Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trước tuổi đến trường (Kỳ 1)

Loạt bài gồm 3 kỳ của nhà nghiên cứu Phạm Văn Lam sẽ cung cấp một số điểm quy chiếu về tốc độ phát triển ngôn ngữ của trẻ ở một giai đoạn hết sức quan trọng, đó là giai đoạn tiền học đường từ 0-6 tuổi.

Giai đoạn 0 – 6 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất cho sự hình thành và phát triển ngôn ngữ của trẻ. Bởi lẽ, trong giai đoạn này, nếu trẻ không được tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ tự nhiên thì về sau chúng không thể hoặc rất khó có năng lực ngôn ngữ như bình thường. Sự phát triển ngôn ngữ và các kĩ năng giao tiếp của trẻ trong giai đoạn này quan trọng đối với cả việc phát triển các tế bào thần kinh lẫn việc hình thành các mối liên kết giữa các tế bào thần kinh – cái cơ sở vật chất quyết định lượng và chất ngôn ngữ và tri thức của trẻ sau này. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn trẻ tương tác ở trong môi trường gia đình nhiều nhất (trong giai đoạn này, gia đình trẻ nói bao nhiêu ngôn ngữ và nói loại ngôn ngữ nào thì trẻ có khả năng nói/ thụ đắc ngần ấy ngôn ngữ và loại ngôn ngữ một cách tự nhiên, nhanh chóng, hiệu quả và dễ dàng nhất); trẻ chuẩn bị nhiều nhất cho việc đến trường; và các bệnh liên quan đến sự phát triển ngôn ngữ và một số bệnh khác (như tự kỉ, rối loạn cảm xúc, hành vi) được bộc lộ chủ yếu ở giai đoạn này.

Số lượng và phẩm chất, cách thức vận hành ngôn ngữ của trẻ trong những năm đầu đời là một chỉ số vô cùng quan trọng, rất có giá trị đối với việc tiên lượng sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là sự phát triển về mặt trí tuệ và năng lực học hỏi, biểu đạt của trẻ về sau này. Trẻ có năng lực ngôn ngữ tốt thì khả năng bộc lộ biểu đạt ý tưởng, cảm xúc, lập luận và và xử lí vấn đề mới tốt. Năng lực ngôn ngữ tốt thì năng lực tư duy, thiết lập và duy trì các quan hệ xã hội, năng lực phát hiện, đối mặt và giải quyết vấn đề,… cũng theo đó mà được củng cố phát triển, dẫu rằng không có sự tương ứng và song hành một – một. Hơn nữa, năng lực ngôn ngữ còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc tương tác bằng hữu và học tập ở trường, bởi nó quyết định cả khả năng đọc hiểu, nghe hiểu và sản sinh lời nói cả dạng viết và nói về những tri thức được truyền thụ trong nhà trường.

Hiểu được như vậy nên việc tác động vào cơ chế phát triển, thụ đắc ngôn ngữ tự nhiên của trẻ là việc làm vô cùng quan trọng. Vì thế, bài viết này sẽ trình bày một cách khái quát theo tinh thần định tính về các giai đoạn hay mốc phát triển ngôn ngữ quan trọng của trẻ ở tuổi tiền học đường (0 – 6 tuổi). Những miêu tả ngôn ngữ ở đây là những miêu tả của sự phát triển ngôn ngữ vốn được xem là bình thường của những đứa trẻ phát triển bình thường, và chúng ta có thể coi đó là điểm quy chiếu để xem xem con mình phát triển ngôn ngữ nhanh hay chậm, phát triển bình thường hay không bình thường, có khuyết tật về trí tuệ hay không,…

Giai đoạn nằm trong bụng mẹ
Bộ não của trẻ đã được kích hoạt ngay từ những ngày cuối thai kì để làm quen với âm thanh ngôn ngữ mà trực tiếp nhất là tiếng của mẹ mình. Trong giai đoạn này, thai nhi tiếp xúc và làm quen với nhiều loại âm thanh, chẳng hạn như tiếng tim đập, tiếng chuyển động của bản thân mình, tiếng nhạc mà mẹ cho nghe, tiếng trò chuyện cưng nựng của bố,… Những âm thanh có độ cao cao, loại âm thanh đặc trưng của phụ nữ, thường là những âm thanh mà trẻ yêu thích và dễ nhận biết. Điều này giải thích tại sao ngay khi trẻ ra đời, nếu để ý kĩ, chúng ta có thể thấy trẻ có xu hướng bộc lộ những hành vi và xúc cảm dễ chịu khi được nghe tiếng của mẹ (bởi lẽ âm thanh của mẹ là âm thanh có cao độ cao hơn so với âm thanh của bố một cách tự nhiên). Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rõ rằng ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, trẻ đã có những hoạt động có tính chất ngôn ngữ đầu tiên. Khi ở vào tuần tuổi 24 – 27, thai nhi đã học được những đặc trưng âm thanh cơ bản của ngôn ngữ mẹ đẻ như là nhịp điệu, độ cao, độ dài của âm thanh. Và cho đến khi được sinh ra, trẻ đã có thể nhận biết một vài âm mà chúng đã được tiếp xúc thường xuyên, liên tục ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Chính vì thế, cho trẻ nghe nhạc hay trò chuyện với trẻ ngay từ lúc chưa sinh ra trong giai đoạn cuối thai kì là một việc mà bất kì bậc cha mẹ nào cũng nên làm.

Cho trẻ nghe nhạc hay việc trò chuyện với trẻ ngay từ lúc chưa sinh ra trong giai đoạn cuối thai kì là một việc mà bất kì bậc cha mẹ nào cũng nên làm.

Giai đoạn 0-3 tháng tuổi
Ngay từ lúc sinh ra, trẻ đã có thể phát ra những âm thanh nho nhỏ, mặc dù năng lực thính giác chưa có biểu hiện rõ ràng. Đến tháng thứ hai, trẻ đã có thể bắt đầu phát ra những tiếng ọ ẹ, hay tạo ra những tiếng kêu khe khẽ thích thú. Tuy nhiên, những âm thanh này, khác với tiếng khóc, có tính ngẫu nhiên cao, không có sự liên hệ một đối một giữa âm thanh và ý định cần truyền đạt. Cũng ở tháng thứ hai, trẻ đã có thể hướng đầu tới phía nguồn phát ra âm thanh, bắt đầu chú ý đến những âm thanh quen thuộc, bắt đầu biết lắng nghe tiếng trò chuyện quanh mình, và cũng biết phản ứng lại các âm thanh to và lạ bằng cách giật mình. Sự tập trung chú ý về mặt thính giác của trẻ ở giai đoạn này dường như chủ yếu dành cho việc tiếp nhận tín hiệu âm thanh nói chung. Ở tháng thứ hai, thứ ba trẻ đã có thể bắt đầu cười ra tiếng khi tiếp xúc với cha mẹ và người thân. Tiếng cười, tiếng cưng nựng vỗ về của mẹ là những âm thanh mà trẻ thấy dễ chịu nhất. Trẻ cũng sẽ đáp lại những âm thanh này bằng những những nụ cười ra tiếng hay chỉ là một sự nhoẻn miệng nhẹ nhàng.

Những âm thanh có độ cao cao, người nói có giọng cao (chúng ta hay gọi là những tiếng hay những âm thanh the thé, chói tai như tiếng mâm bát, tiếng kẹt cửa) sẽ là những âm thanh dễ khiến trẻ chú ý và giật mình. Ở thời kì này, dường như trẻ nhạy cảm với cao độ hơn là cường độ và trường độ của âm thanh. Trẻ dễ dàng phản ứng lại các âm thanh bằng cách yên lặng lắng nghe hay quay đầu theo dõi (với những âm thanh quen thuộc và dễ chịu), giật mình khóc thét (với những âm thanh to, gây sự khó chịu).

Cũng ở giai đoạn này trẻ đã có thể bắt đầu tiến hành các hoạt động tương tác có tính chất xã hội đầu tiên với gia đình của mình với mục đích để đáp ứng các nhu cầu có tính chất sinh học như ăn, ngủ, sự khó chịu hay thỏa mãn. Trẻ tiến hành giao tiếp bằng các phương tiện tiền ngôn ngữ vừa tự nhiên vừa ngẫu nhiên. Có thể xem tiếng khóc là hình thức giao tiếp đầu tiên của trẻ trong giai đoạn này. Người Việt đã rất có lí khi định danh thời điểm hay sự kiện ra đời của một em bé bằng cụm từ cất tiếng khóc chào đời. Khóc oe oe để được cho bú. Khóc oe oe để báo hiệu sự khó chịu hay đau đớn,… Khóc oe oe khi được mẹ lấy dử mũi,… Và cũng có thể khóc oe oe khi ngủ dậy. Các kiểu khóc có âm sắc khác nhau cho ta biết các thông tin khác nhau.

Ngay ở cuối giai đoạn này, trẻ đã có thể phân biệt một số tương tác bề ngoài tốt hay xấu với trẻ. Ví dụ bẹo má nhẹ kèm lời mắng yêu có thể làm cho trẻ khóc thét, do trẻ chưa hiểu được ý nghĩa của các hành vi đó. Nhưng dần dà về sau, trẻ đã có thể nhận ra các âm thanh có mục đích và đã có thể dần có những hành vi đơn giản để đáp ứng lại, ví dụ như trẻ có thể đái khi được xi, trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn khi nghe tiếng ru,… Ở cuối giai đoạn, trẻ đã có thể phân biệt được giọng nói của mẹ và giọng nói của người khác. Đặc biệt, với một số trẻ phát triển sớm, hỏi bố đâu, mẹ đâu là trẻ đã có thể quay người để đi tìm và có thể tìm đúng, dù không phải lần hỏi nào cũng có thể đáp ứng được.

Ở giai đoạn này, nếu như trẻ không có phản ứng với những âm thanh có cao độ cao, cường độ lớn, cha mẹ nên cho con đi khám để có thể nhận được những lời khuyên hay tư vấn hợp lí.

Giai đoạn 3-6 tháng tuổi
Bước sang tháng thứ tư, nhìn chung trẻ đã có thể tạo ra nhiều âm ê a khác nhau, biết nâng cao giọng ê a của mình một cách tự nhiên. Trẻ bắt đầu biết tập trung chú ý, quan sát tỉ mỉ cử động và hình dáng miệng của người lớn khi người lớn nói chuyện với trẻ. Ở tháng thứ năm, trẻ đã tự mình phát ra được một số âm, chủ yếu là nguyên âm, khi tiếp xúc với người hoặc vật, hoặc trong lúc chơi một mình. Bước sang tháng thứ sáu, nói chung trẻ đã biết quay đầu hướng sang phía người gọi tên mình và đã có thể phát ra và lặp đi lặp lại những âm tiết (chưa có nghĩa) đầu tiên. Nếu ở giai đoạn 0 – 3 tháng tuổi, dường như trẻ đầu tư năng lực ngôn ngữ (phát âm và nghe) của mình cho những âm, những tiếng động có tính tự nhiên thì ở giai đoạn 3 – 6 tháng tuổi, trẻ lại đầu tư năng lực nghe và phát âm các âm thanh có tính ngôn ngữ.

Đáng chú ý là tiếng khóc của trẻ ở giai đoạn này đã khác về chất so với giai đoạn trước. Nếu tiếng khóc ở giai đoạn trước gắn liền với nhu cầu sinh học, có tính bị động và ít có tính tương tác, thì tiếng khóc ở giai đoạn này đã gắn với các tương tác xã hội nhiều hơn, chủ động hơn. Trẻ có thể khóc khi không với được đồ chơi. Khóc khi không cho ăn kịp hay nhìn thấy bình sữa lúc đói. Khóc khi buồn ngủ trong lúc được bế đi chơi,… Khóc khi nhìn hay nhận ra người lạ. Đặc biệt, ở giai đoạn này khi đang khóc nếu nghe âm thanh hay tiếng động lớn trẻ có thể ngừng khóc.

Tính chủ động trong việc tạo ra các âm thanh trong giai đoạn này đã thực sự tăng lên. Tính chủ động trong việc phát ra các âm thanh của trẻ thể hiện ở hai khía cạnh là tự phát ra một vài âm riêng rẽ và đã có thể bắt chước và lặp lại theo người lớn một số âm dễ. Trẻ đã có thể chủ động tạo ra các âm thanh (như các âm được phát âm bằng gốc lưỡi, các âm họng: ừ, ừng,…) xác định khi người lớn nói chuyện cùng. Trẻ có thể tự hét lên khi chơi một mình (phát ra các âm gần đầu lưỡi, thấp, nghe như e, é,…), hoặc cũng có thể tự tạo ra tiếng ừ, ừ, ê a,… dễ chịu khi nằm chơi một mình. Những tiếng ọ ẹ hay ê a của trẻ cũng tăng lên. Khi có cha mẹ nô đùa cùng, trẻ dễ dàng tạo ra những âm thanh ríu rít để đáp lại và để thể hiện sự vui thích. Trong một lần hít thở, trẻ đã có thể tạo ra vài ba tiếng ọ ẹ, ê a, ừ ừ riêng rẽ. Trẻ có thể cười thành tiếng, lặng im để lắng nghe, hóng chuyện người lớn. Trẻ cũng có thể biểu đạt được yêu cầu và mong muốn của mình bằng cách sử dụng âm thanh và cử chỉ hay dễ dàng chủ động tạo ra những tiếng ồn to (khóc, kêu) để thu hút sự chú ý, kêu gọi cha mẹ khi có những nhu cầu và sự khó chịu. Trẻ cũng dễ dàng phát ra âm thanh để thể hiện sự thích thú hơn. Trẻ tự kêu lên khi chơi, khi tâm trạng thoải mái, đã có thể chủ động phát ra tiếng kêu như thể đang nói.

Về mặt ngôn ngữ học, các âm thanh mà trẻ phát ra trong nửa đầu giai đoạn này dường như là đồng chất trong cấu tạo, dù rằng có một số phụ âm xuất hiện kèm nguyên âm ở vị trí cuối (như ừm, ừng,…). Các âm đó chủ yếu là các nguyên âm có cấu tạo gần với cách há miệng và nhâng lưỡi một cách tự nhiên để thở và kêu khóc. Một số phụ âm gốc lưỡi hay môi như m, ng, thanh điệu/ dấu huyền xuất hiện ở giai đoạn này ở các âm như trong ừm, ừng,… có tính chất tự nhiên nhiều hơn, chứ tính chất chủ động trong việc tạo ra các âm hay thanh điệu này là hầu như không có. Thanh huyền xuất hiện cũng gần như là hệ quả của việc hạ thấp cao độ và kết thúc giọng nói một cách tự nhiên do hơi của trẻ còn yếu và ngắn. Thanh điệu và ngữ điệu xuất hiện trong giai đoạn này nhưng chúng không thực sự là những đơn vị mang nghĩa, chúng không được xem là những bộ phận của từ thực sự, cũng giống như tổng thể các âm đó khó có thể được xem là những từ thực sự trong ngôn ngữ mẹ đẻ mà trẻ đang trải nghiệm. Ở cuối giai đoạn này, về cơ bản, hầu hết các trẻ đã có thể nhận biết được các âm thanh cơ sở trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Trên đại thể, trẻ đã phát ra được các âm mà chu trình phát âm đòi hỏi sự chuyển động của các cơ quan cấu âm. Biểu hiện của sự việc này là ở chỗ trẻ đã có thể phát ra những âm tiết (dù chưa có nghĩa và chưa phải là âm thanh trong ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ) đã có các phụ âm đầu, ví dụ như ma ma, đa đa, pa pa,… Do trẻ bắt đầu “dồn lực” cho việc nghe và nói ra các âm có tính ngôn ngữ, vì vậy, không nên nhầm việc trẻ chưa thể nói được những âm đầu tiên trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình mà nghĩ rằng trẻ chưa thực sự bắt đầu học hay chiếm lĩnh ngôn ngữ để rồi lơ là việc rèn luyên kĩ năng ngôn ngữ mà cụ thể là kĩ năng nghe của trẻ.

Cuối giai đoạn này, một số trẻ đã biết chủ động nằm im để nghe lời ru và lời hát dễ chịu của bà và mẹ. Khi được gọi tên, trẻ đã có thể phản ứng bằng cách mỉm cười, im lặng lắng nghe hay nhìn ngó chung quanh. Trẻ đã bắt đầu tìm kiếm, lắng nghe các âm thanh mới lạ về nhịp điệu tiết tấu, cao độ. Trẻ đã có thể định hướng được các âm thanh hay tiếng động không nằm trong tầm mắt của mình. Cuối giai đoạn, dường như trẻ đã phân biệt được những lời nói vốn có thể kích thích sự hứng thú của trẻ (rủ đi chơi, muốn bế, cho ăn) với những âm thanh khác, đặc biệt là các âm thanh gây sự khó chịu. Trẻ đã có những âm thanh và đáp ứng riêng cho việc này. Các bé cũng đã có thể chủ động quay và hướng người sang với các âm thanh tương tác với mình, nhất là âm thanh của mẹ, của bà. Chúng đã có thể chủ động lắc đầu, ngoảnh mặt, quay đi khi nghe tiếng gọi của người lạ, khi không muốn người khác bế. Khi được hỏi bố đâu, mẹ đâu, hầu hết trẻ đã có thể dễ dàng đáp ứng câu hỏi bằng cách xoay đầu đi tìm hoặc quay đầu sang chỗ bố hay mẹ, dù không có một mối liên hệ hỏi đáp 1- 1 tất yếu và ổn định.

Ở giai đoạn này, nếu như cha mẹ không thấy trẻ phản ứng lại các tiếng động lớn, không cười khi nghe tiếng mẹ hay không cười với những người xung quanh, không nói ọ ẹ, ê a được một vài âm, không bắt chước được một số âm thanh của người lớn (đặc biệt là âm thanh của mẹ) thì cần cho con đi khám.
(Còn tiếp)

Tác giả: Phạm Văn Lam – Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Tác giả Phạm Văn Lam đã có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về ngôn ngữ học (ngữ nghĩa học, giáo dục ngôn ngữ, thụ đắc ngôn ngữ, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, trí nhớ ngữ nghĩa, mạng từ,…). Anh đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu về ngôn ngữ trẻ em, phát triển ngôn ngữ cho trẻ em,…, và đã có nhiều ấn phẩm về vấn đề này, trong đó mới nhất là bộ sách Phát triển năng lực tư duy – ngôn ngữ (dành cho học sinh tiểu học) do Nxb Giáo dục ấn hành.

Nguồn: http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Su-phat-trien-ngon-ngu-cua-tre–truoc-tuoi-den-truong-Ky-1-10259

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
2 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan