Ngôn ngữ trị liệu: Thêm lựa chọn cho học sinh thích ngành y

Những học sinh chọn lĩnh vực rất mới này ở bậc đại học sẽ có nhiều cơ hội về việc làm sau khi tốt nghiệp, bao gồm tại các bệnh viện lớn trong cả nước.

Được các nước Âu – Mỹ quan tâm phát triển từ những năm 1920, ngôn ngữ trị liệu (hay âm ngữ trị liệu) là lĩnh vực quan trọng của y học. Cùng với vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu là những phần then chốt của ngành phục hồi chức năng.

Khai phá “vùng đất mới”

Chuyên viên ngôn ngữ trị liệu vô cùng quan trọng để giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống sau một chấn thương, một cơn bệnh nặng… nhưng ở Việt Nam, ngôn ngữ trị liệu chỉ bắt đầu được “khai phá” từ hơn một thập niên qua.

Tiến sĩ Lê Khánh Điền, Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ trị liệu châu Á – Thái Bình Dương, Trưởng đơn vị phục hồi chức năng Bệnh viện An Bình (TP.HCM), kể lại: “Trước đây, các trường y ở Việt Nam chỉ đào tạo một lĩnh vực quan trọng thuộc phục hồi chức năng là vật lý trị liệu. Đến năm 2010, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp với Tổ chức Trinh Foundation của Úc mở khóa đầu tiên về ngôn ngữ trị liệu, dạy trong 2 năm (từ năm học 2010 – 2011). Khóa thứ hai vào năm học 2012 – 2013. Hai khóa này là sự mở màn cho việc đào tạo một cách bài bản về ngôn ngữ trị liệu tại nước ta”.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM chính thức đào tạo thạc sĩ ngôn ngữ trị liệu từ năm 2019 để có các giảng viên nguồn.

Năm 2019, cùng lúc có 2 khóa chính thức đầu tiên ở Việt Nam về ngôn ngữ trị liệu, được Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đồng ý triển khai. Cụ thể, theo thạc sĩ Lê Thanh Vân, Trưởng bộ môn Phục hồi chức năng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) hỗ trợ trường mở mã ngành thạc sĩ kỹ thuật phục hồi chức năng – chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu. Do mục tiêu đào tạo giảng viên nguồn nên khóa đầu tiên (2019 – 2021) học viên đa phần là giảng viên của các trường đại học. Cùng trong năm 2019, MCNV giúp mở một khóa cử nhân tại Trường ĐH Kỹ thuật y dược Đà Nẵng. Tiếp đó, năm 2021, tổ chức này tiếp tục hỗ trợ mở chương trình cử nhân về ngôn ngữ trị liệu ở Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương.

Từ năm học 2022 – 2023, các sinh viên đậu vào ngành kỹ thuật phục hồi chức năng của Trường ĐH Y Dược TP.HCM sẽ bắt đầu được chọn chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu bên cạnh 2 chuyên ngành đã có trước đó là vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu. Chương trình đào tạo và các chuyên gia nước ngoài (chủ yếu từ Úc) tham gia giảng dạy những khóa thạc sĩ và cử nhân nói trên do Tổ chức Trinh Foundation hỗ trợ.

Tố chất cần có đầu tiên của một chuyên viên ngôn ngữ trị liệu là biết quan tâm, đồng cảm với người khác, đây là điều kiện quan trọng của những ai muốn hành y, vì có như thế mới tận tâm với bệnh nhân.

Tiến sĩ Lê Khánh Điền Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ trị liệu châu Á – Thái Bình Dương

Việc trở thành chuyên ngành chính thức ở các trường y khoa giúp cho ngôn ngữ trị liệu có thể được phát triển một cách khoa học và bền vững tại Việt Nam. Như vậy, hiện nay cả 3 lĩnh vực then chốt của phục hồi chức năng đều đã được đào tạo một cách bài bản.

Các bệnh viện “săn đón”

Tiến sĩ Lê Khánh Điền nhấn mạnh: “Tố chất cần có đầu tiên của một chuyên viên ngôn ngữ trị liệu là biết quan tâm, đồng cảm với người khác, đây là điều kiện quan trọng của những ai muốn hành y, vì có như thế mới tận tâm với bệnh nhân. Và riêng với ngành phục hồi chức năng thì rất cần tính kiên nhẫn. Để nói trọn vẹn một từ, có những bệnh nhân phải mất nhiều buổi tập, mỗi buổi dài hàng giờ, nếu người điều trị không nhẫn nại thì sẽ dễ thất bại và không làm việc được”.

Thạc sĩ Lê Thanh Vân cho biết thêm: “Về học lực thì phổ điểm của ngành kỹ thuật phục hồi chức năng thường dao động quanh 24 điểm (ban B), tùy vào độ khó của đề thi. Đương nhiên, đây là một lĩnh vực thuộc y khoa nên các thí sinh phải học tốt các môn tự nhiên, nhất là môn sinh, nhưng do ngôn ngữ trị liệu trong quá trình học có môn tiếng Việt nên những ai yêu thích và có độ nhạy về ngôn ngữ sẽ bắt nhịp tốt và là một lợi thế”. Ngoài ra, những bạn thích ngành phục hồi chức năng nhưng vóc dáng nhỏ bé và thể lực yếu, lo ngại không phù hợp với vật lý trị liệu (vốn thường dùng sức nhiều khi giúp bệnh nhân tập luyện) thì cũng có thể tìm hiểu thêm về ngôn ngữ trị liệu.

Liên quan đến cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, theo thạc sĩ Lê Thanh Vân, các bệnh viện, đặc biệt là những bệnh viện lớn, đều rất quan tâm đến những chuyên ngành mới của ngành phục hồi chức năng nên chắc chắn các sinh viên về ngôn ngữ trị liệu sẽ được “săn đón” sau khi tốt nghiệp. Ở một chuyên ngành mới khác (được mở trước ngôn ngữ trị liệu vài năm) là hoạt động trị liệu, nhiều sinh viên đã được bệnh viện “đặt hàng” ngay từ khi thực tập, chỉ cần hoàn thành chương trình cử nhân là có thể vào làm ngay.

Công việc của chuyên viên ngôn ngữ trị liệu

Chuyên viên ngôn ngữ trị liệu sẽ làm việc với những người bị rối loạn về lời nói, như nói lắp, hoặc do hậu quả của các bệnh về thần kinh, ung thư…; rối loạn về giọng nói, do liệt dây thanh, do căng cơ…; rối loạn giao tiếp – nhận thức, như rối loạn về sự tập trung, trí nhớ do chấn thương sọ não hoặc do sa sút trí tuệ; rối loạn giao tiếp xã hội, như ở người mắc hội chứng tự kỷ; rối loạn thính lực; rối loạn ngôn ngữ (như nghe, nói, đọc, viết); rối loạn nuốt…

Chuyên viên điều trị không chỉ giúp bệnh nhân phục hồi khả năng diễn đạt ngôn ngữ mà còn hướng dẫn người nhà các phương pháp nắm bắt được thông tin một cách hiệu quả nhất trong khi giao tiếp với người bệnh.

 

Nguồn: Lan Chi: nn.lanchi@yahoo.com

https://thanhnien.vn/ngon-ngu-tri-lieu-them-lua-chon-cho-hoc-sinh-thich-nganh-y-post1445205.html?fbclid=IwAR1CqgohNpIIBKExBSQj4xu1I9szSumO3vfQbvLz5eVufY_3AZYo-nG-h7M

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan