Ngôn ngữ trị liệu ở Việt Nam

Ngôn ngữ trị liệu là gì?

Ngôn ngữ trị liệu là một lĩnh vực chuyên môn gồm các dịch vụ về đánh giá, chẩn đoán, tạo chức năng, phục hồi chức năng, tư vấn và phòng ngừa cho người có rối loạn về âm ngữ, ngôn ngữ, giọng nói, độ lưu loát trong giao tiếp, nhận thức, và nuốt do sự chậm trễ trong phát triển hoặc do chấn thương, ung thư, đột quỵ hoặc bệnh thần kinh tiến triển. Ngôn ngữ trị liệu nhằm mục đích giúp mọi người giao tiếp và nuốt có hiệu quả để họ có thể học tập và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, qua đó tạo điều kiện cho họ tăng trình độ học vấn, năng lực làm việc và hòa nhập xã hội, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số nguyên nhân dẫn đến rối loạn ngôn ngữ gồm có mất thính lực, rối loạn thần kinh như bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng, đột quỵ, chấn thương sọ não, khuyết tật trí tuệ, chứng loạn thần/sa sút trí tuệ, lạm dụng chất kích thích, bại não, dị tật vùng xương sọ gồm có sứt môi hoặc hở hàm ếch, ung thư đầu và cổ và lạm dụng hoặc sử dụng giọng nói không đúng cách. Tuy nhiên, thường thì nguyên nhân là không rõ ràng.

Ở các nước phát triển, ngôn ngữ trị liệu là một ngành sức khỏe ứng dụng, cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân có khiếm khuyết về giao tiếp hay nuốt cùng thành viên trong gia đình họ như bố mẹ, người chăm sóc, và những nhà chuyên môn khác như giáo viên, y tá, chuyên viên hoạt động trị liệu và bác sĩ – là những người chăm sóc, trị liệu cho người có khiếm khuyết và rối loạn về giao tiếp và nuốt.

Nhu cầu về ngôn ngữ trị liệu

Báo cáo toàn cầu về khuyết tật[1] cho thấy 15% dân số thế giới bị một dạng khuyết tật nào đó. Nhiều người trong số đó có khiếm khuyết về giao tiếp[2]. Rối loạn giao tiếp thường có tỷ lệ cao. Tại Hoa Kỳ, cứ 12 người Hoa Kỳ thì có một người (khoảng 7,7 phần trăm) bị rối loạn giao tiếp. Khoảng 6 đến 8 triệu người tại Hoa Kỳ bị một dạng khiếm khuyết ngôn ngữ[3] nào đó. Mặc dù tỷ lệ các dạng khiếm khuyết cụ thể là khác nhau nhưng ước tính có khoảng 5% dân số Úc bị “rối loạn giao tiếp” (Senate Community Affairs Reference Committee, 2014). Nếu Việt Nam cũng có tỷ lệ này thì sẽ có khoảng 4,5 triệu người cần đến âm ngữ trị liệu. Với nhóm trẻ em, rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng đến 25% trẻ em ở độ tuổi tiền học đường (McLeod và Harrison, 2009).

Cũng giống với nhiều nước, Việt Nam không có  số liệu chính xác về người cần trị liệu ngôn ngữ. Theo như điều tra dân số năm 2009, có hơn 6,1 triệu người trên 5 tuổi, tương đương với7,8%dân số bị ít nhất một trong số các dạng khuyết tật là khuyết tật nhìn, khuyết tật nghe nói, khuyết tật vận động và khuyết tật tâm thần, thần kinh. Không có số liệu nào cho biết có bao nhiêu người cần trị liệu ngôn ngữ, tuy nhiên Kane (1999)[4] trích dẫn dữ liệu rằng 17-27% trong tổng số người khuyết tật tại Việt Nam có vấn đề về “ngôn ngữ”. Báo cáo của hai bệnh viện lớn nhất là Bệnh viện Chợ Rẫy ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội cho thấy khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm, chiếm 2,5% các ca nhập viện. Con số này cộng với  số người bị rối loạn phát triển và những nhóm  người khuyết tật khác sẽ càng làm tăng số lượng người cần ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam qua mỗi năm. Nếu tỷ lệ phần trăm người bị rối loạn giao tiếp ở Hoa Kỳ được áp dụng cho Việt Nam thì Việt Nam sẽ có khoảng 7,7 triệu người rối loạn giao tiếp cần trị liệu ngôn ngữ.

Thông tin thu thập được từ nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nhu cầu về NNTL cần được phát hiện càng sớm càng tốt và dịch vụ về NNTL phải dễ tiếp cận, sẵn sàng và công bằng để phòng ngừa các rào cản trong giao tiếp, các vấn đề về sức khỏe liên quan đến nuốt và tiết kiệm chi phí cho người sử dụng dịch vụ NNTL.

Không có sự giúp đỡ của chuyên viên ngôn ngữ trị liệu thì các rối loạn giao tiếp có thể dẫn đến hậu quả lâu dài bao gồm khó khăn trong “học viết và đọc, tập trung và suy nghĩ, tính toán, giao tiếp, di chuyển, tự chăm sóc bản thân, các mối quan hệ với bạn bè, quan hệ  cha mẹ – con cái, mối quan hệ với các anh chị em, học tập tại trường học, tìm kiếm và duy trì việc làm” (McCormack, McLeod, McAllister và Harrison 2009, p. 163[5]). Rối loạn  giao tiếp ở trẻ nhỏ nếu không được trị liệu thì có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành[6] ảnh hưởng đến công việc sau này, đến hòa nhập xã hội và sức khỏe tâm thần của mỗi người. Những người gặp khó khăn trong giao tiếp thường có khả năng thất nghiệp cao và thu nhập thấp (Felsenfeld et al., 1994). Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người không có khả năng nói chuyện một cách thông minh là 75,6% và chi phí liên quan đến khuyết tật giao tiếp thường chiếm khoảng 2,5% đến 3% tổng sản phẩm quốc gia (Ruben, 2000[7]).

Ngôn ngữ trị liệu ở Việt Nam

Trải  qua gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển cộng đồng, đặc biệt là hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam, MCNV nhận ra rằng những người cần trị liệu ngôn ngữ vẫn đang sống một cuộc sống khó khăn và có chất lượng cuộc sống thấp do khó khăn trong giao tiếp và những rào cản liên quan đến vấn đề nuốt do hậu quả của nhận thức hạn chế về trị liệu ngôn ngữ và không có dịch vụ đáp ứng nhu cầu về trị liệu ngôn ngữ. Dịch vụ về giáo dục và phục hồi chức năng cho người khuyết tật là có sẵn  nhưng  nhu cầu về trị liệu ngôn ngữ, đặc biệt đối với bệnh nhân ở các cơ sở y tế, vẫn chưa được chú ý và đang bị bỏ ngỏ[8].

Bộ Y tế (MOH) Việt Nam đã nhận ra vai trò quan trọng của NNTL. Vậy nên, trong Kế hoạch quốc gia về phát triển phục hồi chức năng giai đoan 2014 – 2020 đã được phê duyệt trong Quyết định 4039/QD-BYT, MOH đã đặt mục tiêu rằng 85% bệnh viện phục hồi chức năng có đủ các chức danh chuyên môn theo Điều 4 Thông tư số 46/2013/TT-BYT bao gồm cử nhân ANTL và kỹ thuật viên hoạt động trị liệu và 100% các khoa hoặc bộ môn phục hồi chức năng ở các trường y tế phải có nội dung đào tạo liên quan đến các chức danh kỹ thuật viên phục hồi chức năng, y tá phục hồi chức năng, cử nhân kỹ thuật y học, cử nhân âm ngữ trị liệu, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu, kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu, kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình và phải có các khóa học về ngôn ngữ trị liệu và kỹ thuật y học.. Đây được xem như là một chiến lược phát triển đào tạo về phục hồi chức năng nói chung và lực lượng thực hành NNTL nói riêng cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang có hơn 120 cơ sở y tế, bao gồm 36 bệnh viện phục hồi chức năng, 63 khoa phục hồi chức năng của 63 bệnh viện đa khoa tại 63 tỉnh thành và hơn 21 bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng. Tuy nhiên, nhân lực về âm ngữ trị liệu cho những đơn vị này vẫn chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp và chính thống.

Năm 2016, USAID đã thực hiện một đánh giá về tính sẵn có của dịch vụ ngôn ngữ và NNTL và phân tích tình hình NNTL tại Việt Nam. Báo cáo đánh giá cho thấy rằng có hai nhóm quan điểm tiếp cận đối với NNTL là quan điểm của ngành y tế và quan điểm của ngành giáo dục đặc biệt. Trên quan điểm của ngành y tế, NNTL chủ yếu hỗ trợ sau phẫu thuật cho  người bị sứt môi hoặc hở hàm ếch và bệnh nhân có vấn đề giọng nói, bao gồm những người bị rối loạn giọng nói do lạm dụng giọng nói, ung thư đầu và cổ và bệnh về thần kinh khác. Có một số dịch vụ cho người có vấn đề về giao tiếp và nuốt sau đột quỵ và cho trẻ em mắc hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ vẫn còn khá hiếm vì  thiếu nhân lực thực hành dịch vụ NNTL. Dưới góc nhìn của giáo dục đặc biệt, dịch vụ NNTL chủ yếu là cho trẻ khuyết tật và do giáo viên giáo dục đặc biệt cung cấp[9]. Để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng có nhu cầu về NNTL và đáp ứng yêu cầu về thực hành NNTL ở Việt Nam, hành trăm người đã tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về NNTL. Ngoài các khóa học 10 tháng và 2 năm do Trinh Foundation Australia hỗ trợ tổ chức, các khóa học khác đang bị thiếu sự phối hợp chia sẻ thông tin và chưa có tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng đào tạo. Mặc dù có một số người đã được cấp bằng Thạc sỹ, hoặc thậm chí làm cả nghiên cứu sinh Tiến sỹ về NNTL nhưng vì  không học  lâm sàng về NNTL nên khi quay trở về Việt Nam họ cũng không làm công tác huấn luyện, đào tạo về NNTL một cách chính thống.

Đào tạo ngôn ngữ trị liệu ở Việt Nam

Trong 10 năm qua, đào tạo về NNTL ở  Việt Nam đã  bắt đầu phát triển nhờ sự đóng góp to lớn từ TFA thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo và xây dựng  chương trình đào tạo cơ bản. Không có chương trình đào tạo NNTL chính thức nào tại Việt Nam cho đến năm 2009 khi TFA bắt đầu hỗ trợ trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch tại Thành phố Hồ Chí Minh để thí điểm một khóa đào tạo hai năm cho một nhóm 18 người đang làm công tác hỗ trợ về NNTL và cần kỹ năng chuyên môn cho công việc của họ. Từ năm 2010, với sự hỗ trợ từ TFA và các trường đại học của Úc, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức được ba khóa học đào tạo về NNTL cho 65 người đến từ các tỉnh khác nhau bao gồm cả Hà Nội, Huế, và Đà Nẵng. Tuy nhiên, các khóa đào tạo này vẫn chưa được chính thức đưa vào hệ thống chương trình đào tạo về phục hồi chức năng. Chương trình đào tạo NNTL tại đại học Y Phạm Ngọc Thạch  có đầy đủ các lĩnh vực thực hành về NNTL, bao gồm: âm ngữ, ngôn ngữ, giọng nói, tính lưu loát, nuốt, giao tiếp đa phương thức trong suốt cuộc đời (từ khi sinh đến khi chết). Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia chuyên ngành âm ngữ trị liệu chủ yếu đến từ Úc nhưng cũng có nhiều người đến từ các nước khác có kinh nghiệm về NNTL. Chương trình đào tạo đã sử dụng tối đa nguồn lực giảng viên  Việt Nam để tham gia giảng dạy (ví dụ: dạy giải phẫu học, tâm lý học hành vi và ngôn ngữ học), tuy nhiên, chưa có ai trong đội ngũ làm công tác NNTL ở Việt Nam có  bằng thực hành lâm sàng về âm ngữ trị liệu (có khả năng hướng dẫn thực hành cho tất cả các lĩnh vực chuyên môn trong chương trình đào tạo). Vì vậy, chuyên gia về NNTL được mời về từ nước ngoài. TFA đã huy động được sự giúp đỡ của tổ chức Tình nguyện viên quốc tế Úc và tổ chức Tình nguyện viên doanh nghiệp Úc và gần đây là tổ chức Scope Global để thực hiện các hoạt động dài hạn (12-24 tháng) và ngắn hạn (1-3 tháng) về NNTL tại Việt Nam. Trong khóa đào tạo NNTL hiện giờ tại trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, học viên tốt nghiệp chương trình NNTL 2 năm trước đây đang đảm nhận vai trò đồng giảng viên và hướng dẫn lâm sàng cùng với tình nguyện viên ANTL từ Úc với mực đích đào tạo ra nguồn nhân lực cho việc thực hiện các chương trình đào tạo được cấp bằng tương lai tại Việt Nam. Tính đến nay (tháng 3/2017), TFA đã hỗ trợ  tài chính, đi lại, sinh hoạt ở Việt Nam cho hơn 110 giảng viên tình nguyện và hướng dẫn viên lâm sàng cho chương trình đào tạo tại trường Phạm Ngọc Thạch. Chương trình giảng dạy, tài liệu giảng dạy và kết quả học tập của học viên các khóa đào tạo tại trường Phạm Ngọc Thạch được đánh giá nghiêm túc[10]. Khung chương trình đào tạo 2 năm được TFA cung cấp và được các chuyên gia tình nguyện  điều chỉnh trong giai đoạn 2012-2017. Từ năm 2014, hơn 30 CPD (Continuing Professional Development – Các khoá cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên) đã được tổ chức cho học viên đã tốt nghiệp và các nhà chuyên môn  và đã giúp bổ sung thêm nguồn nhân lực giảng dạy NNTL bằng tiếng Việt.

Năm 2013, với nguồn tài chính từ Quỹ Học bổng chính phủ Úc -AusAid, TFA và Đại học Sydney đã hỗ trợ cho một nhóm các nhà chuyên môn của Đại học Phạm Ngọc Thạch  và khoa phục hồi chức năng của Đại học Y Hà Nội sang Sydney để cùng nhau phát triển khung chương trình đào tạo bậc Cử nhân về NNTL. Dự kiến là khung chương trình này sẽ sử dụng các tài liệu giảng dạy về NNTLđã được phát triển, đánh giá và sử dụng tại Việt Nam từ năm 2010 cho đến năm 2017. Tuy nhiên, khung chương trình này sau đó chưa được phát triển chi tiết thêm, các đơn vị cũng không có kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng đề án chương trình đào tạo hoàn chỉnh để trình Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Năm 2015, với nguồn tài chính từ Hiệp hội Ngôn ngữ Trị liệu tại Úc, TFA đã thực hiện một khóa tập huấn cho phiên dịch về NNTL để cung cấp thông dịch viên chất lượng cao cho: 1) chương trình đào tạo NNTL tại trường Phạm Ngọc Thạch, 2)  Các khoá cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên ở Việt Nam, và 3) phát triển nguồn nhân lực NNTL sử dụng tiếng Việt. TFA cũng đã hỗ trợ xây dựngmột bộ tài liệu chú giải các thuật ngữ về NNTL song ngữ Việt/ Anh để hỗ trợ cho các thông dịch viên.

Cho đến thời điểm cuối năm 2017, đã có 65 người được đào tạo và có kiến thức, kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ NNTL ở Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Có ít nhất 55 quốc gia có hội nghề nghiệp về rối loạn âm ngữ và giao tiếp[11]. Việt Nam không nằm trong số 55 quốc gia này. Do vậy, sự nhất quán trong cung cấp dịch vụ NNTL do những học viên đã qua đào tạo vẫn là một thử thách ở Việt Nam, kể cả ở khu vực thành thị hay nông thôn.

Với mục đích góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của  người khuyết tật và tăng cường năng lực cho ngành phục hồi chức năng ở Việt Nam nói chung thì cần phải có một chương trình đào tạo về NNTL có hệ thống; có cam kết mạnh mẽ, nỗ lực, nguồn đầu tư về tài chính và  nhân lực từ cả phía các cơ quan Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ là khởi điểm cho chương trình đào tạo này.

                                                                                 Bài viết được thực hiện bởi tổ chức MCNV

[1] http:// www.who.int. World Health Organization. (2011). World Report on Disability. World Health Organization,     Geneva.

[2] http://www.asha/org/About/news/Quick-Facts

[3] https://www.nidcd.nih.gov/health/statistics/quick-statistics-voice-speech-language

[4]Kane, T. (1999). Disability in Vietnam in 1999. A metaanalysis of data. Accessed from http://pdf.usaid.gov/pdf_docs/Pnacg781.pdf  on 4th May, 2011

[5] McCormack, J., McLeod, S., McAllister, L., & Harrison, L. J. (2009). A systematic review of the association between childhood speech impairment and participation across the lifespan. International Journal of Speech-Language Pathology, 11(2), 155-170.

[6] Felsenfeld, S., Broen, P. A., &McGue, M. (1992). A 28-year follow-up of adults with a history of moderate phonological disorder: Linguistic and personality results. Journal of Speech & Hearing Research, 35(5), 1114-25.

Felsenfeld, S., Broen, P. A., &McGue, M. (1994). A 28-year follow up of adults with a history of moderate phonological disorder: Educational and occupational results. Journal of Speech and Hearing Research, 37, 1341-1353.

[7] Ruben, R. J. (2000). Redefining the survival of the fittest: Communication disorders in the 21st century. Laryngoscope, 110(2 part 1), 241-245.

[8] MCNV’s M&E system.

[9] USAID. 2016. Speech and Language Therapy Assessment in Vietnam

[10] Atherton, M., Davidson, B. & McAllister, L.  (2016). Building collaboration – a participatory research initiative with Vietnam’s first speech-language pathologists. Journal of Clinical Practice in Speech Language Pathology, 18(3), 108-115.

[11] Lubinski R. 2010. Speech Therapy or Speech-Language Pathology. In: JH Stone, M Blouin, editors. International Encyclopedia of Rehabilitation. Available online: http://cirrie.buffalo.edu/encyclopedia/en/article/333/

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan