Trải nghiệm của nhân viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trong việc đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật giao tiếp và nuốt tại tỉnh Tây Ninh

Nhóm tác giả nghiên cứu: Học viên Lương Thị Cẩm Vân, Lớp Thạc sĩ Kỹ thuật Phục Hồi Chức Năng chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu , ĐH Y Dược Tp. HCM, thuộc Dự án Phát triển đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) với nguồn tài trợ từ tổ chức USAID thông qua Tổ chức VietHealth.

Người hướng dẫn khoa học:  Tiến sĩ Phạm Diệp Thùy Dương – Đại học Y Dược Hồ Chí Minh, Việt Nam; Giáo sư Lindy Mc-Allister – Đại Học Sydney, Australia; Tiến Sĩ Marie Atherton- Đại Học Công Giáo, Úc.

Giới thiệu:

Cùng với Vật lý trị liệu (VLTL) và Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) là một trong ba chuyên ngành chính của Phục hồi chức năng (PHCN). Đây là lĩnh vực tương đối mới phát triển ở Việt Nam tập trung giải quyết các vấn đề về giao tiếp và nuốt cho người bệnh. Theo số liệu của Trinh Foundation Australia vào năm 2016 [1], Việt Nam ước tính có khoảng 13 triệu người khuyết tật (NKT) giao tiếp và nuốt trong cộng đồng. Tuy nhiên nguồn nhân lực có chuyên môn về NNTL để đáp ứng được nhu cầu can thiệp của tất cả những NKT này còn rất hạn chế. Nghiên cứu của Lang vào năm 2011 [2], đã nhận ra vai trò quan trọng của nhân viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) vì họ là những người đầu tiên tiếp xúc và trực tiếp tham gia triển khai chương trình PHCNDVCĐ cho NKT tại cộng đồng. Nhưng trên thưc tế, chương trình PHCNDVCĐ vẫn đang chủ yếu tập trung vào lĩnh vực VLTL và dịch vụ dạy nghề, chưa có tiện ích nào cho lĩnh vực NNTL được ghi nhận [3]. Ngoài ra, sự tiếp cận của người dân còn nhiều rào cản như chi phí dịch vụ cao, khoảng cách xa xôi, và việc thiếu tập huấn cho nhân viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng về NNTL [4], [5].

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực PHCNDVCĐ có kiến thức và kỹ năng về NNTL là rất quan trọng để xây dựng kế hoạch và phát triển các dịch vụ có liên quan, có tính đáp ứng và bền vững theo bối cảnh Việt Nam.

Mục tiêu:

Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm hiểu về sự sẵn sàng, trải nghiệm của nhân viên PHCNDVCĐ khi làm việc với người khuyết tật giao tiếp và nuốt tại Tỉnh Tây Ninh và xác định nhu cầu cần đào tạo và hỗ trợ trong lĩnh vực của nhân viên PHCNDVCĐ khi làm việc với những người có khuyết tật về giao tiếp và nuốt ở tỉnh Tây Ninh.

Phương pháp:

Thiết kế nghiên cứu dựa trên cách tiếp cận của nghiên cứu mô tả định tính [6]. Sáu người tham gia là các nhân viên PHCNDVCĐ ở tuyến Xã và Ấp tại Tỉnh Tây Ninh mà đã có kinh nghiệm làm việc với người khuyết tật nuốt và giao tiếp  đã được tuyển chọn có chủ đích theo kĩ thuật lấy mẫu ma trận từ số người đồng ý tham gia vào nghiên cứu. Chúng tôi thực hiện phỏng vấn bán cấu trúc giữa nhà nghiên cứu và 1 nhân viên  PHCNDVCĐ. Phương pháp này được thực hiện trong thời gian ngắn (từ 45-60 phút) nhưng vẫn thu được thông tin phong phú từ người tham gia [7], [8]. Sau đó, chúng tôi sẽ dùng phương pháp phân tích nội dung định tính qui nạp để phân tích dữ liệu thu được [9].

Kết quả:

Người tham gia chưa sẵn sàng để tiếp cận với NKT giao tiếp và nuốt tại cộng đồng do người tham gia chưa được đào tạo về NNTL một cách chuyên sâu cũng như bản thân họ phải kiêm nhiều công việc tại cơ sở chứ không riêng chương trình PHCNDVCĐ. Do đó, cách tiếp cận can thiệp chủ yếu chỉ là đưa ra lời khuyên, hoặc tập trung can thiệp VLTL cho những NKT này.

Người tham gia nhận thấy NKT gặp nhiều rào cản để tiếp cận với các dịch vụ NNTL ở địa phương như: cơ sở vật chất y tế và kiến thức của nhân viên y tế chưa đầy đủ, khoảng cách địa lý lớn, kinh tế gia đình NKT còn khó khăn. Do đó, NKT không thể duy trì việc can thiệp, dẫn đến kết quả điều trị kém và có tâm lý bỏ cuộc.

Người tham gia rất đồng cảm với hoàn cảnh của NKT, nhưng do chưa có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực NNTL, chính sách hỗ trợ và lương thấp, nhân lực khan hiếm tại cơ sở dẫn đến việc họ cảm thấy quá nhiều khó khăn, tự ti và thiếu động lực khi tiếp cận với NKT này.

Tuy nhiên, tất cả người tham gia đều có nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức về NNTL để tiếp cận NKTGTVN ở cộng đồng tốt hơn. Đa số đều mong muốn được đào tạo về nội dung rối loạn nuốt, trong thời gian trên 3 tháng và thực hành nhiều hơn lý thuyết. Người tham gia hi vọng được học tập tại địa phương để có thể vừa đi học, vừa đi làm mà vẫn lĩnh hội được kiến thức tốt nhất từ những chuyên gia có tay nghề cao về NNTL.

Kết luận:

Khuyết tật giao tiếp và nuốt gặp ở mọi lứa tuổi, gây ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống và cản trở sự hòa nhập xã hội. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm việc trực tiếp với NKT tại cộng đồng hiện vẫn còn hạn chế về chất lượng cũng như các tiện ích về NNTL vẫn chưa được triển khai trong chương trình PHCNDVCĐ. Vì vậy, việc phát triển đội ngũ cán bộ PHCNDVCĐ và các dịch vụ đào tạo NNTL ở tuyến cơ sở là tối cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lang R, (2011), “Community-based rehabilitation and health professional practice: developmental opportunities and challenges in the global North and South”, Disability and rehabilitation, 33 (2), 165-173
  2. Bộ Y tế (2008), “Hướng dẫn người khuyết tật và gia đình về Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng”, Hà Nội, Nhà xuất bản Y Học, 6-25.
  3. Mijnarends D, Pham D, Swaans K, Van Brakel W, et al, (2011), “Sustainability criteria for CBR programmes–two case studies of provincial programmes in Vietnam”, Disability, CBR & Inclusive Development, 22 (2), pp. 3-21.
  4. Yeap C E, Ibrahim H, Vandort S, Ahmad K, et al, (2016), “CBR Workers’ Training Needs for People with Communication Disability”, Disability, CBR & Inclusive Development, 27 (4), pp. 37-54.
  5. Sandelowski M, (2000), “Whatever happened to qualitative description?”, Research in nursing & health, 23 (4), pp. 334-340.
  6. Lyons R, McAllister L, (2019), “Methods in qualitative research in communication disorders”, Qualitative research in communication disorders: An introduction for students and clinicians, pp. 237-263.
  7. Minichiello V, Aroni R, Hays T N, (2008), In-depth interviewing: Principles, techniques, analysis, Pearson Education Australia.
  8. Elo S, Kyngäs H, (2008), “The qualitative content analysis process”, Journal of advanced nursing, 62 (1), pp. 107-115.
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan