Trẻ có nhu cầu đặ biệt không những chỉ có hạn chế về thể chất mà còn bị những rào cản về môi trường làm cho trẻ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt thường cần phải có các công cụ trợ giúp giao tiếp và có thể cần phải được đầu tư nhiều cả về thời gian và tiền bạc để học và điều chỉnh các chiến lược giao tiếp của bản thân mình để phù hợp với thế giới xung quanh mình.
Tại Trung tâm CARE, Inc., chúng tôi được đào tạo để hiểu về các phương pháp bổ trợ trong giao tiếp. Có thể liệt kê những phương pháp này như sau:
- Cử chỉ và Giao tiếp Phi ngôn ngữ – Bao gồm các cử chỉ như chỉ tay, gật đầu và giao tiếp bằng mắt có thể giúp trẻ khuyết tật hiểu được các thông điệp giao tiếp. Cha mẹ, các thành viên trong gia đình và bạn bè có thể cần phải phóng đại hoặc kéo dài thời gian của các cử chỉ giao tiếp của họ, đặc biệt là trong thời gian đầu để hỗ trợ việc hiểu của trẻ. Nhìn chung, trẻ thích phản hồi với các cử chỉ giao tiếp phi ngôn ngữ bằng cách cử động cơ thể và thể hiện cử chỉ điệu bộ của riêng mình nhưng đối với trẻ khuyết tật thì cử chỉ và điệu bộ gần như là cần thiết nhất.
- Đọc cho trẻ nghe và thường xuyên nói chuyện với trẻ. Câu “luyện tập tạo nên sự hoàn hảo” chắc chắn là câu phù hợp cho trẻ khuyết tật khi trẻ đang học các chiến lược giao tiếp tốt hơn. Bước đầu tiên để học ngôn ngữ là nghe và hiểu, và chúng ta không thể mong đợi một đứa trẻ có thể giao tiếp tốt nếu chúng ta không để cho trẻ nghe và hiểu trước. Trẻ được tiếp xúc với các môi trường giao tiếp là yếu tố quan trọng cho việc học ngôn ngữ của trẻ.
- Liên tục đưa ra lời giải thích. Trong cửa hàng tạp hóa, nói chuyện với trẻ về mọi bước cần phải làm ở đây, ví dụ, đếm số táo khi bạn cho chúng vào túi, đọc các mục trong danh sách cần mua và cùng trẻ đánh dấu những thứ đã mua, và cuối cùng, cho phép trẻ giúp bạn sắp xếp và cất đồ khi về đến nhà. Điều này cho phép bạn lặp đi lặp lại tên các món đồ cho trẻ nghe, thúc đẩy việc học và cũng dạy trẻ về việc mua sắm hàng hóa. Cách hỗ trợ trẻ như thế này cũng có thể được áp dụng cho các hoạt động hằng ngày khác.
- Thay đổi một chút. Mặc dù chắc chắn là bạn muốn bắt đầu nói chuyện với trẻ bằng ngôn ngữ đơn giản, nhưng cuối cùng bạn cũng sẽ muốn mở rộng vốn từ vựng của trẻ, nếu trẻ có thể. Hãy tạo ra một chút thử thách đối với vốn từ vựng của trẻ bằng cách trộn, đảo và thay thế các từ chút ít. Hãy bắt đầu từ từ thôi. Thỉnh thoảng hãy sử dụng “các từ khác”. Ví dụ, thay vì bảo con là đi qua cửa thì hãy bảo con bước qua cửa. Việc mở rộng vốn từ vựng là cách thử thách quá trình suy nghĩ của trẻ và cũng là cách giúp trẻ cảm thấy tự tin trong các kỹ năng giao tiếp.
- Sử dụng hình ảnh. Giống như thẻ tranh, hình ảnh có thể thử thách trí nhớ. Liên kết hình ảnh tĩnh với các từ có thể giúp trẻ liên kết các từ với thế giới thực. Hãy sử dụng hình ảnh đơn lẻ chứ đừng sử dụng những bức ảnh rối rắm. Trong khi hỗ trợ trẻ học, bạn có thể giới thiệu những tranh ảnh nhiều chi tiết hơn để trẻ có thể xác định một số đồ vật trong những bức tranh này.
- Thừa nhận và Tôn trọng sự khác biệt và hạn chế của mỗi đứa trẻ. Thử thách con cái có thể giúp trẻ đi tới thành công. Tuy nhiên, cha mẹ thường lạm dụng việc thử thách này. Trẻ sẽ cho bạn biết khi nào trẻ sẵn sàng chuyển sang một cuộc phiêu lưu ngôn ngữ mới.
Hãy để các chuyên gia làm việc với gia đình bạn để cùng xây dựng kế hoạch củng cố giao tiếp và mở rộng cơ hội phát triển cho đứa con khuyết tật của bạn. Khi chúng ta làm việc cùng nhau thì đứa trẻ sẽ được hỗ trợ và hưởng lợi nhiều hơn.
Nguồn tiếng Anh: https://careinc.com/care-blog/6-ways-to-enhance-communication-with-a-special-needs-child