Khóa Thạc sỹ Ngôn ngữ trị liệu đầu tiên tại Việt Nam: Nhìn lại một hành trình

Một buổi học trên giảng đường của sinh viên khóa Thạc sỹ Kỹ thuật Phục hồi chức năng, chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu, ĐH Y Dược TP.HCM

Vượt qua những trở ngại do đại dịch COVID-19 gây ra, tháng 11/2021, 14 học viên chương trình Thạc sỹ Kỹ thuật Phục hồi chức năng, chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) tại Đại học (ĐH) Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp. Đây cũng chính là khóa Thạc sỹ NNTL đầu tiên được đào tạo trong nước, đánh dấu bước khởi sắc quan trọng trong phát triển chuyên ngành này tại Việt Nam.

Khoảng trống lớn trong đáp ứng nhu cầu can thiệp ngôn ngữ trị liệu

Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) là một ngành sức khỏe ứng dụng, cung cấp dịch vụ hỗ trợ những người có khiếm khuyết, rối loạn về ngôn ngữ, giao tiếp và nuốt. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới những rối loạn, khiếm khuyết này, như hội chứng tự kỷ, bại não, khuyết tật trí tuệ, chấn thương sọ não, đột quỵ, bệnh Parkinson, dị tật sứt môi, hở hàm ếch, ung thư vùng đầu – cổ…Tình trạng không thể nói hoặc nói ú ớ, lắp bắp, phát âm bị méo…gây trở ngại nghiêm trọng đối với hoạt động giao tiếp, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống, tạo những rào cản không nhỏ đối với việc hòa nhập xã hội cũng như tiếp cận giáo dục và cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Trên thế giới, NNTL đã có lịch sử gần 100 năm, tính từ cột mốc là sự ra đời của tổ chức chuyên môn đầu tiên về NNTL tại Mỹ (ASHA). Ngày nay, NNTL đã trở nên phổ biến tại châu Âu, Australia và một số nước phát triển khác. Tại Việt Nam, NNTL được biết tới khoảng 10 năm trở lại đây, bắt đầu dưới hình thức các khóa đào tạo ngắn hạn tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược Huế và Trường ĐH KT Y-Dược Đà Nẵng.

Nhu cầu về NNTL tại Việt Nam là rất lớn. Theo Điều tra Quốc gia về Người Khuyết tật tại Việt Nam năm 2016, hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên – khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật (thuộc một trong các dạng: vận động, nghe, nhìn, thần kinh, v.v). Dù không có thống kê chính thức về số người cần trị liệu ngôn ngữ, theo nghiên cứu “Disability in Vietnam 1999: A Meta-analysis of the Data” (Kane, 1999) 17-27% trong tổng số người khuyết tật tại Việt Nam có vấn đề về “ngôn ngữ”.

Mặc dù nhu cầu can thiệp ngôn ngữ trị liệu là rất lớn, nhưng việc đáp ứng nhu cầu còn là rất hạn chế. Theo nghiên cứu “Khảo sát Nhu cầu Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam” do MCNV thực hiện năm 2018, ở thời điểm cuối năm 2017, Việt Nam chỉ có khoảng 65 người được đào tạo và có kiến thức, kỹ năng cần thiết để cung cấp dịch vụ kể trên. Trước nhu cầu bức thiết này, từ cuối năm 2017, với nguồn tài trợ từ Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua tổ chức VietHealth và tư vấn chuyên môn từ tổ chức Trinh Foundation Australia (TFA), Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) bắt đầu hỗ trợ cho việc xây dựng và triển khai các khóa đào tạo chính quy đầu tiên về NNTL tại Việt Nam, bao gồm chương trình Thạc sỹ tại ĐH Y Dược Tp.HCM và chương trình Cử nhân tại trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng.

Hành trình vượt khó

Một buổi học về khe môi, hở hàm ếch trong khóa đào tạo Thạc sỹ NNTL tại ĐH Y Dược Tp.HCM

Khóa đào tạo Thạc sỹ NNTL tại ĐH Y Dược Tp.HCM được chính thức bắt đầu từ tháng 11/2019, với tổng cộng 14 học viên, là các cán bộ, giảng viên đến từ ĐH Y Dược Tp. HCM, trường ĐH Y Dược Huế, trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương và trường Trung cấp Y tế tỉnh Tây Ninh. Triển khai trong hai năm đầy biến động do đại dịch COVID-19, khóa đào tạo Ths NNTL đầu tiên của Việt Nam đã phải vượt qua không ít thách thức, đặc biệt là khi đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất xảy ra trùng với giai đoạn thực hành lâm sàng và chuẩn bị đề tài tốt nghiệp của các học viên trong năm 2021. Nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do đại dịch, MCNV và các đối tác đã phối hợp chặt chẽ, cùng tìm các giải pháp thích ứng phù hợp nhất, đảm bảo tiến độ chương trình và chất lượng đào tạo, mà cụ thể là chuyển đổi hình thức giảng dạy và thực hành từ trực tiếp sang trực tuyến, vừa đảm bảo an toàn cho giảng viên, học viên đồng thời đảm bảo chất lượng, tiến độ đào tạo.

Cụ thể, từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, phần lớn hoạt động dạy – học đã được dự án thực hiện online, duy trì đều đặn trên nền tảng Zoom. Các kỳ lâm sàng được chuyển sang hình thức online do các chuyên viên NNTL Việt Nam hướng dẫn trực tiếp, các chuyên gia quốc tế làm cố vấn từ xa. Hoạt động thảo luận ca bệnh được thực hành qua video, sử dụng thông tin ca bệnh ảo từ ngân hàng ca bệnh Simucase. Xuyên suốt quá trình chuẩn bị cho đề tài tốt nghiệp, các học viên nhận được sự hỗ trợ sát sao của các giảng viên ĐH Y Dược Tp.HCM và các trường ĐH tại Australia. Để tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình này, dự án có trợ lý hỗ trợ sắp xếp lịch họp trực tuyến giữa các cặp học viên – giáo sư hướng dẫn có kèm phiên dịch, tư vấn để học viên xác định mục đích, nội dung, phương pháp nghiên cứu.

Những “trái ngọt” đầu tiên và triển vọng

Với những nỗ lực thích ứng, đầu tháng 11/2021, 14/14 học viên đã hoàn thành việc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, với những đề tài được Hội đồng phản biện đánh giá cao về tính mới mẻ, hàm lượng khoa học, và ý nghĩa ứng dụng lâm sàng như các nghiên cứu về nói lắp, công cụ đánh giá âm lời nói ở trẻ nhỏ, khuyết tật giao tiếp, nhu cầu đào tạo về NNTL của nhân viên PHCN dựa vào cộng đồng…

Học viên Thạc sỹ Kỹ thuật Phục hồi chức năng, chuyên ngành NNTL (ĐH Y Dược TP.HCM) bảo vệ luận văn tốt nghiệp tháng 11/2021.

Bên cạnh đó, Dự án cũng đã tạo ra những kết quả bền vững bước đầu như hỗ trợ tăng cường năng lực cho nhân sự của Bộ môn PHCN của ĐH Y Dược Tp. HCM trong việc xây dựng đề án đào tạo trình Bộ GD&ĐT để xin cấp phép mở một mã ngành hoàn toàn mới ở trình độ thạc sỹ.

Với thành công được cấp mã đào tạo thạc sỹ KT PHCN, ĐH YD Tp. HCM đã được cấp phép để đào tạo cả chuyên ngành Hoạt động trị liệu và Vật lý trị liệu chứ không chỉ là NNTL. Dự án đã mua và cung cấp cho hai trường là ĐH Y Dược Tp. HCM và trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng các máy móc, trang thiết bị dạy học cơ bản để áp dụng trong đào tạo NNTL. Các trang thiết bị này được sử dụng lâu dài sau khi Dự án kết thúc. Đồng thời, dự án cũng tạo cơ hội và kết nối giảng viên, các trường ĐH đối tác, học viên tham gia các khóa đào tạo với chuyên gia, mạng lưới các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực NNTL trên thế giới.

Một buổi học lâm sàng trên ca bệnh từ Simucase của sinh viên khóa Cử nhân Ngôn ngữ trị liệu trường ĐH Y Dược Đà Nẵng

Trên nền những hỗ trợ và kết quả của Dự án mang lại, các trường ĐH được hưởng lợi từ Dự án đã có những bước khởi động để hướng tới đào tạo lâu dài và bên vững bậc Cử nhân NNTL cho lực lượng làm công tác PHCN ở Việt Nam. Cụ thể, ĐH Y Dược Tp. Hồ Chí Minh đã tiếp tục tuyển sinh khóa ThS. NNTL thứ hai với trọng tâm đào tạo đội ngũ hướng dẫn lâm sàng tại các đơn vị bệnh viện. Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã tuyển sinh khóa Cử nhân NNTL đầu tiên của trường và cũng là khóa cử nhân NNTL thứ hai trên toàn quốc, sau khóa thí điểm của Dự án ở trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng. Những bước khởi đầu hướng đến duy trì và phát huy tính bền vững của Dự án đang thể hiện nhiều triển vọng phát triển cho ngành NNTL ở Việt Nam./.

Nguồn: https://mcnv.org/vi/goc-thong-tin/tin-tuc/khoa-thac-sy-ngon-ngu-tri-lieu-dau-tien-nhin-lai-mot-hanh-trinh/

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan