Thính lực là gì?

Con người phát triển ngôn ngữ bằng cách nghe và thính giác chính là cơ sở để xây dựng kĩ năng cảm xúc – xã hội, kĩ năng nhận thức và sau đó là khả năng đọc hiểu và các kỹ năng học tập.

Ngày nay, sự tiến bộ của khoa học công nghệ, vật lý học, âm thanh học, quang học… đã giúp thầy thuốc hiểu biết một cách thấu đáo về đường dẫn truyền thính giác, giúp công tác kiểm tra và chẩn đoán các bệnh liên quan đến thính lực một cách hữu hiệu.

1. Thính lực là gì?

Thính giác của người bình thường không hoàn toàn giống nhau. Chỉ số bình quân khi đo thính lực ở những thanh niên không bị bệnh tai mũi họng được chọn là chuẩn mực cho người bình thường. Vùng âm thanh nghe được của tai người nằm trong dải từ 16 – 20.000 Hz (Hertz), mỗi tần số có ngưỡng nghe tối thiểu và tối đa. So sánh với thính giác của một số loài vật thì thính giác người còn thua kém, ví dụ: dơi, chuột, mèo… sẽ nghe được tần số 60.000 Hz, có loài dơi còn nghe được 100.000 Hz.

Tiếng nói con người nằm trong vùng nhạy cảm nhất của trường âm thanh nghe được, nằm trong khoảng tần số 250 – 4.000 Hz, độ nhạy cảm của thính lực đạt tối đa ở vùng tần số 1000 – 2000 Hz. Về cường độ, tiếng nói thông thường nằm trong khoảng 30 – 70 dB (nói nhỏ: 30 – 35 dB, nói vừa 55 dB, nói to 70 dB). Vì vậy, sự giảm sút thính lực trong vùng âm thanh của tiếng nói được nhiều người chú ý và nhận biết, tuy nhiên người ta ít quan tâm hơn đến sự giảm sút thính giác ở các vùng âm thanh khác. Các máy đo thính lực thông thường chỉ đo khả năng nghe trong khoảng tần số 125 – 8000 Hz.

Về cường độ, sự giảm sút về sức nghe lên đến 30dB mới được người bệnh cảm nhận và chú ý. Vì vậy nhiều người bị giảm sút khoảng 25 dB trở xuống không hề cảm thấy khó khăn gì trong đời sống. Một lúc nào đó, người bệnh bị “cảm, cúm”, sức nghe giảm thêm 5 dB bỗng nhiên người ta mới biết mình nghe kém. Có người hoàn toàn không nghe được âm thanh có tần số từ 8000Hz trở lên, điều đó không ảnh hưởng gì lớn lao đến cuộc sống.

Thính giác của người bình thường không hoàn toàn giống nhau (ảnh minh họa).

2. Đo thính lực là gì?

Đo thính lực là trình bày biểu đồ minh họa khả năng nghe khả dụng của một người và mức độ nghe kém ở mỗi bên tai của người đó. Các con số của biểu đồ thính lực dao động trong khoảng từ 125 đến 8000 Hz. Trong khi kiểm tra thính lực, chuyên viên sẽ mở một âm thanh với một tần số thích hợp nào đó, ở cùng một thời điểm. Âm thanh nhỏ nhất mà người ta có thể nghe được ở mỗi tần số sẽ được đánh dấu trên thính lực đồ đó cùng với cường độ, đây gọi là “ngưỡng nghe”.

3. Vì sao cần phải kiểm tra thính lực từ sớm cho trẻ em?

Kiểm tra thính lực nếu có thể nên thực hiện trước khi trẻ được 6 tháng tuổi (ảnh minh họa).

Đối với người lớn, khi có dấu hiệu giảm thính lực có thể nhanh chóng phát hiện ra. Tuy nhiên trẻ em thì không thể nhận biết điều đó. Những đứa trẻ được phát hiện giảm thính lực muộn (ví dụ khi trẻ đã được 2 – 3 tuổi) có thể phải gánh chịu những khuyết tật về thính giác vĩnh viễn, không thể sửa chữa được về khả năng phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức. Hầu hết các trường hợp mất thính lực vĩnh viễn là do sự phá hủy hoặc mất chức năng của thần kinh thính giác, không thể dẫn truyền tín hiệu âm thanh từ tai trong tới não.

Chỉ có khoảng một nửa các trường hợp mất thính lực có thể xác định được nguyên nhân, hầu hết là do mắc phải trong quá trình mang thai và sinh đẻ hoặc do các nguyên nhân có yếu tố di truyền. Do đó, kiểm tra thính lực nếu có thể nên thực hiện trước khi trẻ được 6 tháng tuổi.

Hiện nay, tại Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng có triển khai dịch vụ Đo thính lực đơn âm và đo nhĩ lượng. Đây là phương pháp khách quan, có thể sử dụng cho những trường hợp không hợp tác, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Các bước thực hiện kiểm tra thính lực với máy mới, tốt: KARNSTORCH (nhập khẩu Đức).

  • Kiểm tra máy
  • Khám tai, nếu có ráy tai cho đi lấy
  • Chọn núm tai phù hợp
  • Hướng dẫn bệnh nhân ngồi yên khi đo, không giơ tay, không nói chuyện.
  • Bật máy, đặt đầu dò vào ống tai, khi đèn màu xanh báo hiệu đầu dò đặt đúng vị trí, tiến hành đo theo cài đặt của máy. Đo từng tai một để có kết quả chính xác nhất.

Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/thinh-luc-la-gi/?link_type=related_posts 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan