Bước đầu phát triển dữ liệu chuẩn cho công cụ sàng lọc ngôn ngữ tiếng Việt (VLS) ở trẻ em bốn tuổi tại Thừa thiên – Huế

Nhóm nghiên cứu: Bs. Đặng Thị Thu Hằng – Trường ĐH YD Huế; TS. Phạm Diệp Thuỳ Dương – Trường ĐH YD TP.HCM; TS. Sarah Verdon – Trường ĐH Charles Sturt – Úc.

Giới thiệu: Rối loạn ngôn ngữ phát triển (Developmental language disorder, DLD) là rối loạn ngôn ngữ không xác định được nguyên nhân, phổ biến từ 3% đến 7% trẻ mẫu giáo, ẩn, tồn tại suốt đời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, tiêu cực đến kỹ năng đọc, viết, quan hệ xã hội, sự tự tin, học tập và công việc trong tương lai. Xác định và can thiệp sớm đã được chứng minh là có hiệu quả nhưng công cụ sàng lọc cần phù hợp về mặt văn hóa, ngôn ngữ và có dữ liệu chuẩn, là dữ liệu tham chiếu của quần thể dân số phát triển điển hình để có thể so sánh hiệu suất ngôn ngữ của một trẻ với các trẻ khác có cùng nền tảng, đảm bảo tính công bằng, hợp lệ và uy tín. Công cụ sàng lọc ngôn ngữ tiếng Việt (Vietnamese Language Screener, VLS) được phát triển bởi TFA (2018), là công cụ chính thức đầu tiên để sàng lọc DLD tiếng Việt, được chuẩn hoá trên sáu nhóm trẻ từ ba đến bảy tuổi ở Hà Nội với cỡ mẫu trung bình là 21 ± 3,97 trẻ. Tuy nhiên, tiếng Việt khác biệt về văn hóa và phương ngữ vùng miền. Trong khi đó, theo APA và nhiều tác giả, dữ liệu chuẩn cần đại diện và có ít nhất 100 trẻ cho mỗi nhóm. Do đó, cần phát triển một dữ liệu chuẩn với cỡ mẫu lớn hơn ở miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế, nơi chưa có nghiên cứu về dữ liệu chuẩn của VLS.

Mục tiêu: 1. Xác định dữ liệu chuẩn (trung bình, độ lệch chuẩn và xếp hạng bách phân vị) của điểm VLS. 2. Xác định mối liên quan giữa tuổi, giới tính của trẻ, trình độ học vấn và tình trạng kinh tế xã hội của cha mẹ với điểm VLS của trẻ. 3. Xác định chỉ số độ khó và chỉ số phân biệt của mỗi mục trong VLS.

Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang có phân tích 103 trẻ bốn tuổi từ 05/2020 đến 08/2021 tại hai trường mầm non ở Thừa Thiên Huế. Trẻ đã được sàng lọc phát triển để xác định phát triển điển hình thông qua Bộ câu hỏi PEDS do giáo viên và phụ huynh thực hiện. Những trẻ bốn tuổi, ở Thừa Thiên Huế, nói phương ngữ Trung, sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ thứ nhất và được xác định là phát triển điển hình sẽ được mời phỏng vấn trực tiếp có ghi âm để chấm điểm lại thông qua 12 bức tranh của VLS trong khoảng 10-20 phút bởi nghiên cứu viên. Các biến định lượng của điểm VLS về Từ vựng, Ngữ pháp và Hiểu cấp độ 1, 2, 3, 4, đã được phân tích mô tả để xác định trung bình, độ lệch chuẩn và biên độ (nhỏ nhất – lớn nhất), xếp hạng bách phân vị. Kiểm tra sự phân phối của các biến bằng biểu đồ đường cong phân phối và Kiểm định Kolmogorov-Smirnov cho thấy chỉ có Ngữ pháp đáp ứng giả định về phân phối chuẩn. Do đó, thử nghiệm tham số Independent T-Test và One-way ANOVA Test đã được áp dụng để so sánh trung bình của Ngữ pháp và thử nghiệm phi tham số Mann-Whitney U Test và Kruskal-Wallis Test được sử dụng cho các biến còn lại. Một phân tích nhân tố đã được sử dụng để tính chỉ số độ khó và chỉ số phân biệt cho 61 mục của VLS. Nghiên cứu này đã được thông qua Hội đồng đạo đức số 584/HĐĐĐ-ĐHYD, Phòng Giáo dục Thành phố Huế và Ban giám hiệu của hai trường mầm non cùng với chấp thuận cho phép sử dụng bằng văn bản từ tác giả của PEDS và VLS.

Kết quả: Nghiên cứu đã được thực hiện trên 103 trẻ bốn tuổi ở Thừa Thiên Huế và quan sát thấy điểm trung bình của Từ vựng, Hiểu cấp độ 1, 2, 3, 4 có xu hướng tăng lên nhưng điểm Ngữ pháp thì không đổi nếu chấm điểm dựa trên phương ngữ và văn hóa của miền Trung. Chúng được sử dụng để tính dữ liệu chuẩn với tổng điểm có thể có của Từ vựng, Ngữ pháp, Hiểu cấp độ 1, 2 3, 4 và Điểm tổng lần lượt là 69, 151, 5, 12, 10, 10 và 257 điểm. Điểm VLS trung bình của trẻ từ 48 đến 53 tháng là 20,96 ± 6,61 (Từ vựng), 57,87 ± 14,16 (Ngữ pháp), 4,41 ± 0,77 (Hiểu cấp độ 1), 7,41 ± 1,90 (Hiểu cấp độ 2), 2,07 ± 1,52 (Hiểu cấp độ 3), 3,56 ± 1,57 (Hiểu cấp độ 4), 96,28 ± 22,30 (Điểm tổng). Điểm VLS trung bình của trẻ từ 54 đến 59 tháng là 21,18 ± 6,64 (Từ vựng), 59,08 ± 13,02 (Ngữ pháp), 4,53 ± 0,65 (Hiểu cấp độ 1), 7,94 ± 1,51 (Hiểu cấp độ 2), 1,88 ± 1,09 (Hiểu cấp độ 3), 3,61 ± 1,60 (Hiểu cấp độ 4), 98,22 ± 20,31 (Điểm tổng). Ngoại trừ Hiểu cấp độ 1, hầu hết điểm VLS đều có phân phối chuẩn và điểm thô đã được chuyển đổi thành xếp hạng bách phân vị. Không tìm thấy mối tương quan đáng kể nào giữa nhóm tuổi, giới tính của trẻ, trình độ học vấn của cha mẹ và tình trạng kinh tế xã hội với điểm VLS, ngoại trừ giữa trình độ học vấn của cha và Hiểu cấp độ 2 (p = 0,044). Phân tích nhân tố cho thấy 61 mục của VLS có chất lượng tốt theo phân độ của Ebel và Frisbie (1972), với độ khó trung bình (chỉ số độ khó là 0,43 ± 0,27) và có thể phân biệt công bằng giữa những trẻ có kỹ năng ngôn ngữ cao và thấp (chỉ số phân biệt là 0,16 ± 0,11). Nghiên cứu này cũng cung cấp những thông tin tham khảo có thể giúp các nhà phát triển công cụ sử dụng để điều chỉnh câu hỏi và cách chấn điểm VLS phù hợp hơn với văn hoá và phương ngữ cho trẻ em bốn tuổi ở Thừa Thiên Huế.

Kết luận: Nghiên cứu hiện tại đã bước đầu phát triển dữ liệu chuẩn cho VLS, công cụ sàng lọc DLD tiếng Việt, ở trẻ bốn tuổi tại Thừa Thiên Huế. Các mục của VLS đã được chứng minh là có chất lượng tốt với độ khó trung bình, khả năng phân biệt công bằng giữa những trẻ có kỹ năng ngôn ngữ cao và thấp. Điểm VLS hầu như không bị ảnh hưởng bởi nhóm tuổi, giới tính của trẻ, trình độ học vấn và tình trạng kinh tế xã hội của cha mẹ.

Ghi chú: Nghiên cứu là đề tài luận văn tốt nghiệp Ths. Kỹ thuật PHCN chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu tại ĐH Y Dược Tp. HCM của học viên Đặng Thị Thu Hằng.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan