những ảnh hưởng của nó lên vỏ não. Nó hỗ trợ trong những lập trình vận động lời nói chung, đặc biệt là những thành phần duy trì môi trường cơ xương khớp ổn định, mà trong đó những chuyển động có kĩ năng có thể xảy ra. Ảnh hưởng cuối cùng của nó lên các hệ thống nơron vận động dưới (LMN) chủ yếu thông qua những con đường gián tiếp.
  12. Cấp độ lập trình – ý niệm thiết lập những mục tiêu lời nói và những kế hoạch và những chương trình để đạt được chúng. Khái niệm hóa (tức là những suy nghĩ và ý tưởng thúc đẩy để muốn nói) đòi hỏi hoạt động vỏ não; nhưng những chức năng này không dễ dàng định vị; vì vậy, khái niệm hóa được xem tốt nhất như là một chức năng của nhiều vùng của não.
  13. Hệ thống ngôn ngữ, với những đóng góp quan trọng từ bán cầu não trái (bán cầu ưu thế), tổ chức nội dung ngôn ngữ của những lời nói mà người nói muốn người nghe cảm nhận.
  14. Lập trình và lập kế hoạch vận động tạo lời nói nằm ở giao diện giữa sự hình thành ngôn ngữ và những giai đoạn thực hiện thần kinh cơ để biểu đạt thành lời nói. Chúng chịu trách nhiệm mã hóa nội dung ngôn ngữ thành những xung thần kinh tương thích với những hoạt động của hệ vận động. Mục tiêu của lập trình và lập kế hoạch lời nói là tạo ra các mô hình chuyển động chung dẫn đến một tín hiệu thanh học phù hợp với ý định của người nói. Những chương trình vận động lời nói không phải và không thể là bất biến bởi vì số lượng vô hạn của cụm phát ngôn có thể có, sự thay đổi các hướng và khoảng cách mà những mục tiêu cấu âm cần phải đạt được, và bởi vì cử chỉ lời nói trùng lặp theo thời gian. Sự phức tạp của những chuyển động và tốc độ mà chúng thường được hoàn thành làm cho nó có thể có nhiều khía cạnh của những chuyển động lời nói ở người trưởng thành được lập trình sẵn.
  15. Bán càu não trái (chiếm ưu thế) rất quan trọng trong việc lập trình và lên kế hoạch lời nói. Những vòng kiểm soát cũng đóng một vai trò quan trọng trong lập trình và kiểm soát lời nói.
  16. Xử lí cảm giác ở những cấp độ thân não và tủy sống, cũng như những cấp độ cao hơn của hệ thống cảm giác, có lẽ đóng vai trò quan trọng trong lập trình và kiểm soát những gì đang xảy ra của những chuyển động lời nói.
  17. Có khả năng rằng các trách nhiệm của những thành phần khác nhau trong hệ thống lập kế hoạch, lập trình và thực hiện lời nói thay đổi như một chức năng của việc học, trải nghiệm, và ý định người nói. Điều này cảnh báo về sự định vị cứng nhắc, không linh hoạt của kiểm soát lời nói qui về mỗi cấu trúc đơn lẻ.
  18. Hệ viền, bán cầu não phải, hệ lưới và đồi thị góp phần vào những chương trình đã được hình thành để tạo ra những ý nghĩa cảm xúc và ngôn ngữ được truyền tải trong lời nói.
  19. Những khiếm khuyết tại những mức độ khái niệm hóa và lập kế hoạch ngôn ngữ có thể làm rối loạn nội dung của lời nói. Sự khiếm khuyết như vậy có thể tồn tại độc lập với những rối loạn vận động lời nói.
  20. Những khiếm khuyết trong các hoạt động lập trình và lập kế hoạch lời nói của bán cầu não ưu thế và những khiếm khuyết của hệ vận động trong sự kiểm soát và thực hiện thần kinh cơ của lời nói được gọi tương ứng là mất điều khiển hữu ý lời nói và rối loạn vận ngôn. Việc đánh giá những rối loạn này là chủ đề của chương tiếp theo.

Nguồn: Chương 2, Joseph R. Duffy.  (2012). Motor Speech Disorders. Substrates, Differential Diagnosis, and Management. (3rd Ed) St Louis: Missouri

Lưu ý: Bản quyền bản dịch thuộc Dự án “Phát triển Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam” của tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan