Các rối loạn đọc mắc phải

Riley, E. A., Brookshire, C. E., & Kendell, D.L

Các từ viết tắt

MNN = mất ngôn ngữ

OIL= kho chính tả từ vựng đầu vào

POL= kho âm vị đầu ra

RLĐ = rối loạn đọc

SS = hệ ngữ nghĩa

Giới Thiệu

Trong nhiều năm qua tiến trình xảy ra khi đọc đã được tranh luận nhiều trong y văn về tâm lý-ngôn ngữ, thần kinh-ngôn ngữ, và giáo dục. Hầu hết các y văn này bàn luận tiến trình đọc và đưa ra các giả thuyết về mô hình mô tả các thành phần của tiến trình này. Hầu hết các mô hình này bao gồm các biến thể về qui trình tiếp nhận một chữ in, phân tích các thành phần của một chữ in, hiểu kí tự đại diện, và trong trường hợp đọc thành tiếng thì liên quan đến sự tạo ra âm thanh của từ ở miệng. Một số mô hình đọc thì cụ thể hóa quy trình phân tích chữ in chi tiết hơn bằng cách định nghĩa các qui trình riêng biệt để nhận diện các đặc trưng riêng của chữ cái, nhận diện các chữ cái từ các đặc trưng này, và nhận diện các tự vị (grapheme) từ các chữ cái. Các mô hình khác định nghĩa các tiến trình tách biệt để truy cập đầu vào từ vựng của một từ và truy cập ý nghĩa của từ. Đối với việc đọc thành tiếng, một số mô hình lý thuyết định nghĩa về các tiến trình tách biệt để tiếp cận các âm tạo nên từ và sự cấu âm ủa những âm này để tạo ra từ.

Mô hình Hai con đường

Mặc dù các mô hình về đọc được thiết kế để trình bày tiến trình đọc cho cả người đọc bình thường và người có rối loạn đọc, một số mô hình khởi đầu xuất phát từ việc kiểm tra các kiểu đọc ở người có RLĐ mắc phải. Năm 1973, Marshall và Newcombe đã mô tả một mô hình đọc thành tiếng để có thể diễn giải các dạng RLĐ mắc phải khác nhau. Mô hình này là tiền đề cho mô hình hai con đường (DRC) trong tiến trình đọc hiện nay, là một mô hình với khung khái niệm qui ước rằng hoạt động đọc thành tiếng là hai con đường tách biệt: một con đường là đọc từ vựng (lexical) và một đường không liên quan từ vựng  (xem Hình 10.1) (Colheart, Rastle, Perry & Langdon, 2001). Trong mỗi con đường đó, mô hình đưa ra khái niệm về tiến trình đọc là một chuỗi các đơn vị cấu thành (mô-đun), mỗi mô-đun có một vai trò riêng biệt trong tiến trình đọc.

Mô-đun phân tích đặc điểm thị giác liên quan đến sự phân tích hình ảnh các thành phần trong mỗi chữ cái (ví dụ chữ cái P bao gồm một đường dọc gắn với một đường cong bên phải). Mô-đun phân tích chữ cái liên quan đến sự xác định chữ cái, xác định vị trí của chữ cái tương ứng với các chữ cái khác, và xác định các tự vị trong từ (vd bush có 4 chữ cái b-u-s-h, nhưng chỉ có 3 tự vị b-u-sh). Kho chính tả từ vựng đầu vào (OIL) là kho lưu trữ các hình thái của các từ được biết đến, đã quen thuộc (vd hình ảnh đại diện cho từ candle/ cây nến sẽ được truy cập ở mức này, nhưng hình ảnh của từ giả tandle sẽ không được truy cập ở đây). Hệ thống ngữ nghĩa liên quan đến sự liên kết hình ảnh của từ với ý nghĩa của từ (vd hình thể của từ cat/ con mèo liên hệ với một con vật nhỏ, có lông và có 4 chân). Mô-đun chuyển đổi âm vị-tự vị liên quan việc chuyển dịch tự vị của từ thành các âm vị tương ứng (vd các tự vị t-i-p sẽ được chuyển thành các âm vị /t/, /ɪ/, /p/). Kho âm vị đầu ra (POL) là kho lưu trữ các hình thái về âm của các từ đã biết, đã quen thuộc (vd hình thái âm vị /tɪp/ sẽ được truy cập ở mức này, nhưng từ giả /fɪp/ không được truy cập ở đây). Mô-đun tập hợp âm vị liên quan sự phân tách hình thái âm vị thành các âm vị riêng lẻ để tạo ra lời nói (vd hình thái âm vị của /fɪp/ không được truy cập ở đây). Mô-đun tập hợp âm vị liên quan sự phân tách hình thái âm thành các âm riêng lẻ để tạo lời nói (vd, hình thái âm vị của /kɪp/ sẽ được phân tách thành /k/, /ɪ/, /p/). Trong mô hình này, các mô-đun phân tích đặc điểm thị giác, phân tích chữ cái, kho chính tả từ vựng đầu vào, và chuyển đổi tự vị-âm vị được giả định chỉ ở trong tiến trình đọc, trong khi hệ ngữ nghĩa, kho âm vị đầu ra, và tập hợp âm vị được giả định liên quan đến tiến trình ngôn ngữ hơn là tiến trình đọc, như sự tạo ra lời nói ngẫu phát và lặp lại. Mặc dù sự phân biệt nền tảng của mô hình nằm ở giữa hai qui trình đọc có từ vựng và không từ vựng, trong đọc có từ vựng, hai con đường được đề nghị là: con đường từ vựng-ngữ nghĩa và con đường từ vựng-không ngữ nghĩa. Khi đọc một từ qua con đường từ vựng không ngữ nghĩa, các đặc điểm chữ cái của từ kích hoạt các đơn vị chữ cái của từ, sau đó các chữ cái kích hoạt OIL, khâu này hoạt hóa đầu vào tương ứng của từ ở POL, rồi khâu này kích hoạt các âm vị của từ. Con đường này chỉ có thể dùng cho đọc thành tiếng, chứ không cho đọc hiểu vì ý nghĩa của từ không được truy xuất. Ngược lại, đường từ vựng-ngữ nghĩa có thể dùng để đọc thành tiếng cũng như đọc hiểu. Đường từ vựng-ngữ nghĩa hoạt động tương tự đường từ vựng- không ngữ nghĩa ngoại trừ hệ thống ngữ nghĩa (là ý nghĩa của từ) sẽ được truy cập giữa kho OIL và kho POL. Theo mô hình này, khi đọc một từ giả hoặc một từ không quen thuộc với qui tắc đánh vần theo âm thông thường, con đường không từ vựng hoặc mức thấp hơn từ vựng sẽ được sử dụng. Trong đường này, chuỗi chữ cái được chuyển thành chuỗi âm, tập hợp trong một chuỗi với mỗi tự vị được chuyển thành âm vị tương ứng (như thường được gọi là “đọc từ thành tiếng”).

Mô hình Kết nối

Ngược với các mô hình hai con đường xử lý theo chuỗi, mô hình tam giác kết nối lý giải việc đọc thành tiếng như là một tiến trình xử lý chỉ một con đường liên quan đến các mối liên hệ hai chiều giữa chữ viết, ý nghĩa, và các đơn vị âm vị (Hình 10-2) (Ham & Seidenberg, 1999; Plaut 1999;  Plaut, McClelland, Seidenberg & Patterson, 1996; Seidenberg & McClelland, 1989). Những người đề xuất mô hình này tranh luận rằng việc đọc từ là kết quả của sự tương tác thông tin giữa chữ viết, ý nghĩa và âm vị và không chỉ riêng cho tiến trình đọc mà còn được dùng cho tất cả các tiến trình xử lý ngôn ngữ. Thay vì suy đoán rằng hệ thống ngôn ngữ được tạo nên bởi các “qui tắc” điều khiển tiến trình xử lý như mô hình hai con đường, các mô hình kết nối thiên về kiến thức ngôn ngữ có sự phân chia cấp độ, và việc học ngôn ngữ liên quan đến tiến trình học dữ liệu, hoặc học trên cơ sở khả năng các mẫu tự vị hoặc âm vị xảy ra trong các bối cảnh khác nhau. Mô hình này giả định rằng trong bất kỳ hình thái ngôn ngữ nào, tiến trình xử lý xảy ra theo cách so sánh thông tin đầu vào (qua chữ viết hoặc âm vị) với thông tin đã biết, và tìm kiếm xem có sự tương ứng giữa hai nguồn này hay không.

Trong mô hình này, không có sự phân biệt cụ thể giữa việc đọc từ vựng và không từ vựng; tuy nhiên, vì chữ viết, ý nghĩa, và âm vị đều tương tác trong mô hình và sự xử lý có thể tiến hành theo hai chiều nên mô hình vẫn có thể lý giải cả hai loại đọc. Trong tình huống đọc thành tiếng một từ và xử lý ý nghĩa của từ (nghĩa là đọc từ vựng-ý nghĩa), mô hình này dự đoán rằng đại diện tự vị được truy cập đầu tiên bằng việc tìm sự tương đồng với chữ viết được thấy trong bối cảnh, sau đó là truy cập thông tin ý nghĩa liên hệ với từ, và cuối cùng thì kết thúc với truy cập kiểu mẫu âm vị đi kèm với kiểu mẫu hình vị và sử dụng sự đại diện âm vị để tạo ra từ.

Trong trường hợp đọc thành tiếng một từ mà không xử lý ý nghĩa của từ (nghĩa là đọc từ vựng-không ý nghĩa), mô hình này dự đoán rằng đại diện tự vị được truy cập trước, sau đó là truy cập trực tiếp đại diện âm vị tương ứng của từ. Trong mô hình kết nối, tiến trình tương tự cho đọc từ vựng-không ý nghĩa là đọc từ giả, so sánh các kiểu mẫu tự vị của từ giả với các kiểu mẫu tự vị đã được thấy trước đó, sau đó là truy cập mẫu âm vị đã có liên quan với mẫu tự vị.

(còn tiếp)

Nguồn: Riley, E. A., Brookshire, C. E., & Kendell, D.L. The acquired disorders of Reading. Aphasia and Related Neurogenic Communication Disorders (2nd Edition). Jones & Bartlett Learning. Pp 195-197.

Bản quyền bản dịch thuộc Dự án “Phát triển Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam” của tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan