Ngành ngôn ngữ trị liệu ‘khát’ nguồn nhân lực

Lan Chi nn.lanchi@yahoo.com

Tại Việt Nam, nhu cầu về ngôn ngữ trị liệu là rất lớn, nhưng hiện có rất ít cơ sở phục hồi chức năng có thể cung cấp dịch vụ này, với số lượng chuyên viên chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tầm quan trọng của ngôn ngữ trị liệu

Trong buổi tọa đàm “Ngôn ngữ trị liệu-Cơ hội và thách thức” tại Trường ĐH Y dược TP.HCM cuối tuần qua, tiến sĩ Lê Khánh Điền, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình (TP.HCM), cho biết ngôn ngữ trị liệu đóng vai trò chính yếu trong việc điều trị rối loạn giao tiếp và rối loạn nuốt ở cả trẻ em lẫn người lớn, liên quan trực tiếp đến hai chức năng cơ bản của con người: ăn và nói.

“Tôi từng gặp một bệnh nhân đến khám vì bị rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ. Người nhà kể, bệnh nhân muốn ăn khổ qua dồn thịt, mà phải mất đến 3 ngày, người chăm sóc mới hiểu ra…”, tiến sĩ Điền kể.

Tiến sĩ Lê Khánh Điền hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân tại buổi tập huấn “Bữa ăn an toàn và thoải mái cho người khó nuốt” do khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình tổ chức  – BỆNH VIỆN AN BÌNH CUNG CẤP

Theo bác sĩ Phạm Dũng, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV), không thể nói, không thể diễn đạt được tâm tư, tình cảm của mình là thiệt thòi lớn đối với bệnh nhân. “Có những điều tưởng chừng đơn giản là vậy, nhưng để can thiệp được cho người bệnh, các trị liệu viên cần được đào tạo chính quy và có chuyên môn. Nếu thiếu vắng các chuyên viên ngôn ngữ trị liệu được đào tạo bài bản sẽ là một thiệt thòi lớn cho cộng đồng vì bệnh nhân phải chấp nhận khuyết tật mà không biết ‘gõ cửa’ ở đâu để được điều trị phù hợp”, bác sĩ Dũng nói.

Đồng quan điểm trên, bà Đỗ Thị Bích Thuận, kỹ thuật viên trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chia sẻ kinh nghiệm: “Trước đây, khi chưa được học chuyên sâu về ngôn ngữ trị liệu, tôi chỉ có thể can thiệp giúp các bệnh nhi về lăn, lật, trườn, bò… không thể hỗ trợ những trường hợp gặp vấn đề khi ăn uống vì bị rối loạn nuốt”.

Dưới 100 chuyên viên trên 100 triệu dân

Theo khảo sát của MCNV, ngoài một vài thành phố lớn, còn lại phần lớn các tỉnh hiện nay vẫn chưa thể có cơ sở y tế, đơn vị phục hồi chức năng cung cấp dịch vụ can thiệp về ngôn ngữ trị liệu vì không có nguồn nhân lực.

Thạc sĩ Lê Thanh Vân, Trưởng bộ môn phục hồi chức năng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Theo thống kê mới nhất, trên 100 triệu dân Việt Nam, ở lĩnh vực đã được phát triển lâu năm của phục hồi chức năng là vật lý trị liệu thì có khoảng 2.500 chuyên viên. Trong khi đó, hai lĩnh vực rất quan trọng là ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu thì cả nước hiện có chưa đến 100 chuyên viên được đào tạo bài bản, chính quy”.

Chẳng hạn, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với quy mô 1.000 giường chỉ có 2 chuyên viên ngôn ngữ trị liệu. Còn theo bà Trà Thanh Tâm, chuyên viên ngôn ngữ trị liệu Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện này có 7 chuyên viên nhưng không thể đáp ứng nổi nhu cầu quá lớn về ngôn ngữ trị liệu: “Danh sách chờ rất dài, bệnh nhân đăng ký thì phải khoảng 1 tháng sau mới đến lượt”, bà Tâm chia sẻ.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM chính thức đào tạo thạc sĩ ngôn ngữ trị liệu từ năm 2019 để có các giảng viên nguồn – TRƯỜNG ĐH Y DƯỢC TP.HCM

Cơ hội việc làm cho người học ngôn ngữ trị liệu

Các lĩnh vực then chốt của phục hồi chức năng là vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu hoặc hoạt động trị liệu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cả ngôn ngữ trị liệu lẫn hoạt động trị liệu mới chỉ được đào tạo bài bản từ khoảng 7 năm nay.

Hiện nay, có 3 cơ sở đào tạo về ngôn ngữ trị liệu gồm Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, với số lượng sinh viên còn khiêm tốn. Mỗi năm, chỉ có từ 50-60 sinh viên học bậc cử nhân ở lĩnh vực này tại cả 3 trường.

Theo thông tin từ buổi tọa đàm, trên cả nước đã có 14 thạc sĩ kỹ thuật phục hồi chức năng, chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu tốt nghiệp năm 2021; 20 cử nhân ngôn ngữ trị liệu khóa đầu tiên nhận bằng vào năm 2022, và sẽ có thêm 12 học viên ThS. Ngôn ngữ trị liệu tại ĐH Y Dược Tp. HCM tốt nghiệp trong năm 2023.

Các chuyên gia cho rằng cơ hội việc làm cho sinh viên theo học lĩnh vực này là rất lớn, bao gồm cả làm việc ở những bệnh viện tuyến đầu; kế đến là cơ hội phát triển nghề nghiệp. Bác sĩ Phạm Dũng lưu ý, sinh viên ngành ngôn ngữ trị liệu có nhiều thuận lợi để nghiên cứu và phát huy sự sáng tạo vì đây là lĩnh vực mới nên nhiều tổ chức phi chính phủ, cơ quan hợp tác phát triển quốc tế quan tâm hỗ trợ.

Bên cạnh đó, sinh viên ngôn ngữ trị liệu có nhiều cơ hội được hỗ trợ học phí các khóa học từ ngắn hạn đến dài hạn; hỗ trợ học các bậc cao hơn ở nước ngoài; cơ hội tham gia các hoạt động để tăng cường giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp quốc tế…, theo bác sĩ Phạm Dũng.

Ngoài khối B00 (toán, hóa học, sinh học), từ năm học 2023-2024, Trường ĐH Y Dược TP.HCM sẽ tuyển sinh thêm ban A00 (toán, vật lý, hóa học) cho ngành kỹ thuật phục hồi chức năng, với tổng chỉ tiêu 100 sinh viên. Sau năm đầu tiên học chung, từ năm thứ hai, sinh viên sẽ lựa chọn lĩnh vực chuyên sâu gồm vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu hoặc hoạt động trị liệu.

Nguồn: https://thanhnien.vn/nganh-ngon-ngu-tri-lieu-khat-nguon-nhan-luc-185230424112829801.htm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan