Các mốc phát triển về giao tiếp của trẻ như thế nào?

Làm thế nào để bé tìm hiểu về mối giao tiếp với những người xung quanh? Khi nào bé bắt đầu biết kết bạn? Tất cả đều nhờ bố mẹ – những người bạn đầu tiên trong cuộc đời của bé.

Khi nào bé bắt đầu giao tiếp?

Trong năm đầu đời, bé hầu như chỉ giới hạn giao tiếp với bố mẹ. Tất cả nỗ lực, sự tập trung của bé đều dồn vào việc mày mò năng lực của bản thân và khám phá thế giới xung quanh như quan sát, cầm nắm đồ vật, học lật, học bò, học đi, học nói…
Ngay cả khi bé vẫn còn chưa biết bập bẹ, cứ mỗi lần được bố mẹ hỏi chuyện hoặc đọc truyện cho nghe là bé đã bắt đầu tiếp thu để chuẩn bị cho giai đoạn ngôn ngữ phát triển hơn về sau này.
Khi lên 2 tuổi, bé sẽ rất thích chơi cùng với các bạn nhỏ khác thế nhưng, kỹ năng giao tiếp này cần phải rèn luyện thêm một thời gian nữa mới có thể hoàn thiện. Bé có thể sẽ trở nên khá ích kỉ, không bao giờ muốn chia sẻ đồ chơi với người khác. Tuy vậy khi bé lớn lên và học được cách cảm thông với người xung quanh, bé sẽ trở thành một người bạn tốt hơn. Cho đến khi bé 3 tuổi, bé bắt đầu tò mò và học cách để kết bạn với những đứa trẻ xung quanh.

Kĩ năng giao tiếp phát triển thế nào?

– 1 tháng tuổi: Từ khi sinh ra đời bé đã là một con người của xã hội. Bé thích được âu yếm, được bế bồng, chăm sóc, trò chuyện, mỉm cười… Trong tháng đầu tiên, bé sẽ bắt đầu thử nghiệm với gương mặt của mình. Bé thích được nhìn ngắm mặt của bố mẹ và thậm chí còn có thể bắt chước cả các biểu cảm trên gương mặt bố mẹ nữa.
Bé cũng đã bắt đầu lắng nghe và học hỏi từ những âm thanh xung quanh hoặc do bạn tạo ra. Giao tiếp bằng ánh mắt rất quan trọng, do đó bạn hãy nhớ nhìn vào mắt bé mỗi lần trò chuyện nhé! Dần dà, bé sẽ bớt khóc quấy để bập bẹ những tiếng đầu tiên, chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển hơn của ngôn ngữ.
– 3 tháng tuổi: Bé đã quan sát và học hỏi được khá nhiều điều mới lạ từ những thứ quanh mình. Có thể bé sẽ có nụ cười đầu tiên trong đời – một khoảnh khắc quan trọng với hầu hết các bậc cha mẹ. Không lâu sau đó, bé sẽ trở nên thành thục hơn, vừa cười với bố mẹ đồng thời vừa ríu rít bằng thứ ngôn ngữ trẻ con riêng của mình.
– 4 tháng tuổi: Bé dần trở nên cởi mở hơn với những người xung quanh. Tuy nhiên vẫn không ai có thể thay thế vị trí của bố mẹ trong lúc này. Từ những phản ứng phấn khởi, ánh mắt vui sướng và nụ cười chứng tỏ sợi dây liên kết tình thân lúc này đang được thắt chặt dần.Bé có thể bắt đầu tập nói và bạn sẽ phải ngạc nhiên vì những bước phát triển nhảy vọt của bé trong thời gian này. Để khích lệ, bạn hãy cổ vũ hoăc nói chuyện nhiều với trẻ bất cứ khi nào có thể.
– 7 tháng tuổi: Bé vẫn chơi một mình do chưa biết cách để chơi với những đứa trẻ khác. Khi bé bắt đầu biết tự chủ hơn, bé dần cảm thấy thú vị khi ở cạnh bạn bè, được sờ, cầm hoặc với lấy chúng. Thậm chí bé nhà bạn còn có thể hứng chí nhại lại cả âm thanh của em bé khác.
Lúc này bé đã quen với những gương mặt mà bé thường xuyên tiếp xúc như bố mẹ, ông bà… Vài tháng tới có thể bé sẽ bắt đầu tỏ ra sợ sệt với những người lạ mặt và đấu tranh với sự lo âu khi mẹ không có ở bên.
– 12 tháng tuổi: Đến hết năm tuổi đầu tiên, bé cưng có vẻ khá chống đối. Bé khóc quấy khi mẹ rời đi hoặc bồn chồn, khó chịu khi không nhận ra những gương mặt thân quen xung quanh mình. Hầu như đứa bé nào cũng phải trải qua giai đoạn tách mẹ khó khăn này, đỉnh điểm là khi bé khoảng từ 10-18 tháng tuổi. Đôi lúc sự hiện diện của mẹ chính là cách duy nhất khiến bé bình tĩnh trở lại.
– 13-23 tháng tuổi: Khi bé bắt đầu học nói và giao tiếp, bé cũng sẽ học cách để kết bạn. Ở độ tuổi này bé rất thích được chơi cùng với những đứa trẻ khác cho dù là bằng tuổi hay lớn tuổi hơn.Khoảng từ 1-2 tuổi, bé rất quyết liệt trong việc bảo vệ đồ chơi của mình, điều này có thể khiến bố mẹ không vui vì nghĩ bé ích kỉ và cần phải học cách chia sẻ.Bạn có thể nhận thấy rằng bé dành rất nhiều thời gian để quan sát và bắt chước bạn bè. Bé còn muốn khẳng định sự độc lập của mình bằng cách nhất quyết không chịu nắm tay mẹ khi đi ngoài đường hay trở nên giận dữ vì bạn không cho phép bé mang đồ chơi lên giường ngủ…
– 24 đến 36 tháng tuổi: Khoảng từ 2-3 tuổi, bé luôn tự coi mình là “cái rốn vũ trụ”. Bé chẳng mảy may quan tâm xem người khác muốn gì hay cảm thấy thế nào bởi bé luôn cho rằng mọi người đều theo ý của bé. Đừng quá lo lắng, khi lớn lên một chút, cộng với sự hướng dẫn, dạy dỗ của bố mẹ, bé sẽ dần học được cách chia sẻ, quan tâm cũng như có được một vài người bạn đặc biệt đấy.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Theo thời gian, bé cưng nhà bạn sẽ cảm thấy hứng thú với những mối quan hệ với người xung quanh, đặc biệt là với những đứa trẻ khác. Bé sẽ học cách để đối đáp trong những tình huống xã hội thông qua việc quan sát và tiếp xúc với bạn bè giúp cho kĩ năng giao tiếp được nâng cao.
Một khi bé hiểu được sự đồng cảm với người khác và sẽ vui biết bao khi có các bạn cùng chơi, bé sẽ có thể phát triển những tình bạn thật trong sáng, hồn nhiên và dễ thương.

Vai trò của bố mẹ

Hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện đối mặt với con, nhất là trong những tháng đầu đời. Nếu có thể mời người thân, họ hàng tới thăm thì rất hay vì trẻ con rất thích khách khứa tới nhà, khi đó tất cả mọi người đều dồn hết sự quan tâm lại cho thành viên nhỏ nhất trong nhà – là bé đây!
Đừng quá lo lắng hoặc xấu hổ vì bé thường hay cáu kỉnh kì lạ. Đây là chuyện rất bình thường sẽ xuất hiện khi bé khoảng 7 tháng tuổi. Nếu bé khóc khi bạn đưa bé cho người khác bế, hãy nhanh chóng nhận lại bé và thử trao bé lại một cách từ từ.
Hãy để cho bé cảm thấy thoải mái trong vòng tay của bạn khi có mặt mọi người ở xung quanh. Sau đó, để cho từng người nói chuyện, chơi với bé trong khi mẹ vẫn bế bé. Khi bé đã quen dần, mẹ từ từ đưa bé cho một người khác và vẫn đứng bên cạnh. Cuối cùng, mẹ thử tránh mặt đi một chút để xem bé phản ứng như thế nào. Nếu bé bắt đầu tỏ ra không vui và khóc lóc, bạn hãy nhanh chóng quay về phòng và thử lại vào lần sau. Việc mẹ đi đi về về như vậy dần dà sẽ giúp bé quen dần và không khóc nữa vì bé hiểu được rằng, cho dù mẹ đang không có mặt ngay lúc này, nhưng rồi mẹ cũng sẽ quay lại ngay mà thôi.
Cho bé thường xuyên giao lưu với những đứa bé khác sẽ giúp bé dạn dĩ hơn trong giao tiếp. Tuy vậy, bạn cũng nên sắp xếp đủ đồ chơi cho từng bé nhé vì rất có thể các bé sẽ không thích việc chia sẻ đồ chơi cho nhau.
Việc tự coi mình là trung tâm cũng khá phổ biến trong giai đoạn bé 2-3 tuổi nhưng bố mẹ vẫn phải hướng dẫn và nói cho bé biết thế nào là hành vi tốt hoặc không tốt. Hãy trở thành tấm gương cho con trong giao tiếp, thường xuyên nói “làm ơn”, “cám ơn”, khen ngợi khi người nào đó làm hoàn thành tốt công việc và cũng cho bé thấy bạn rất vui lòng khi chia sẻ bữa ăn hoặc một cuốn tạp chí với người khác.
Độ tuổi này bạn có thể cho bé đi nhà trẻ để bé có thể tiếp xúc với những đứa trẻ khác, dần dần bé sẽ học cách để đối xử, để kết bạn và để trở thành một người bạn.

Khi nào cần lo lắng?

Nếu đến 1 tuổi mà bé không thể rời mẹ, hoặc không có hứng thú để chơi với ai khác ngoài bố mẹ, hoặc bé chẳng muốn giao tiếp với bố mẹ, bạn hãy hỏi ngay ý kiến chuyên môn của bác sĩ.Những đứa bé từ 1-3 tuổi có thể trở nên không thân thiện với những đứa trẻ khác, nhất là vì tranh giành đồ chơi. Bé có thể đánh, cào cấu, thậm chí là cắn bạn cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu bé trở nên quá hung hãn và lúc nào cũng cắn, cào, đánh những bạn chơi cùng (những hành vi này thường phát sinh trong nỗi sợ hãi và bất an), bạn hãy nhờ đến bác sĩ để tư vấn về tình trạng của bé nhé!

Nguồn: https://www.beyeu.com/cac-moc-phat-trien-cua-tre-giao-tiep

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Liên Quan