Việc thay đổi thể tích, kết cấu, vị, và cách thức đưa thức ăn vào có thể ảnh hưởng đến sinh cơ học của quy trình nuốt bình thường. Các điều chỉnh chế độ ăn thường được sử dụng trong điều trị cho các bệnh nhân có rối loạn nuốt (xem Chương 9, 10 và 15 để hỗ trợ trong việc bù trừ cho những khiếm khuyết của họ). Các điều chỉnh được chỉ định về thể tích, kết cấu (độ kết dính/độ nhớt), và vị để tạo điều kiện thuận lợi cho nuốt bình thường được dựa trên các nghiên cứu về những tác động của các tham số này lên quy trình nuốt bình thường. Các kết quả từ những nghiên cứu như vậy không thống nhất bởi vì tính đa dạng của đối tượng nghiên cứu, các công cụ đo lường được dùng (chẳng hạn, phương pháp đo điện cơ trong cơ và bề mặt, siêu âm, đo áp suất, quay video cản quang), các hướng dẫn chủ quan (gợi ý so với không gợi ý), kiểu viên thức ăn được sử dụng và số lượng nuốt được kiểm tra, và định nghĩa về việc khi nào thì các sự kiện sinh cơ học cụ thể bắt đầu và kết thúc. Sau khi xem lại 16 nghiên cứu điều tra về những đo lường thời gian của quy trình nuốt bình thường, Molfenter và Steele đã kết luận rằng trong khi những biến đổi thời gian là không thể chối cãi được, các tham số này là ổn định nhất trong cử động mở phân đoạn hầu – thực quản và thời gian giữa cử động khép thanh quản và cử động mở phân đoạn hầu – thực quản. Có rất ít dữ liệu kết quả được công bố về các tác động chuẩn xác của sự điều chỉnh thể tích, kết câu và vị trên các bệnh nhân có rối loạn nuốt, mặc dù các tham số này được thường được điều chỉnh trong chăm sóc lâm sàng. Lee và cộng sự đã tuyển một nhóm hỗn hợp gồm 82 bệnh nhân có nghi ngờ rối loạn nuốt giai đoạn miệng hầu trong một nghiên cứu tiến cứu. Nhóm này được chia ra gần như đều nhau thành một nhóm không hít sặc với các dịch loãng hoặc đặc và một nhóm chỉ hít sặc với các dịch loãng. Cả hai nhóm được cung cấp 5 mL dịch loãng và dịch được làm đặc. Phân tích động học đã tiết lộ rằng viên thức ăn đặc đi đến thung lũng sớm hơn ở nhóm những người hít sặc với dịch loãng, dẫn đến thời gian nâng thanh quản dài hơn, làm trì hoãn cử động mở của phân đoạn hầu – thực quản. Họ kết luận rằng những thay đổi về độ nhớt/độ dính của viên thức ăn trên các bệnh nhân rối loạn nuốt không ảnh hưởng đến cơ chế sinh cơ học.
Thể tích và Sinh cơ học
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng dịch bình thường được nuốt vào từng lần có thể dao động từ 10 đến 25 mL tùy thuộc vào các hướng dẫn kiểm tra, giới tính, dạng ly/cốc, và kích thước cơ thể. Hầu hết các nghiên cứu khảo sát về các tác động của yếu tố thể tích lên cơ chế sinh cơ học nuốt đã nghiên cứu trên các thể tích viên thức ăn nằm trong khoảng từ 1 đến 20 mL. Các nghiên cứu này đã tập trung vào các tác động của thể tích lên cử động của xương móng. Các tham số về cử động có thể bao gồm sự dịch chuyển tối đa và thời lượng của cử động, ghi nhận tổng thời gian và tốc độ. Một số nghiên cứu viên đã tìm ra được các tác động tối thiểu của sự dịch chuyển xương móng giữa các viên thức ăn nhỏ và lớn, trong khi những người khác đã ghi nhận được tổng lượng dịch chuyển lớn hơn cùng với một sự tăng dần về thể tích viên thức ăn đáng chú ý ở nam giới. Một nghiên cứu đã tìm ra rằng các thể tích lớn hơn có một tác động lớn hơn lên các cử động đưa lên trên, thay vì cử động đưa ra trước của xương móng. Các nghiên cứu khác đã không tập trung cụ thể vào khía cạnh cơ học của xương móng mà thay vào đó là về những thay đổi về sinh cơ học và áp lực gắn với quá trình dịch chuyển viên thức ăn qua miệng và hầu, thời gian ngưng thở khi nuốt, và cơ học của phân đoạn hầu – thực quản.
Các áp lực liên tục của lưỡi với các thể tích viên thức ăn khác nhau không bị ảnh hưởng khi tăng kích thước viên thức ăn, điều này ám chỉ rằng không cần phải bỏ thêm sức trong quá trình dịch chuyển viên thức ăn trong giai đoạn miệng khi kích thước của viên thức ăn dạng dịch lỏng tăng lên. Tuy nhiên, lưỡi thay đổi khối hình thể của nó để chứa các viên thức ăn lớn hơn trước khi bắt đầu nuốt. Ekberg và Nylander không tìm thấy bất cứ thay đổi nào về tốc độ dịch chuyển viên thức ăn trong giai đoạn hầu dù viên thức ăn là nhỏ hay lớn.
Dường như có sự tồn tại của một mối quan hệ giữa kích thước viên thức ăn và độ dài thời gian mà phân đoạn hầu – thực quản mở ra và thời điểm bắt đầu thả lỏng của khu vực này. Cook và cộng sự đã nghiên cứu trên 21 tình nguyện viên bình thường sử dụng đồng thời quay video cản quang, ghi điện cơ bề mặt, và đo áp suất với bốn kích thước viên thức ăn khác nhau nằm trong khoảng từ 2 đến 20 mL. Nhìn chung, khi kích thước viên thức ăn tăng lên, phân đoạn hầu – thực quản mở ra lâu hơn, và thời gian bắt đầu thả lỏng gần hơn với thời gian bắt đầu của cử động ra trước của xương móng. Các kết quả này đề xuất một mối quan hệ khả dĩ giữa phương diện cảm giác của giai đoạn nuốt ở miệng (thể tích viên thức ăn) và cơ học của phân đoạn hầu – thực quản. Các kết quả này cung cấp thêm bằng chứng về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các giai đoạn trong quy trình nuốt.
Độ nhớt
Các nghiên cứu về những tác động của độ nhớt, vị, và cách thức đưa viên thức ăn vào trong quy trình nuốt đã tập trung vào những thay đổi trong nỗ lực về sinh cơ học cần có khi những biến số này bị thay đổi. Sự đo lường về nỗ lực nuốt được thực hiện tốt nhất bằng các kỹ thuật đo áp suất, cho phép nhà nghiên cứu ghi nhận lại những thay đổi trong áp lực mà quy trình nuốt tạo ra.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đồng ý rằng những áp lực mà quy trình nuốt tạo ra thì nhạy cảm với những thay đổi về độ nhớt hơn là những thay đổi về thể tích của cùng một độ đặc. Khi độ đặc của một viên thức ăn trở nên đặc hơn, sẽ cần áp lực lưỡi lớn hơn để vận chuyển nó đi từ khoang miệng. Các nghiên cứu đã cho thấy không có sự khác biệt nào trong tác động này giữa đàn ông và phụ nữ trẻ, khỏe mạnh. Sự tăng lên trong lực lưỡi được tạo ở 62 người trưởng thành khỏe mạnh là cao nhất tại thời điểm mà phần trước của lưỡi chạm vào khẩu cái cứng.
Pelletier và Dhanaraj đã nghiên cứu các tác động của của vị ngọt, mặn, chua và đắng lên áp lực nuốt trên 10 người trẻ, khỏe mạnh. Những người này còn được đề nghị đánh giá về mức độ khoan khoái tinh thần của từng thành phần thức ăn được thử từ “cực kỳ thích” đến “không thích”. Mặc dù các đánh giá về độ ngon không ảnh hưởng đến áp lực nuốt, áp lực cao hơn (so với nước) đã được tạo ra với các mẫu thử có chứa đường sucrose ở mức trung bình, chứa nhiều muối, và có độ acid citric cao. Trên 8 đối tượng nghiên cứu bình thường sử dụng các đo lường điện cơ trong cơ, Palmer và cộng sự đã kết luận rằng một viên thức ăn có vị chua được đưa ra làm tăng sự hoạt hóa của hệ cơ trên móng so với một viên thức ăn là nước. Họ kết luận rằng việc sử dụng viên thức ăn có vị chua được xác định như là một can thiệp điều trị, mặc dù thời gian tác dụng trong một bữa ăn cần được nghiên cứu sâu hơn. Krival và Bates đã nghiên cứu về các áp lực nuốt của 20 người phụ nữ trẻ với ba dạng viên thức ăn: có ga, có ga và vị, và nước. So với nước, hai dạng viên thức ăn kia cho thấy một sự tăng đáng kể về áp lực được tạo trong quy trình nuốt.
Uống bằng ống hút là một phương pháp điển hình để đưa một viên thức ăn dạng dịch lỏng vào (Video 2-6). Bệnh nhân uống nhiều ngụm bằng ống hút. Có một khoảng thời gian ngắn giữa mỗi lần nuốt khi đường thở mở ra nhanh chóng. Việc uống qua ống hút thành công đòi hỏi cần có đủ sức mạnh ở môi và áp lực bên trong miệng để hút dịch lỏng từ ly/cốc vào trong khoang miệng. Nhìn chung, đường khí phải được giữ đóng kín trong suốt các chuỗi nuốt; do đó, các đòi hỏi sinh cơ học có thể khác nhau giữa nuốt một lần hay nuốt nhiều lần từ một chiếc cốc. Daniels và Foundas đã xác định ba khuôn mẫu bảo vệ đường thở đặc trưng trong suốt cử động nuốt theo chuỗi bằng ống hút trên 15 người đàn ông trẻ khỏe mạnh, cho thấy thực thay đổi về cách mà đường hô hấp trên được bảo vệ trong suốt các chuỗi nuốt qua ống hút với những thay đổi về độ dài thời gian mà tiền đình thanh quản được đóng kín (Gốc lâm sàng 2-2). Những đối tượng nghiên cứu lớn tuổi hơn và nhỏ tuổi hơn cho thấy sự tích tụ dưới hầu trên các chuỗi nuốt với ống hút trước khi viên thức ăn chảy vào thực quản.
Saitoh và cộng sự đã nghiên cứu các tác động của sự nhai lên quy trình nuốt bình thường trên 15 người trẻ, khỏe mạnh. Các dạng viên thức ăn đòi hỏi cần phải nhai thường được đặc trưng bởi sự tích tụ tại thung lũng trước khi đáp ứng nuốt bắt đầu do sự tiếp xúc lưỡi – hầu yếu hơn trong suốt quá trình nhai. Các dạng thức ăn hai giai đoạn/hai pha chẳng hạn như một chất lỏng được trộn với một chất rắn có thể không dễ dàng để kiểm soát tại thung lũng và có thể đặt những bệnh nhân có rối loạn nuốt vào một nguy cơ hít sặc lớn hơn. Vì độ nhớt thường được vận dụng như một can thiệp điều trị, điều quan trọng cần nhận ra là một số thực phẩm tiêu hóa đi vào giai đoạn miệng cần đến sự nhai có thể thay đổi tính chất lưu biến của chúng từ trạng thái trước nuốt sang trạng thái sẵn sàng để nuốt. Hwang và cộng sự đã nghiên cứu 20 đối tượng bình thường nuốt bánh quy, chuối, đậu hủ và cơm. Khi các chu kỳ nhai, khối (thức ăn) và độ nhớt chỉ tăng lên với chuối, đậu hủ và gạo. Tầm quan trọng của nghiên cứu này là để nhắc nhở các nhà lâm sàng rằng nếu họ muốn khuyến nghị một món ăn nhất định bởi vì các tính chất kết dính, độ bám, hay độ nhớt của nó, họ có thể cần ghi nhớ rằng sự biến dạng của món ăn đó có thể cung cấp một phân tích lưu biến khác so với những phân tích đi kèm với các đo lường trước nhai.
Nguồn tiếng Anh: Groher, M. And Crary, M. (2016), Chapter 2: Normal Swallowing in Adults. in book Dysphagia: Clinical Management in Adults and Children (2nd Edition). Elsevier. St Louis: Missouri. Pp 30-32.
Bản quyền bản dịch thuộc Dự án “Phát triển Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam” của tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV)