Mất khả năng đọc do bệnh lý mắc phải (tiếp)

Riley, E. A., Brookshire, C. E., & Kendell, D.L

Các từ viết tắt

MNN = mất ngôn ngữ

OIL = kho chính tả từ vựng đầu vào

POL = kho âm vị đầu ra

RLĐ = rối loạn đọc

SS = hệ ngữ nghĩa

Do bệnh lý mắc phải ở hệ thần kinh trung ương như đột quị hoặc chấn thương sọ não, Rối loạn đọc (RLĐ) mắc phải xảy ra sau tổn thương hệ thống đọc đã trưởng thành hoàn chỉnh và biểu hiện như là khiếm khuyết khả năng hiểu ngôn ngữ viết. Mặc dù có một vài loại RLĐ mắc phải đã được thảo luận trong y văn, RLĐ mắc phải có thể được chia thành RLĐ ngoại biên và RLĐ trung ương, trong đó mỗi loại đại diện cho khiếm khuyết ở từng giai đoạn khác nhau của tiến trình đọc. Các phân nhóm ngoại biên ảnh hưởng các giai đoạn đầu của tiến trình đọc và liên quan khó khăn tiếp nhận chữ viết. Các RLĐ ngoại biên bao gồm RLĐ đơn thuần, thờ ơ, chú ý, và thị giác (Ellis & Young, 1988). Các phân nhóm trung ương ảnh hưởng các giai đoạn sau của tiến trình đọc và liên quan khiếm khuyết trong tiến trình xử lý từ vựng hoặc dưới từ vựng (sublexical).  RLĐ trung ương bao gồm RLĐ bề mặt, sâu, và âm vị (Ellis & Young, 1988).

Các phân nhóm Rối loạn đọc Trung ương

Rối loạn đọc bề mặt

RLĐ bề mặt liên quan đến khiếm khuyết trong khâu xử lý chữ viết trong lúc đọc từ vựng, biểu hiện đặc biệt như là khiếm khuyết đọc các từ được đánh vần bất qui tắc (irregular spelled) cùng với khả năng đọc các từ thật và từ giả theo qui tắc (regular) (Marshall & Newcombe, 1973). Ví dụ, từ yacht được xem là bất qui tắc vì được phát âm là /jat/ mặc dù từ này sẽ được phát âm là /jɔtʃt/ nếu áp dụng qui tắc đánh vần thông thường; từ bike được xem là có qui tắc vì được phát âm theo qui tắc đánh vần cụ thể và có tính dự đoán (nếu từ kết thúc với e, thì nguyên âm phía trước được phát âm thành nguyên âm dài). Trong RLĐ bề mặt, người bệnh có thể đọc các từ có qui tắc như bike chính xác hơn các từ bất qui tắc như yacht. Các lỗi được tạo ra trong RLĐ bề mặt có thể chứa các lỗi thị giác (vd blank được đọc thành bank), các lỗi chuyển về qui tắc (regularization) (vd pint được đọc thành /pɪnt/), và thỉnh thoảng các lỗi trùng lắp về thị giác và ý nghĩa với mục tiêu (vd car đọc thành cab).

RLĐ bề mặt có thể được lý giải theo mô hình hai con đường như là một khiếm khuyết ở kho OIL, khiếm khuyết trong sự truy cập hệ ngữ nghĩa, hoặc khiếm khuyết trong chọn lựa ở kho POL. Nếu các lỗi chủ yếu có tính chất thị giác, các mô hình hai con đường lý giải rằng chúng xảy ra vì sự lựa chọn không phù hợp ở kho OIL, dẫn đến sự kích hoạt tiếp theo về thông tin ngữ nghĩa và âm vị các từ tương tự về thị giác (vd với từ blank, các từ tương tự về thị giác được kích hoạt thì từ sai là bank được lựa chọn thay vì mục tiêu đúng, dẫn đến sự truy cập sai về thông tin ý nghĩa và âm vị của từ bank). Nếu con đường đọc từ vựng bị khiếm khuyết, mô hình hai con đường dự đoán khả năng sử dụng con đường khác không bị khiếm khuyết. Lỗi chuyển về qui tắc có thể được lý giải theo mô hình hai con đường như là sự phụ thuộc quá mức vào con đường đọc chuyển đổi tự vị-âm vị dẫn đến khiếm khuyết trong việc chọn lựa ở kho POL (vd, nếu bệnh nhân không thể chọn hình thái âm vị đúng cho từ pint, con đường chuyển đổi tự vị – âm vị có thể được dùng để tạo ra từ, dẫn đến sự tạo ra từ theo qui tắc đánh vần – /pɪnt/). Các mô hình hai con đường lý giải lỗi sai có sự trùng lắp về cả thị giác và ngữ nghĩa với từ mục tiêu như là khiếm khuyết trong việc truy cập hệ ngữ nghĩa từ kho OIL. Trong trường hợp này, hình thái chữ viết đúng có thể được chọn tại kho OIL, nhưng lỗi chọn sai ở hệ ngữ nghĩa (vd từ car có thể được chọn trong OIL cùng với các từ liên quan về thị giác như cab cat; trong hệ thống ngữ nghĩa, các từ liên hệ về ý nghĩa sẽ được kích hoạt như cab truck; tại đây, sự lựa chọn không chính xác cho kết quả cab vì từ này được kích hoạt trước tiên ở OIL và sau đó lại được kích hoạt ở hệ ngữ nghĩa.)

Ngược lại với cách tiếp cận theo mô hình hai con đường để lý giải riêng biệt các kiểu lỗi sai khác nhau khi đọc, mô hình các mối liên kết lý giải RLĐ bề mặt như là triệu chứng chung về khiếm khuyết ngữ nghĩa chứ không riêng ở quá trình đọc. Chứng cứ cho sự lý giải này xuất phát chủ yếu từ các cá nhân biểu hiện các mẫu đọc tương ứng với RLĐ bề mặt cùng với các triệu chứng đồng mắc của sa sút trí tuệ về ngữ nghĩa, một dạng sa sút trí tuệ đi kèm với giảm trí nhớ về ngữ nghĩa (Woollams, Ralph, Plaut & Patterson, 2007). Đối với mô hình các mối liên kết, tất cả các lỗi khi đọc đi kèm RLĐ bề mặt xuất phát từ sự suy yếu trong kích hoạt ở mức xử lý ngữ nghĩa.

Rối loạn đọc sâu  

RLĐ sâu liên quan đến khiếm khuyết về xử lý chữ viết trong quá trình đọc từ vựng và không từ vựng, biểu hiện riêng biệt bởi sự suy giảm khả năng đọc các từ giả cùng với lỗi về nghĩa và thị giác trong lúc đọc thành tiếng (Marshall & Newcombe, 1973; Patterson & Marcel, 1977; Shallice & Warrington, 1975). Mặc dù y văn mô tả khác nhau về RLĐ sâu, những người mắc chứng này biểu hiện một số triệu chứng tiêu biểu, bao gồm (a) suy giảm nặng việc đọc các từ giả (vd mất khả năng đọc từ blik); (b) lỗi về nghĩa khi đọc thành tiếng (vd apple được đọc là banana; window được đọc là door); (c) lỗi thị giác trong lúc đọc (vd table được đọc thành cable; goal được đọc thành goat); (d) lỗi hình thái (morphological) trong lúc đọc (vd baking đọc thành baked; drives đọc thành drive); (e) ảnh hưởng hình ảnh khi đọc từ, với việc đọc các từ cụ thể (concrete) và có thể hình dung thì đọc dễ hơn (nghĩa là độ chính xác cao hơn khi đọc horse so với freedom); và (f) ảnh hưởng vai trò trong lời nói với sự chính xác cao hơn khi đọc các từ mang nội dung so với các từ chức năng (vd độ chính xác của bee thì cao hơn be).

Mô hình hai con đường truyền thống đã giải thích RLĐ sâu là khiếm khuyết hai chiều trong các tiến trình đọc từ vựng và không từ vựng. Theo cách lý giải này, các lỗi trong việc đọc từ giả có thể được lý giải như là khiếm khuyết chuyển đổi từ vị-âm vị, và các lỗi từ vựng (đặc biệt là lỗi về ngữ nghĩa) có thể được lý giải như là khiếm khuyết nơi nào đó trong con đường từ vựng, trong lúc truy cập ngữ nghĩa, xử lý ngữ nghĩa, hoặc xử lý âm vị. Một giả thuyết được đề nghị gần đây (sự thất bại của thuyết ức chế, FIT) gợi ý rằng các triệu chứng của RLĐ sâu (đặc hiệu nhất là tạo các lỗi ngữ nghĩa) do mất khả năng ức chế lựa chọn mục tiêu không phù hợp ở mức POL (Colangelo & Buchanan, 2006, 2007). Tuy nhiên, các chứng cứ khác chỉ ra rằng người có RLĐ sâu biểu hiện sự khác biệt trong xử lý ngữ nghĩa mà không giới hạn trong việc đọc, cho rằng các lỗi ngữ nghĩa có thể do khiếm khuyết xảy ra trước tiến trình xử lý âm vị (Riley & Thompson, 2010).

Mặc dù FIT (Colangelo & Buchanan, 2006, 2007) và chứng cứ từ Riley và Thompson (2010) hầu như đề cập trực tiếp đến câu hỏi về các lỗi từ vựng-ngữ nghĩa trong RLĐ sâu theo cách lý giải của mô hình hai con đường, cả hai lý thuyết đều tương hợp với cách lý giải theo mô hình các mối liên kết của RLĐ sâu. Trong mô hình các mối liên kết, RLĐ sâu có thể được lý giải theo hệ thống âm vị bị suy yếu (tương hợp với FIT) hoặc các mối liên kết giữa tiến trình xử lý ngữ nghĩa và âm vị bị suy yếu (tương hợp với chứng cứ từ Riley & Thompson, 2010).

Rối loạn đọc Âm vị

RLĐ âm vị liên quan đến khiếm khuyết trong xử lý đọc chữ viết theo con đường không từ vựng, biểu hiện đặc biệt như là khiếm khuyết đọc từ giả nhưng không có lỗi về đọc ngữ nghĩa (Beauvois & Dérouesné, 1979; Dérouesné & Beauvois, 1979; Ellis & Young, 1988). Trong tiến trình đọc thành tiếng các từ giả, các lỗi từ hóa (vd từ giả blaf được đọc thành black) là phổ biến trong RLĐ âm vị nhưng không phổ biến. Ngoài triệu chứng điển hình của RLĐ âm vị, trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã nhận thấy những người có RLĐ âm vị thường biểu hiện vài triệu chứng trùng lắp với RLĐ sâu, bao gồm các lỗi hình ảnh và hiệu ứng hình ảnh, và các lỗi ngữ nghĩa là triệu chứng duy nhất có tính cố định để xác định sự khác biệt giữa hai phân nhóm rối loạn (Crisp & Lambon Ralph, 2006; Friedman, 1996; Glosser & Friedman, 1990).

Các mô hình hai con đường theo truyền thống đã lý giải RLĐ âm vị như là khiếm khuyết trong tiến trình đọc không từ vựng. Cụ thể hơn, trong mô hình này, các lỗi đọc từ giả có thể được lý giải là khiếm khuyết về chuyển đổi tự vị – âm vị. Lỗi hình ảnh và chuyển thành từ thật (từ vựng hóa) được lý giải trong mô hình hai con đường như là sự phụ thuộc quá mức vào đọc theo từ vựng (vd do khiếm khuyết con đường không từ vựng, từ giả tavder được xử lý theo con đường từ vựng và đọc thành từ thật ladder, với cả lỗi từ hóa và lỗi tương đồng hình ảnh với từ mục tiêu là từ giả). Tuy nhiên, hiệu ứng hình ảnh thì khó lý giải hơn theo mô hình hai con đường vì hiệu ứng hình ảnh nhìn chung đi kèm với xử lý ngữ nghĩa, và mô hình hai con đường không đưa ra khái niệm rõ ràng về sự liên hệ giữa xử lý ngữ nghĩa và đọc không từ vựng. Mô hình các mối liên kết lý giải RLĐ âm vị chủ yếu là sự suy yếu chung của xử lý âm vị. Mặc dù một số chứng cứ cho rằng người có RLĐ âm vị không có biểu hiện như khiếm khuyết âm vị nói chung (Colheart, 1996; Tree & Kay, 2006), những chứng cứ khác tranh luận rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khiếm khuyết âm vị ở những bệnh nhân này biểu hiện ở các khía cạnh khác chứ không chỉ ở kĩ năng đọc và sự trùng lắp về đánh vần cũng như các hoạt động khác không bao gồm xử lý chính tả (Patterson & Lambon Ralph, 1999; Rapcsak và cs. 2009; Welbourne & Lambon Ralph, 2007).

Rối loạn đọc Sâu và Rối loạn đọc Âm vị: hai mặt của cùng một đồng tiền? 

Hầu hết chứng cứ hiện có xem RLĐ sâu và RLĐ âm vị như là hai phân nhóm riêng biệt của RLĐ mắc phải. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng RLĐ sâu và RLĐ âm vị nhìn chung không phải là hai rối loạn riêng biệt, nhưng đơn giản nằm trong tiến trình khiếm khuyết RLĐ, với RLĐ âm vị biểu hiện ở mức nhẹ và RLĐ sâu biểu hiện ở mức rối loạn nặng (Crisp & Lambon Ralph, 2006; Friedman, 1996; Glosser & Friedman, 1990). Quan điểm này dựa trên chứng cứ trùng lắp quan trọng giữa những người có chẩn đoán RLĐ sâu so với RLĐ âm vị cũng như kiểu hồi phục (Crisp & Lambon Ralph, 2006). Tác giả Friedman (1996) báo cáo về 5 người dường như có thay đổi về khiếm khuyết đọc trong tiến trình phục hồi, với các triệu chứng của RLĐ sâu thậm chí ban đầu xuất phát từ các triệu chứng của RLĐ âm vị. Đối với tất cả người có RLĐ được nghiên cứu trong nghiên cứu này, triệu chứng đầu tiên của sự hồi phục là sự giảm đáng kể và cuối cùng là mất hẳn các lỗi về đọc ngữ nghĩa. Triệu chứng cuối cùng ảnh hưởng đến việc đọc từ giả có cải thiện đáng kể ở nhừng người này nhưng không có ai hồi phục hoàn toàn, do vậy, cá nhà nghiên cứu cho rằng RLĐ sâu và RLĐ âm vị không phải là các rối loạn độc lập nhưng biểu hiện các mức độ nặng khác nhau (Friedman, 1996). Các thành phần của giả thuyết một tiến trình liên tục đưa ra chứng cứ ủng hộ phần nào có tính thuyết phục. Lý do vì sao các nghiên cứu trước đó không áp dụng quan điểm về RLĐ theo phổ liên tục có thể là do số trường hợp ở mỗi hai đầu của độ nặng trong các nghiên cứu này là không tương xứng (nghĩa là có nhiều ca ở khoảng giữa hơn, nhưng không được báo cáo).

(còn tiếp)

Nguồn: Riley, E. A., Brookshire, C. E., & Kendell, D.L. The acquired disorders of Reading. Aphasia and Related Neurogenic Communication Disorders (2nd Edition). Jones & Bartlett Learning. Pp 198-202.

 Bản quyền bản dịch thuộc Dự án “Phát triển Đào tạo Ngôn ngữ trị liệu tại Việt Nam” của tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan