Xây dựng bảng từ dùng lượng giá âm lời nói của trẻ em nói tiếng Việt

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha & Phạm Hải Lê, ĐHSP TPHCM

Tóm tắt:

Đánh giá âm lời nói là hoạt động khởi đầu quan trọng để tiến hành can thiệp sớm cho trẻ có rối loạn về lời nói. Phương tiện – bảng từ dùng để kiểm tra đánh giá – vì vậy, càng cần thiết. Trên cơ sở lý thuyết về những yêu cầu cần và đủ đối với một bảng từ dùng làm công cụ sàng lọc, đánh giá và chẩn đoán âm lời nói cho trẻ em, bài viết phân tích một số bảng từ đã và đang được sử dụng làm phương tiện đánh giá âm lời nói của trẻ em người Việt nói tiếng Việt. Từ đó, người viết đề xuất một danh sách từ đơn tiết dùng làm phương tiện đánh giá âm lời nói của trẻ mầm non tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: bảng từ, từ đơn tiết, lượng giá âm lời nói, trẻ em nói tiếng Việt.

BUILDING THE WORD TABLE TO ESTIMATE SPEECH SOUND OF CHILDREN SPEAKING VIETNAMESE

Abstract

Estimating speech sound is significantly initial activity in order to conduct timely intervention for children with speech sound disorders. Therefore, means (the word table using for estimation) is really necessary. Based on theory of pressing and necessary requirements in building the word table using for estimating speech sound, this article analyzes some word tables which is using in the past and present to assess speech sound of students speaking Vietnamese. After that, author suggests the monosyllabic word list being a means helping evaluatespeech sound of kindergarten children in Ho Chi Minh City.

Keywords: word table, monosyllabic, assessment speech sound, children speaking Vietnamese. 

  1. Vấn đề đánh giá âm lời nói của trẻ em

Đánh giá âm lời nói của trẻ em là một phương diện của hoạt động đánh giá khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ, một công việc không thể thiếu trong hoạt động giáo dục ngôn ngữ, nhất là hoạt động trị liệu ngôn ngữ cho trẻ có rối loạn âm lời nói. Có nhiều phương tiện that lung louis vuitton hang hieu và cách thức lượng giá phát âm được sử dụng trong bước chẩn đoán sàng lọc. Với trẻ em, do đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi, phương tiện thường được sử dụng là bảng từ kèm theo tranh ảnh dùng làm vật “kích thích” đứa trẻ nói. Bảng từ đó cần phải đáp ứng những yêu cầu nhất định. Trên cơ sở giới thuyết những yêu cầu cần và đủ đối với một bảng từ dùng làm công cụ đánh giá chẩn đoán sàng lọc âm lời nói, bài viết phân tích một số bảng từ đang được sử dụng làm phương tiện đánh giá âm lời nói của trẻ em người Việt nói tiếng Việt. Từ đấy, người viết giới thiệu một bảng từ làm công cụ đánh giá âm lời nói của trẻ mầm non ở TPHCM.

  1. Những yêu cầu cần và đủ đối với danh sách từ dùng để lượng giá âm lời nói

2.1. Lời nói là một chuỗi các âm kế tục nhau, trong đó âm tiết là khúc đoạn phát âm tự nhiên nhỏ nhất. Một âm tiết thường là một tổ hợp các yếu tố ngữ âm, nhưng dù phát âm chậm cũng không thể tách rời từng yếu tố. Vì vậy, muốn chẩn đoán sàng lọc bệnh nhân có rối loạn âm lời nói, không thể không tiến hành quan sát thực trạng phát âm âm tiết của họ. Và cũng vì vậy mà công cụ dùng làm phương tiện lượng giá trong chẩn đoán sàng lọc rối loạn âm lời nói thường là một danh sách gồm các từ đơn tiết.

2.2. Nội dung đánh giá là âm lời nói của trẻ em người Việt nói tiếng Việt. Do đó, các từ được đưa vào danh sách phải đảm bảo đúng đặc điểm âm tiết và hệ thống âm vị thuộc về âm tiết tiếng Việt hiện đại. Ngoài ra, vì mục tiêu lượng giá âm lời nói, nên thực trạng phát âm theo vùng phương ngữ Bắc (PNB), phương ngữ Trung (PNT) và phương ngữ Nam (PNN) cũng là một yếu tố không thể bỏ qua khi xác lập danh sách từ.

2.3. Trong thực tế, lỗi phát âm của người lớn cũng như trẻ em (có rối loạn âm lời nói) thường tập trung vào một số thành tố (thường là phụ âm đầu) mà không “rải đều” ở tất cả các thành tố trong cấu tạo âm tiết. Nhưng chẩn đoán sàng lọc, không vì thế mà chỉ xem xét “khu trú” ở một nhóm âm hay một nhóm thành tố nào đấy. Bởi lẽ âm tiết tiếng Việt là một chỉnh thể, có cấu trúc chặt chẽ ổn định, không có hiện tượng nối âm, thêm bớt, đảo đổi âm. Và thực tế cho thấy trẻ có thể phát âm sai ở bất cứ một thành tố nào trong 5 thành tố trên; mặc dù tỉ lệ phát âm sai xảy ra ở các thành tố không như nhau([1]).

Thành thử, theo chúng tôi bảng từ dùng làm công cụ đánh giá phải bao chứa được hệ thống âm vị thuộc về cấu trúc âm tiết tiếng Việt hiện đại (đã được thừa nhận trên phương diện ngôn ngữ toàn dân) và cả những âm vị chỉ tồn tại ở vùng phương ngữ hoặc thổ ngữ có nhiều người sử dụng. Cụ thể là:

j Hệ thống âm vị làm âm đầu, gồm 24 phụ âm đơn: /b, m, f, v, t, tH, d, n, ts, s, z,  l, ÿ, §, ½, c, Æ, ø, j,  k, N, x, Ä, h/([2]) và 1 bán nguyên âm /w-/.

k Âm vị làm âm đệm: bán nguyên âm /u»/.

l Hệ thống âm vị làm âm chính: gồm 19 nguyên âm đơn /i, ö, iá, e, eá, E, E(, F, F(, µ, u, o, o:, oá, , :, (, A, A((/; và 3 nguyên âm đôi /i͜e, µ͜F, u͜o/.

m Hệ thống âm vị làm âm cuối gồm 2 bán nguyên âm /-u», -i»/ và 10 phụ âm đơn /-m, -n, -N, -NJ, -NÉ, -p, -t, -k, -kJ, -kᵖ/.

n Hệ thống âm vị siêu âm đoạn tính gồm 6 thanh: ngang /1/, huyền /2/, ngã /3/, hỏi /4/ sắc /5/, nặng /6/.

Tóm lại, theo chúng tôi, danh sách từ dùng làm công cụ lượng giá âm lời nói của trẻ em Việt Nam cần đáp ứng 3 yêu cầu sau:

® Một là, từ đơn tiết, phản ánh đúng đặc điểm âm tiết tiết Việt, danh sách bao chứa đầy đủ hệ thống các âm vị thuộc về cấu tạo âm tiết tiếng Việt hiện đại, trong đó cần chú ý tới cả những âm vần và biến thể ngữ âm theo vùng phương ngữ; loại hình âm tiết.

® Hai là, thỏa mãn yêu cầu “cần và đủ”: ít nhất 2 mẫu cho mỗi âm cần lượng giá([3]).

® Ba là phù hợp với tâm sinh lí trẻ em, với văn hóa Việt Nam: từ gọi tên những sự vật, hiện tượng quen thuộc với trẻ em và dễ minh họa bằng hình ảnh.

Ngoài ra, để đảm bảo tính tiết kiệm, cần tránh dùng từ địa phương; để tiện dụng, cần sắp xếp theo một trật tự nhất định phục vụ cho việc lượng giá âm lời nói.

  1. Một vài bàn luận về một số bảng từ đã có

Cho đến nay, có không ít bảng từ đang được dùng lượng giá âm lời nói cho trẻ em người Việt nói tiếng Việt ở trong và ngoài nước. Nhìn chung có thể dựa theo nội dung đánh giá và số lượng mẫu dùng cho đánh giá, để xếp thành 2 nhóm như sau.

3.1. Những bảng từ sử dụng một mẫu cho một âm cần đánh giá

  1. a) Bảng từ của Cheng L.L. (1991), gồm 34 từ: ép, ba (s)([4]), to, thu (d), tre, đu, cha, ca (đg), học, gan (d), ma, nó, nhà, nga (thiên nga), lông, phá (đg), voi, xa, dê, già, sao, ruồi, khỉ, lá, hoa, tai, đi, lê (d), nghe, khô, thư, mơ (đg), sân, bắp.
  2. b) Bảng từ của Hwa-Froelich, Hodson & Edwards (2002) gồm 37 từ: ba (s), canh (d), chi (đ), dê, đeo, ghe, ga (nhà ga), giây, heo, khăn, lên, ma, năm, nho, ngon, nghe, pha (đg), qua, rau, sông, tôi, thôi, trên, vô, xem; tăm, cân (đg), đem, đêm, va-li, cho, tô, sơn (đg), thu, sư, li.
  3. c) Bảng từ của Charlotte A. Ducote ([5]) gồm 31 mục từ: bò, đi, phở, gà, kéo, khỉ, chìa khóa, trâu, hoa, lược, pin, răng, dao, giường, tai, thỏ, sách, sao, sáu, xoài, xé, xe đạp, nhà, nghe, mèo, mồm, mặt, nón, năm.
  4. d) Bảng từ của Giang Phạm (2009), có 20 mục từ (15 từ đơn tiết)([6]): voi, mũi, thỏ, phở, ghế, ma, con nhện, giường, bướm, ruồi, núi, trái tim, kiến, xe lửa, đồng hồ, quạt, con ngựa, chụp, khóc, sá

Các bảng từ trên đều có số lượng dưới 40 mục từ, hầu hết 1 mẫu cho 1 phụ âm. Dùng 1 mẫu gọn nhưng sẽ dễ bỏ sót ảnh hưởng của chu cảnh với âm được xét, chẳng hạn /h-/ trước /-u9-/ sẽ không như trước /A/. Thêm vào đó, ở những danh sách này, có nhiều âm không thấy mẫu để đánh giá. Chẳng hạn, không có /3/, /-u9-/, /E(, (, i͜e, µ͜F/, /-u9, -k, -t, -m, -kJ, kᵖ, -NJ/; hầu như không có các khuôn vần “au”, “ay”, và cũng không có mẫu cho /w-/, /-n, -t/ với trẻ phát âm theo PNN (x. Cheng L.L.). Hoặc gộp /s/ và /§/ làm 1 (Giang Phạm), sẽ khó khăn trước thực tế cư dân PNT, PNN phát âm phân biệt 2 âm này. Sự phân bố mẫu cho các âm thiếu đồng đều, vd: phần lớn chỉ có 1 mẫu/1 phụ âm; nhưng với /m-, s, §/ lại có tới 3 mẫu (x. Charlotte A. Ducote). Các kiểu loại hình âm tiết cũng chưa được chú ý, vd: âm tiết khép quá ít chỉ 2-3 mẫu, thậm chí không có mẫu nào (x. Hwa-Froelich, Hodson & Edwards); hoặc kiểu âm tiết gồm “âm chính + âm cuối và thanh điệu” hầu như không có (trừ Cheng có 1 trường hợp, từ ép),…

Ngoài ra, mục đích lượng giá ngữ âm trong chẩn đoán sàng lọc và can thiệp trị liệu hình như chưa được quan tâm thể hiện qua thứ tự các từ trong bảng từ. Các bảng từ đều có không ít trường hợp khó minh họa, vd: mơ, chi (gì), ngon,…; nhiều từ địa phương, vd: vô, heo, chi (gì),…

3.2. Những bảng từ sử dụng nhiều mẫu cho một âm cần đánh giá

  1. a) Bảng từ của Melanie West (2000), Trung tâm Dịch vụ Y tế Cộng đồng Adelaide, Australia, gồm 50 từ: bánh, banh (d), súp*([7]), cá, đọc*, kem, chó, chuối, sách*, đi, đu, giầy, dao, gà, ghế, heo, hai, khỉ, khóc, li, lưỡi, mèo, năm*, má/mẹ, nước, nón, ăn*, ngủ, ngựa, uống*, nhà, nhảy, lạnh*, phòng, phô mai, răng, ra, sữa, sách, tay, tôi, một*, thỏ, thử (d), trứng, trà, vẽ, vàng (t), xe, xuống.

Từ danh sách 50 từ của Melanie West (2000), Tarsh Cameron và Carley Watt (2006) bổ sung, hiệu chỉnh thành danh sách gồm 91 từ ngữ; hầu hết phụ âm đều có 3 mẫu để kiểm tra.

  1. b) Bảng từ của Khoa GDĐB, ĐHSPHN([8]), gồm 247 từ ngữ (chỉ có 3 từ đơn tiết).
  2. c) Bảng từ của Tang & Barlow (2006) gồm 84 mẫu (55 từ đơn tiết, 29 từ phức và cụm từ) dùng cho PNN.
  3. d) Bảng từ của Trương Thị Tuyết & Lilian van Erkel (2009); Hoàng An & Kim Sanders (2010) gồm 96 mục từ (94 từ đơn)([9]).

Do số lượng mục từ nhiều, và do chủ ý, các bảng từ này đều có 2 mẫu/âm trở lên, thậm chí có 4-8 mẫu/âm (GDĐB, ĐHSPHN). Tuy nhiên, các bảng từ vẫn chưa cho phép người đánh giá có thể kiểm tra đầy đủ các yếu tố thuộc về cấu tạo âm tiết; vì  không có /w-/, /-u9-/, /-kᵖ, -NÉ/; hoặc gạt bỏ nguyên âm đơn, thanh điệu; hoặc gộp /s/ và /§/; /z-/ và /j-/ làm một (Melanie West 2000, Tarsh Cameron và Carley Watt 2006; Trương Thị Tuyết & Lilian van Erkel 2009); hầu hết không có mẫu cho kiểm tra phát âm /-n, -t/ của trẻ vùng PNN.

Bên cạnh đó, có những trường hợp chưa phù hợp với tính cố định về vị trí của các âm vị tạo thành âm tiết cũng như các đặc điểm cấu tạo âm tiết tiếng Việt; vì đã xem /-kJ/ trong sách, /-NJ/ trong lạnh với /c-/ trong chó, chuối; /ø-/ trong nhà, nhảy là một; gộp chung các phụ âm cuối /-n, -t, -k, -N/ với các phụ âm đầu /n-, t-, k-, N-/ làm một để đánh giá (x. Melanie West 2000). Hoặc chưa hợp lí khi xem âm chính của anh là nguyên âm /A/; dùng hoa, khuy, khuya để kiểm tra các nguyên âm làm âm cuối; xem “nguyên âm làm âm đầu, âm chính và âm cuối” (Hoàng An & Kim Sanders 2010),… Ngoài ra, việc phân bố mẫu cho các âm cần kiểm tra còn chênh lệch quá nhiều, vd: 21 mẫu cho /-u9, -i9/, so với 27 mẫu cho 24 phụ âm đầu,… (Hoàng An & Kim Sanders 2010). Nhiều mẫu cùng chu cảnh nên chưa có tác dụng khu biệt cần có trong lượng giá, vd: dưa, dứa cho /z/; đèn, đen cho /d-/; hát, ca hát cho /h-/; lưỡi, lửa, lược cho /l-/; bỏng, bóng cho /b/; gà, ga cho /Ä/, v.v.. Có một số từ ngữ khó minh họa, vd: điệu múa, rõ ràng, đồ rởm, vôi vữa,… Các bảng từ đều khá “cồng kềnh” (do trùng lặp chu cảnh, nhiều từ đa tiết, cụm từ; nhiều từ địa phương,…) gây khó khăn cho việc đánh giá.

  1. Đề xuất một bảng từ dùng lượng giá cho trẻ mầm non tại TPHCM

Tuân thủ các yêu cầu đã nêu ở mục 2, chúng tôi xây dựng bảng từ([10]). Khi lựa chọn mẫu, luôn chú ý nguyên tắc: âm được đánh giá phải có ít nhất 2 mẫu, phải xuất hiện trong các thế phân bố khác nhau. Chẳng hạn để lượng giá phát âm phụ âm đầu /n-/, phải có ít nhất 2 mẫu, trong đó 1 trường hợp kết hợp với nguyên âm hàng trước, trường hợp còn lại phải chọn mẫu kết hợp với nguyên âm hàng sau, vd: nệm, nơ,… Hướng tới mục đích tạo một công cụ tiện ích cho đánh giá chẩn đoán sàng lọc cũng như đánh giá hỗ trợ can thiệp trị liệu, trật tự từ trong danh sách sẽ được sắp xếp một cách có chủ ý. Đó là kết hợp giữa cấu trúc âm đoạn với vị trí cấu âm, phương thức phát âm. Lấy phụ âm đầu làm điểm xuất phát, sắp xếp theo vị trí cấu âm (môi à đầu lưỡi à mặt lưỡi à gốc lưỡi…). Nếu cùng một vị trí cấu âm, thì sẽ xét theo phương thức phát âm (tắc à xát); phần phụ âm đầu kết hợp với nguyên âm: xếp nguyên âm hàng trước à nguyên âm hàng sau, vd: mía à mũi, huệ à hộp. Nếu mẫu có nguyên âm cùng hàng, cùng độ nâng lưỡi, độ mở miệng thì sẽ căn cứ vào hình dáng khuôn môi (không tròn môi à tròn môi), vd: nghe à ngựa à ngồi (hàng trước à hàng sau (không tròn môi à tròn môi); v.v.. Cũng xin mở ngoặc nói thêm: do mục đích đánh giá âm lời nói, nên những trường hợp mà người bản ngữ không dễ nhận thấy sự khác biệt (mặc dù đã được ghi nhận trên phương diện chính tả), sẽ không tách thành những âm vị riêng, chẳng hạn /Ä-/ trong ghế, gấc,…sẽ không tách thành /Ä-/ (gấc) và /ÄJ-/ (ghế).

Ngoài ra, ở những trường hợp biến thể do ảnh hưởng phương ngữ cũng sẽ được sẽ tính toán sao cho có sự “đắp đổi” để mỗi âm đều có 2 mẫu để đánh giá. Chẳng hạn, với trẻ em vùng PNN, âm /e/ trong các khuôn vần -ên, -êt, -ênh, -êch, thường bị biến âm thành /F, Fá/ (ơn, ơt, ân, ât), trong khi cần mẫu chứa những vần này để đánh giá việc phát âm /-n, –t, –NJ, –kJ/ (với trẻ PNN) thì sẽ phải bù bằng mẫu không thuộc các chu cảnh trên, để đảm bảo số lượng tối thiểu là 2 mẫu.    

Sau đây là danh sách 56 từ đơn tiết: bếp, bánh, bò, mía, mũi, phim, phơi, vịt, voi, tiền, tay, thịt, thuốc, thùng, đinh, đầu, nệm, nơ, xe, xúc, dép, dây, giẻ, giặt, lịch, lưng, loa, tre, trống, sen, sách, sao, rết, rùa, răng, chim, chữ, nhím, nhện, nhà, kem, cười, quét, quần, nghe, ngựa, ngồi, khểnh, khóc, ghế, gấc, ếch, ốc, ong, huệ, hộp.

Có thể nói rằng danh sách trên bao chứa đủ các yêu cầu cần và đủ mà chúng tôi đã trình bày ở mục 2. Tuy nhiên, muốn biết các từ trên cùng hình ảnh minh họa có thực sự “kích thích” trẻ nói để có cứ liệu xác thực cho việc đánh giá hay không, mức độ như thế nào, thì cần có những bước tiếp theo. Trong đó có một bước quan trọng là thử nghiệm bảng từ. Chọn TPHCM để thử nghiệm bảng từ được thiết kế, chúng tôi xuất phát từ lí do đây là địa bàn có số lượng dân cư đông nhất, nhiều dân tộc sinh sống nhất, và cũng là địa phương có số người từ các vùng phương ngữ, thổ ngữ trong cả nước đến lập nghiệp nhiều nhất so với các tỉnh thành còn lại([11]). Nếu thử nghiệm ở TPHCM hứa hẹn sẽ có được những cứ liệu có thể phản ánh được âm lời nói của trẻ em ở nhiều vùng miền trong cả nước. Từ đó có thể tiến tới thiết kế một bảng từ chuẩn hóa cho việc đánh giá âm lời nói của trẻ em Việt Nam. Song, những nội dung này hiện còn vượt quá phạm vi của bài viết, nên chúng tôi sẽ bàn đến trong một bài viết khác ở một dịp khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cheng, L. L. (1991). Assessing Asian Language Performance, (2nd ed.). Oceanside, CA: Academic Communication Associates.
  2. Dodd B., Hua Z., Crosbie S., Holm A., Ozanne A. (2002). Diagnostic evaluation of articulation and phonology (DEAP), TX: Harcourt, San Antonio.
  3. Đoàn Thiện Thuật (2000). Ngữ âm tiếng Việt. NXB ĐHQG Hà Nội.
  4. Elliott, Raymond A. (1997). On the teaching and acquisition of pronunciation within a communicative approach. Hispania, 80 (1), pp. 95-108.
  5. Hoàng An & Kim Sanders (2010). Công cụ đánh giá ngôn ngữ nói cho trẻ nói tiếng Việt, Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường ĐHSP. TP.HCM.
  6. Hoàng Thị Châu (2009). Phương ngữ học tiếng Việt. NXB ĐHQG Hà Nội.
  7. Hodson B. W. (2004). Hodson assessment of phonological patterns (3rd ed.), TX: Pro-Ed, Austin.
  8. Hwa-Froelich, D. A., Hodson, B. H., & Edwards, H. T. (2002). “Vietnamese phonology: A tutorial”, American Journal of Speech-Language Pathology, 11, 264-273.
  9. Fluharty N. B. (2000). Fluharty 2: Fluharty preschool speech and language screening test, TX: Pro-Ed, Austin.
  10. Kenneth G. Shipley, Ph.D., Julie G. McAfee, M.A., (2009), Assessment in Speech-Language Pathology, Delmar Cengage Learning, USA.
  11. Nguyễn Thị Ly Kha (2011) “Nội dung đánh giá khả năng phát âm âm tiết của trẻ mẫu giáo”, Ngôn ngữ (9), tr.6-17.
  12. Nguyễn Thị Ly Kha, Phạm Hải Lê (2014). “Lỗi phát âm âm tiết thường gặp ở trẻ 2 – 4 tuổi (tại Tp. Hồ Chí Minh)”, Tạp chí Khoa học, (4), ĐHSP.TPHCM, tr.9-21.
  13. Otto Beverly (2008). Literacy development in early childhood, Developing laguage in early childhood, Northeast Illinois University, 2008.
  14. Secord W. A. (1981). “Test of minimal articulation competence”, Psychological Corporation, San Antonio.
  15. Sharynne McLeod (2011), Vietnamese Articulation, Phonology, and Phonological Awareness Assessments, ĐHYK Phạm Ngọc Thạch TPHCM.
  16. Stevens, N., and Isles, D. (2007), Phonological screening assessment. U.K.: Speechmark, Bicester, Oxon.
  17. Tang, G. & Barlow, J. (2006). “Characteristics of the sound systems of monolingual Vietnamese-speaking children with phonological impairment”, Clinical Linguistics & Phonetics, August; 20(6): 423-445.
  18. Trương Thị Tuyết & Lilian van Erkel (2009). Speech test Document. Lecture National College of Edcation, faculty of Special Education, and Speech and Language Therapist Volunteer VSO.
  19. Vương Hữu Lễ, Hoàng Dũng (1993). Ngữ âm tiếng Việt hiện đại, NXB ĐHSP HN.

PHỤ LỤC:

Bảng từ của Tang & Barlow (2006)

chuột, vải, cà phê, phơi đồ, vịt, cạp cạp, cây dừa, sông, khăn, gỗ, sầu riêng, trái tim, đỏ, thầy giáo, hoa, heo, coi phim, ngủ, nút áo, thịt, mít, cuốn sách, nhẫn, phật, chuối, suy nghĩ, gương, chìa khóa, lớp, phấn, giường, bắp, lê, gấu, nhìn, nam, sửa xe, xe đạp, trắng, đen, ngồi, bếp, bông hồng, ruồi, nho, quỳ, chơi, chọn, vàng, mèo, quần, hàng, rắn, gõ cửa, nước trà, thư, giấy, con voi, nhỏ, bàn ghế, ngậm xương, mây, xe mô tô, gia đình, khỉ, tặng quà, người lớn, quẳng rác, vẽ, ngựa, đu đủ, xoài, khát, lầu, mặt trời, cầu thang, chôm chôm, thác, nữ, coi ti vi, lỗ tai, quạt, khám bác sĩ, râu.

Bảng từ của Cameron & Watt  (2006)

đạp, súp, bếp; bàn, búa, búp; tay, tai, tiền; mắt, bút, buýt; thỏ, thịt, thuyền; đèn, đỏ, đen; mèo, mũ, mặt trời; tắm, kiếm, cam; nước, nâu, nước đá; kèn, đèn; dù, dao, diều; kem, kéo, kiến; khóc; pháo, phòng tắm, phim; vịt, voi, vàng; sao, xe, xe lửa; lược, lửa, lưỡi; ngựa, ngón tay, ngủ; miệng, phòng, đường; nhà, nhện, nhảy; giày, gián, gia đình; chó, chuối, chìa khóa; trăng, trời, trà; khỉ, khói, khay; ghế tựa, gà, gấu; rắn, ráo, rượu vang; hề, hát, ca hát, hành; quạt, quả banh, quà; súp, thỏ, tắm, phô mai, miệng, răng, hình ảnh, hành, heo, sách, thử (d), trứng, quần, quét.

([1]) Nguyễn Thị Ly Kha, Phạm Hải Lê (2014).

([2]) Chúng tôi không chọn giải pháp đảm nhận vị trí âm đầu còn có phụ âm tắc thanh hầu /?/. Bởi lẽ “bản chất âm tắc thanh hầu vốn yếu, trong một số điều kiện nào đó, không dễ được người bản ngữ nhận thức”. Do đó ở những trường hợp như én, ăn, uống, sẽ xem là không có âm đầu. (x. Vương Hữu Lễ & Hoàng Dũng 1993).

([3]) Nếu chỉ 1 mẫu cho một âm cần đánh giá thì khó có thể cung cấp cứ liệu giúp người đánh giá có được một góc nhìn cần và đủ. Do 1 âm có thể xuất hiện trong nhiều chu cảnh, mỗi chu cảnh sẽ ảnh hưởng không như nhau tới âm được xét. Tuy nhiên nếu nhiều mẫu, sẽ gây lãng phí. Thêm vào đó, đối tượng chẩn đoán sàng lọc là trẻ mầm non, khả năng tập trung chú ý không cao, nhiều mẫu khiến trẻ không hợp tác,…

([4]) Để người đọc dễ hình dung trước một vài trường hợp gây đồng âm, chúng tôi thêm chú thích từ loại (d: danh từ, đ: đại từ, đg: động từ, t: tính từ, s: số từ).

([5]) Trật tự trong các danh sách được sao chép y nguyên từ bản gốc. Các bảng từ của West (2000), Cameron và Carley Watt (2006), Charlotte A. Ducote, Giang Phạm được dẫn lại từ Sharynne McLeod (2011).

([6]) Chi dùng cho phân tích phụ âm đầu, phụ âm cuối và thanh điệu.

([7]) Các trường hợp có đánh dấu * được dùng để kiểm tra âm cuối (chú thích * của chúng tôi).

([8]) Tư liệu cá nhân.

([9]) Hoàng An & Kim Sanders cho biết bảng từ của họ “là sự phát triển bảng từ của Trương Thị Tuyết, Lilian van Erkel”. Các tác giả chia âm tiết thành 5 phần “phụ âm đầu, phụ âm cuối, nguyên âm đầu, nguyên âm giữa, nguyên âm cuối”, “chỉ thay một vài từ cho phù hợp với trẻ em ở miền Nam để đánh giá”.

([10]) Bảng từ này có sự góp ý của các CNVLTL&PHCN, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM và các học viên lớp Âm ngữ trị liệu 1, ĐHYK Phạm Ngọc Thạch TPHCM, nhân đây, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

([11]) Theo thống kê của Tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 01 tháng 4 năm 2009, toàn TPHCM có đủ 54 thành phần dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống. Trong đó, nhiều nhất là người Kinh với 6.699.124 người. (Kết quả toàn bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009, Tổng Cục Thống kê Việt Nam, phần 1).

Nguồn: Nhận biết, chẩn đoán và can thiệp các rối loạn chuyên biệt học tập ở học sinh. NXB. ĐHQG.TPHCM 2014, tr.270-279.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan