Đào tạo nhân lực Phục hồi chức năng chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu

Từ tháng 4/2022 tới tháng 01/2023, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng tổ chức khóa đào tạo 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật phục hồi chức năng chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu.

                                     Học viên thực hành can thiệp PHCN cho bệnh nhân rối loạn nuốt

 Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ Dự án Hòa nhập do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với mục tiêu chung là cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật (NKT) ở các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam gồm 8 tỉnh là Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước. Chủ Dự án là Trung tâm Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (gọi tắt là NACCET). Hai đơn vị quản lý của hoạt động đào tạo này là Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD). Đơn vị trực tiếp thực hiện là Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV).

Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) là một lĩnh vực chuyên môn gồm các dịch vụ về đánh giá, chẩn đoán, tạo chức năng, phục hồi chức năng, tư vấn và phòng ngừa cho người có rối loạn về âm ngữ, ngôn ngữ, giọng nói, độ lưu loát trong giao tiếp, nhận thức, và nuốt do sự chậm trễ trong phát triển hoặc do chấn thương, ung thư, đột quỵ hoặc bệnh thần kinh tiến triển.

Trên thế giới, NNTL đã được hình thành và phát triển từ hơn 100 năm, tính từ khi tổ chức chuyên môn đầu tiên về NNTL tại Mỹ (ASHA) được thành lập. Đến nay, NNTL đã trở thành lĩnh vực góp phần quan trọng trong PHCN tại nhiều quốc gia phát triển.

Ở Việt Nam, mặc dù thực hành NNTL đã bắt đầu từ lâu nhưng nguồn nhân lực còn rất khan hiếm do công tác đào tạo NNTL đang trong giai đoạn bắt đầu, mới được đưa vào chương trình đào tạo chính quy (hệ Cử nhân và Thạc sĩ) trong 5 năm trở lại đây tại Đại học Y Dược TP.HCM, Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược (ĐHKTYD) Đà Nẵng và Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Tuy nhiên, những chương trình dài hạn sẽ cần một khoảng thời gian dài để đào tạo được đội ngũ cán bộ làm NNTL chuyên nghiệp, có trình độ Cử nhân trở lên, trong khi đó nhu cầu về dịch vụ NNTL của bệnh nhân/NKT đang ngày một nhiều. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết này, các chương trình đào tạo trung hạn về NNTL là giải pháp thiết thực nhằm góp phần tăng cường tiếp cận dịch vụ NNTL cho người dân trong giai đoạn hiện nay.

                                  Học viên thực hành can thiệp NNTL giúp trẻ cải thiện chức năng ngôn ngữ.

Là một trong những đơn vị thực hiện Dự án Hòa nhập, MCNV đã phối hợp với Trường ĐHKTYD Đà Nẵng xây dựng chương trình khóa đào tạo 9 tháng về Bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật PHCN chuyên ngành NNTL dành cho 28 cán bộ y tế tới từ các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum và Bình Định.

Mục tiêu của khóa đào tạo này là trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng lượng giá; thực hiện các can thiệp về phát âm, ngôn ngữ, giọng nói, độ lưu loát, các vấn đề rối loạn giao tiếp, rối loạn nuốt… Bên cạnh giảng dạy về chuyên môn, chương trình học cũng có thêm các nội dung như kỹ năng thực hành chuyên nghiệp trong NNTL, năng lực làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và kỹ năng tự học.

Khóa đào tạo khai giảng vào tháng 4/2022, gồm 3 kỳ học, mỗi kỳ kéo dài 12 tuần, với tổng số 900 tiết học, trong đó 3/4 thời gian đào tạo được dành cho thực hành lâm sàng tại các cơ sở y tế lớn tại Thành phố (Tp.) Đà Nẵng như Bệnh viện 199 – Bộ Công an, Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Đà Nẵng, Bệnh viện PHCN Tp. Đà Nẵng và Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng.

Sau 9 tháng học lý thuyết và thực hành, 28/28 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo. Ngày 21/02/2023 trường ĐHKTYD Đà Nẵng đã phối hợp với MCNV tổ chức lễ bế giảng khoá đào tạo và trao chứng chỉ cho các học viên.

                                                Lễ bế giảng khóa đào tạo NNTL 9 tháng

Tại lễ bế giảng, các học viên đã chia sẻ cảm nhận của mình về khóa học.

Học viên Hồ Sĩ Tâm Minh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị) cho biết:

“Suốt khóa học, chúng tôi được hướng dẫn trực tiếp bởi các giảng viên, chuyên gia đầu ngành NNTL như TS. Lê Khánh Điền (Phó Chủ tịch Hội NNTL Châu Á – Thái Bình Dương) và học trực tuyến với giảng viên quốc tế đến từ Australia. NNTL là chuyên ngành rất mới nên các thầy cô luôn chú trọng việc dịch thuật, soạn thảo, tổng hợp lại các tài liệu một cách hệ thống để truyền đạt kiến thức tới học viên một cách hiệu quả nhất. Nội dung tôi tâm đắc và quan tâm nhất là rối loạn nuốt và rối loạn ngôn ngữ ở người lớn. Tôi tin rằng nội dung này sẽ giúp ích cho công tác PHCN cho bệnh nhân đột quỵ, sau phẫu thuật chấn thương… mà khoa PHCN nơi tôi công tác thường tiếp nhận”.

Học viên Võ Thị Hòa (Bệnh viện PHCN tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ:

“NNTL là chuyên ngành rất thú vị, ý nghĩa. Không chỉ học về lý thuyết, tôi còn được tham gia thực hành lâm sàng về lượng giá, can thiệp cho trẻ tự kỷ, trẻ chậm nói tại Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Đà Nẵng, Bệnh viện 199 và Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Tôi tâm đắc nhất khi được học về các mốc phát triển của trẻ và các phương pháp can thiệp sử dụng các trò chơi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Những giờ học trực tuyến với giảng viên nước ngoài thông qua phiên dịch cũng rất bổ ích. Tôi hi vọng sẽ tiếp tục được hướng dẫn thêm khi trở về công tác tại đơn vị”.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các học viên đã trở về tiếp tục công tác tại các cơ sở y tế, đơn vị PHCN tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum và Bình Định, triển khai cung cấp dịch vụ NNTL cho bệnh nhân/NKT./.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/dao-tao-nhan-luc-phuc-hoi-chuc-nang-chuyen-nganh-ngon-ngu-tri-lieu-169230412160601873.htm

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan