Tính giá trị và tin cậy của thang đo Nỗi sợ bị đánh giá tiêu cực phiên bản rút gọn (BFNE) ở người lớn Việt Nam nói lắp

Nhóm nghiên cứu: Bs. Trương Thị Quỳnh Ngân, PGS. TS. Thái Thanh Trúc, TS. Laura Hoffman, GS. TS. Sally Hetwat, TS. Rachael Unicomb

Đặt vấn đề: Nói lắp là một rối loạn lời nói được đặt trưng bởi sự lặp lại hoặc thời gian ngưng lại bất thường khi nói. Tác động của nói lắp không chỉ dừng lại ở các hành vi có thể quan sát được mà còn liên quan đến các trải nghiệm tiêu cực về cảm xúc, hành vi và nhận thức làm hạn chế việc giao tiếp của người nói. Thang đo nỗi sợ đánh giá tiêu cực phiên bản rút gọn được chứng minh là công cụ sàng lọc tâm lý phù hợp để xác định chứng lo âu ở người lớn nói lắp trên lâm sàng. Công cụ này cũng đã được chứng minh có tính tin cậy và giá trị, chuyển ngữ sàng nhiều ngôn ngữ. Ở Việt Nam chưa có công cụ nào được phát triển hoặc chuyển ngữ và xác thực tính phù hợp để sử dụng trong đánh giá các đặc điểm lo âu xã hội ở người nói lắp. Nghiên cứu này chuyển ngữ và xác thực tính phù hợp của thang đo nỗi sợ đánh giá tiêu cực phiên bản rút gọn sử dụng cho người lớn Việt Nam mắc chứng nói lắp.

Mục tiêu: 1. Đánh giá tính tin cậy nội bộ và tính tin cậy lặp lại của thang đo BFNE tiếng Việt sử dụng cho người lớn nói lắp Việt Nam. 2. Đánh giá tính giá trị nội dung và tính giá trị cấu trúc của thang đo BFNE tiếng Việt khi sử dụng cho người lớn nói lắp Việt Nam

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1: phiên dịch thang đo sử dụng hướng dẫn phiên dịch và thích ứng công cụ chuẩn của Tổ chức y tế thế giới: dịch xuôi, dịch ngược, tham khảo ý kiến hội đồng chuyên môn. Hội đồng chuyên môn gồm 3 nhà ngôn ngữ trị liệu Quốc tế và 2 nhà ngôn ngữ trị liệu Việt Nam. Tính giá trị nội dung được xác định dựa vào sự đồng thuận của hội đồng chuyên môn sử dụng chỉ số giá trị nội dung theo câu (I-CVI) và chỉ số giá trị nội dung theo thang đo tính theo phương pháp sự đồng thuận (S-CVI/UA) và chỉ số giá trị nội dung theo thang đo tính theo phương pháp lấy trung bình của các I-CVI (S-CVI/Ave). Giai đoạn 2: thực hiện nghiên cứu sơ bộ công cụ được dịch sang tiếng Việt trên mẫu gồm 34 đối tượng là người lớn Việt Nam mắc chứng nói lắp từ tháng 02/2021 – 06/2021 sử dụng kỹ thuật chọn mẫu thuận tiện và chọn mẫu hòn tuyết lăn, đánh giá tính tin cậy nhất quán nội bộ sử dụng hệ số Alpha Cronbach, tính giá trị cấu trúc của thang đo sử dụng phân tích nhân tố khám phá (CFA). Khảo sát lần 2 được thực hiện sau 3 tuần để đánh giá tính tin cậy lặp lại của thang đo sử dụng hệ số tương quan nội bộ nhóm (ICC).

Kết quả: Phiên bản tiếng Việt cuối cùng của thang đo BFNE tương đồng với phiên bản tiếng Anh gốc khi được đánh giá bởi hội đồng chuyên môn. Hệ số Alpha Cronbach chung của thang đo là 0,80 thể hiện tính tin cậy nội bộ của thang đo ở mức tốt. Hệ số tương quan nội bộ nhóm (ICC) của thang đo đạt 0,83 (KTC 95% = 0,61 – 0,92, p <0,001) thể hiện tính tin cậy lặp lại ở mức tốt. Chỉ số giá trị nội dung theo câu (I-CVI) của 12 câu là 1,00 khi đánh giá ở hai khía cạnh mức độ liên quan và mức độ rõ ràng cùng với chỉ số giá trị nội dung theo thang đo tính theo cả hai phương pháp đồng thuận chung (S-CVI/UA) và trung bình (S-CVI/Ave) đều là 1,00 cho thấy thang đo đạt được được tính giá trị nội dung phù hợp khi được đánh giá bởi hội đồng chuyên môn. Phân tích nhân tố khám phá thắt lưng lv (CFA) cho thấy thang đo có tính giá trị cấu trúc chấp nhận được.

Kết luận: Thang đo BFNE tiếng Việt có tính tin cậy nội bộ tốt, tính tin cậy lặp lại tốt, tính giá trị nội dụng phù hợp, tính giá trị cấu trúc chấp nhận được khi sử dụng cho người lớn nói Lắp Việt Nam.

Ghi chú: Nghiên cứu là đề tài luận văn tốt nghiệp Ths. Kỹ thuật PHCN chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu tại ĐH YD Tp. HCM của Bs. Trương Thị Quỳnh Ngân.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan