Những điều cần biết về chứng khó đọc

Chứng khó đọc là một tình trạng khó khăn trong học tập làm giảm khả năng đọc và viết của một người. Tình trạng này liên quan đến cách não xử lý các hình thức viết và âm thanh của từ, ảnh hưởng đến nhận dạng từ, chính tả và khả năng ghép các chữ cái với âm thanh. Đây là một tình trạng thần kinh, chứng khó đọc không liên quan đến trí thông minh.

Chứng khó đọc là một tình trạng khó khăn trong học tập làm giảm khả năng đọc và viết của một người. Tình trạng này liên quan đến cách não xử lý các hình thức viết và âm thanh của từ, ảnh hưởng đến nhận dạng từ, chính tả và khả năng ghép các chữ cái với âm thanh.

Đây là một tình trạng thần kinh, chứng khó đọc không liên quan đến trí thông minh.

Chứng khó đọc là một tình trạng phổ biến. Một số chuyên gia cho rằng 5-10% dân số có tình trạng này, trong khi một số người khác ước tính rằng tỷ lệ mắc lên đến 17%. Việc chẩn đoán, hướng dẫn và hỗ trợ từ khi còn trẻ có thể giúp giảm tác động của tình trạng này.

Bài viết này sẽ đưa ra các thông tin về chứng khó đọc, các triệu chứng và cách khắc phục ở trẻ em và người lớn.

Chứng khó đọc là gì?

Chứng khó đọc ảnh hưởng đến cách não xử lý các tài liệu bằng văn bản, khiến việc nhận biết, đánh vần và giải mã các từ trở nên khó khăn hơn. Ảnh hưởng của chứng khó đọc khác nhau ở mỗi người. Những người có tình trạng này thường gặp khó khăn trong việc đọc nhanh và đọc mà không mắc lỗi. Họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc hiểu những gì họ đọc.

Chứng khó đọc là một vấn đề về thần kinh có thể di truyền, không phải là kết quả của việc giảng dạy, hướng dẫn hoặc giáo dục kém.

Mặc dù nó có thể gây khó khăn, nhưng hầu hết mọi người mắc chứng khó đọc đều có thể tập đọc nếu họ nhận được sự hỗ trợ phù hợp.

Chẩn đoán

Những người mắc chứng khó đọc có thể là trẻ em hoặc người lớn. Người lớn được chẩn đoán mắc chứng khó đọc có các triệu chứng diễn ra trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, một số người có thể mắc chứng khó đọc vì chấn thương não.

Nếu phụ huynh, hoặc giáo viên nghi ngờ rằng trẻ mắc chứng khó đọc có thể cần sự trợ giúp từ các chuyên gia y tế để đánh giá. Việc chẩn đoán sớm để có các biện pháp hỗ trợ cho người mắc phải.

Theo Hiệp hội Chứng khó đọc quốc tế, các đánh giá chẩn đoán thường bao gồm các lĩnh vực sau:

  • Thông tin cơ bản, bao gồm lịch sử gia đình và sự phát triển sớm;
  • Sự thông minh;
  • Kỹ năng ngôn ngữ nói, nhận dạng chữ;
  • Kỹ năng nói lưu loát, đọc hiểu;
  • Kiến thức từ vựng;
  • Giải mã hoặc khả năng đọc từ mới;
  • Xử lý âm vị học, hoặc cách não xử lý âm thanh của từ.

Trong quá trình đánh giá, các chuyên gia sẽ nhằm loại trừ các tình trạng khác có thể có các triệu chứng tương tự. Các ví dụ bao gồm các vấn đề về thị lực, khiếm thính, thiếu sự hướng dẫn từ người lớn và các yếu tố kinh tế và xã hội khác.

Triệu chứng

Các triệu chứng của chứng khó đọc có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu thường xuất hiện trong thời thơ ấu. Chứng khó đọc có thể gây ra những khó khăn liên quan đến:

Đạt được các mốc phát triển: Trẻ mắc chứng khó đọc có thể học bò, đi bộ, nói chuyện và một số hoạt động khác muộn hơn so với các bạn cùng lứa.

Học nói: Trẻ mắc chứng khó đọc có thể mất nhiều thời gian hơn để học nói, có thể phát âm sai các từ và dường như không phân biệt giữa các âm từ khác nhau.

Học đọc: Khó khăn này có thể xuất hiện sớm nhất khi trẻ bắt đầu đi học. Trẻ có thể cảm thấy khó khăn khi phát âm hay xử lý và hiểu cách phát âm của mỗi từ. Các triệu chứng khó đọc cũng có thể phát sinh khi những người trẻ tuổi bắt đầu học các kỹ năng phức tạp hơn của ngôn ngữ như:

  • Ngữ pháp;
  • Đọc hiểu, đọc trôi chảy;
  • Phân biệt và sử dụng cấu trúc câu;
  • Xử lý và thực hiện viết các câu phức.

Học viết: Trên giấy, người mắc chứng khó đọc có thể đảo ngược số và chữ mà không nhận ra.

Ngoài ra, một số trẻ mắc chứng khó đọc không tuân theo các mô hình về sự tiến bộ trong học tập thông thường. Ví dụ, họ có thể học cách đánh vần một từ và hoàn toàn quên nó vào ngày hôm sau.

Xử lý âm thanh: Nếu một từ có nhiều hơn hai âm tiết, việc xử lý âm thanh có thể trở nên khó khăn hơn nhiều.

Khả năng ghi nhớ: Trẻ mắc chứng khó đọc có thể mất nhiều thời gian hơn để học các chữ cái trong bảng chữ cái và cách phát âm chúng.

Phối hợp hoạt động: Một người mắc chứng khó đọc có thể gặp khó khăn hơn trong việc phối hợp nhiều hoạt động so với bạn bè cùng lứa. Giảm sự phối hợp tay-mắt cũng có thể là một triệu chứng của các tình trạng thần kinh tương tự.

Sự tập trung: Những người mắc chứng khó đọc thường khó tập trung. Điều này có thể là do gặp quá nhiều khó khăn để đọc hoặc viết khiến trẻ cảm thấy chán nản. Ngoài ra, so với dân số nói chung, trong nhóm trẻ mắc chứng khó đọc thì tỷ lệ trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cũng cao hơn. Theo một số ước tính tại Hoa Kỳ, 30% những người mắc chứng khó đọc cũng bị ADHD.

Diễn giải ý tưởng: Một người mắc chứng khó đọc có thể diễn đạt dòng suy nghĩ theo một trình tự phi logic hoặc với các nội dung không liên quan.

Tình trạng tự miễn: Những người mắc chứng khó đọc có nhiều khả năng có các tình trạng tự miễn dịch, chẳng hạn như dị ứng theo mùa, hen suyễn và bệnh chàm cơ địa.

Kiểm soát chứng khó đọc

Không có cách chữa chứng khó đọc, nhưng một số phương pháp có thể giúp những người mắc chứng khó đọc thực hiện các công việc hàng ngày dễ dàng hơn. Chứng khó đọc ảnh hưởng đến mỗi người khác nhau và hầu hết các trường hợp vẫn có thể tìm cách điều chỉnh sự khác biệt trong học tập và phát triển.

Chẩn đoán và hỗ trợ sớm cho người mắc phải chứng khó đọc có thể mang lại lợi ích lâu dài. Việc kiểm soát chứng khó đọc ở trẻ em có thể cần các biện pháp như:

  • Đánh giá nhu cầu cá nhân: Giáo viên phát triển một chương trình mục tiêu phù hợp riêng cho trẻ;
  • Các công cụ học tập phù hợp: Trẻ mắc chứng khó đọc có thể được hỗ trợ từ các công cụ học tập hỗ trợ giác quan, chẳng hạn như xúc giác, thị giác và thính giác;
  • Hướng dẫn và hỗ trợ: Tư vấn có thể giúp giảm thiểu sự mặc cảm, các hình thức hỗ trợ khác có thể liên quan như cho thêm thời gian trong các kỳ thi đối với những trẻ mắc chứng khó đọc;
  • Đánh giá liên tục: Xác định các lĩnh vực mà người khó đọc có khả năng tốt hơn đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ để họ phát triển và thực hiện công việc.

Trung tâm Chứng khó đọc và Sáng tạo Yale – Hoa Kỳ cung cấp các mẹo để nghiên cứu chứng khó đọc bao gồm:

  • Sử dụng các chiến lược quản lý thời gian như chia nhỏ các công việc thành các phần nhỏ hơn và xây dựng bản phác thảo trước khi bắt đầu thực hiện;
  • Sử dụng các công cụ như thẻ flash và công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói;
  • Sử dụng các công cụ ghi chú trực quan, như highlight hoặc hệ thống mã màu;
  • Làm việc trong một không gian yên tĩnh, trong lành với nút tai hoặc tai nghe chống ồn nếu cần thiết – và giữ cho sự xao lãng ở mức tối thiểu.

Nguyên nhân

Các nhà nghiên cứu  hiện vẫn chưa chắc chắn tại sao một số người mắc chứng khó đọc. Lý giải thuyết phục nhất cho rằng dường như có một liên kết di truyền trong các gia đình. Một số nhà nghiên cứu đã liên kết những thay đổi trong gen DCDC2 với các vấn đề về đọc và chứng khó đọc.

Trong khi đại đa số những người mắc chứng khó đọc mắc phải từ khi sinh ra, một số trường hợp có thể mắc phải thường là do chấn thương não hoặc đột quỵ.

Người mắc chứng khó đọc từ nhẹ đến trung bình có thể dễ dàng hơn để học một ngôn ngữ có mối liên hệ rõ ràng giữa hình thức viết và âm thanh của nó và với các quy tắc ngữ pháp nhất quán. Với các ngôn ngữ với các từ có mối liên hệ không rõ ràng giữa các hình thức viết và âm thanh của chúng có thể khó khăn hơn đối với người mắc chứng khó đọc.

Biểu hiện ở người lớn và trẻ em

Các triệu chứng khó đọc thay đổi theo tuổi tác và từng giai đoạn phát triển.

Trước khi trẻ đến trường:

  • Chậm phát triển lời nói và từ ngữ;
  • Khó khăn trong việc hình thành thói quen đọc và chọn lọc từ ngữ;
  • Gặp vấn đề lưu giữ thông tin, chẳng hạn như số, bảng chữ cái và tên của màu sắc.

Ở độ tuổi đi học:

  • Có khả năng đọc kém hơn các bạn đồng trang lứa;
  • Gặp khó khăn khi xử lý thông tin và ghi nhớ trình tự;
  • Gặp khó khăn khi xử lý âm thanh của những từ không quen thuộc;
  • Mất nhiều thời gian hơn với đọc và viết;
  • Lảng tránh các nhiệm vụ liên quan đến việc đọc.

Thanh thiếu niên và người lớn:

  • Gặp khó khăn khi đọc to;
  • Mất nhiều thời gian để đọc và viết;
  • Gặp khó khăn với chính tả;
  • Phát âm sai;
  • Gặp khó khăn khi nhớ lại các từ để mô tả các đối tượng hoặc chủ đề cụ thể;
  • Gặp khó khăn khi học ngôn ngữ khác, ghi nhớ văn bản và thực hiện các phép tính toán;
  • Rất khó để tóm tắt chủ đề hay câu chuyện.

Phân loại

Hiện tại không có phương pháp chẩn đoán chính thức nào nhằm phân loại chứng khó đọc, mặc dù các nhà nghiên cứu đang xem xét dựa vào các nhóm triệu chứng mà một số người gặp phải:

  • Chứng khó đọc âm vị học: Còn được gọi là chứng khó đọc thính giác, liên quan đến việc khó phân chia các từ thành các đơn vị nhỏ hơn, khiến cho việc ghép các âm thanh với cách thức viết của từ trở nên khó khăn;
  • Chứng khó đọc bề mặt: Còn được gọi là chứng khó đọc thị giác hoặc rối loạn thị giác, điều này liên quan đến việc gặp khó khăn trong việc nhận ra từ bằng mắt, làm cho các từ trở nên khó học và khó ghi nhớ;
  • Khó gọi tên từ nhanh chóng (Rapid naming deficit): Liên quan đến việc gặp khó khăn khi gọi tên một chữ cái hoặc số khi người đó nhìn thấy nó;
  • Chứng khó đọc thiếu sót kép (Double deficit dyslexia): Liên quan đến việc khó phân lập âm thanh để gọi tên các chữ cái và số.

Đôi khi người ta cũng nhắc đến chứng khó đọc theo hướng, có nghĩa là người mắc phải chứng này gặp khó khăn khi đọc theo đúng trình tự các chữ từ trái sang phải.

Ngoài ra một người gặp khó khăn với các con số và toán học có thể mắc phải chứng khó học toán (dyscalculia). Tình trạng này đôi khi xảy ra độc lập hoặc đồng thời với chứng khó đọc.

Tóm lược

Chứng khó đọc là một tình trạng đặc biệt gây ra những thách thức không hề nhỏ cho việc đọc và viết.

Mặc dù không có cách chữa chứng khó đọc, nhưng nhiều phương pháp và công cụ có thể hỗ trợ người mắc phải thực hiện tốt các hoạt động hàng ngày.

Mỗi người mắc chứng khó đọc có các biểu hiện và tình trạng khác nhau nhưng với sự hỗ trợ phù hợp thì những người mắc bệnh này hoàn toàn có thể thực hiện tốt các công việc như một người bình thường.

Nguồn: http://bvnguyentriphuong.com.vn/cac-chuyen-khoa/khoi-noi/noi-than-kinh/nhung-dieu-can-biet-ve-chung-kho-doc.html

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan